Chủ động tham mưu, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng

Chính trị - Ngày đăng : 06:07, 14/10/2013

(HNM) - Gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ TP Hà Nội, với tinh thần tích cực, sáng tạo, quyết tâm cao, ngành tổ chức xây dựng Đảng đã chủ động tham mưu hoàn thành tiến độ, chất lượng các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình xây dựng đảng.

Những cách làm mới trong đánh giá, quy hoạch cán bộ cho đến tham mưu ban hành các chủ trương về củng cố, kiện toàn đồng bộ hệ thống chính trị ở cơ sở… đã tạo bước chuyển mạnh mẽ trong công tác xây dựng đảng, khẳng định quyết tâm của Đảng bộ Thủ đô trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) và các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ TP.

Một lớp đào tạo cán bộ nguồn tại Trường Cán bộ Lê Hồng Phong (Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt



Đổi mới đồng bộ công tác cán bộ

Trong những năm qua, công tác cán bộ luôn được Thành ủy xác định là khâu đột phá. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết TƯ 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", công tác cán bộ tiếp tục được xác định là khâu "then chốt của then chốt". Mục tiêu của Đảng bộ Thủ đô là đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác này trên hai phương diện: Nâng cao chất lượng đội ngũ nhằm tạo chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định bảo đảm đồng bộ, thống nhất, khắc phục những yếu kém, bất cập, chồng chéo trong thực hiện các khâu của công tác cán bộ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đảng bộ Hà Nội phải đi đầu, làm gương trong tổ chức thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI)", Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch số 78-KH/TU, ngày 27-12-2012 của Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy về thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt thành phố và lãnh đạo một số sở, ngành (gồm 17 đồng chí UVBTV Thành ủy; 3 đồng chí TUV là Phó Chủ tịch UBND TP; cấp trưởng, cấp phó của 7 sở, ngành). Với cách làm khoa học, công khai, dân chủ, phù hợp với tình hình thực tiễn, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm bước đầu đã đạt kết quả tích cực, phản ánh trung thực, khách quan mức độ tín nhiệm của từng đồng chí.

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 165-QĐ/TƯ, ngày 18-2-2013 "về việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội", Ban Tổ chức Thành ủy đã chủ động tham mưu ban hành Hướng dẫn thực hiện trong toàn Đảng bộ thành phố. Các cấp ủy đã mạnh dạn đổi mới công tác đánh giá cán bộ gắn với khắc phục hạn chế, yếu kém được chỉ rõ trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI). Nhiều cấp ủy thay vì một năm một lần đã thực hiện hai lần/năm việc đánh giá cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý; mở rộng đối tượng tham gia đánh giá. Điều này đã tạo nên hiệu ứng tốt, muốn được nhận xét, đánh giá tốt đòi hỏi cán bộ phải tích cực giải quyết công việc được giao. Cũng từ thay đổi tư duy, đồng thời thông qua tổ chức kiểm điểm gắn với đánh giá cán bộ, phân loại TCCS đảng và đảng viên năm 2012, toàn Đảng bộ đã phát hiện 56 tổ chức và 353 cá nhân vi phạm khuyết điểm, đã xử lý 24 tổ chức và 318 cá nhân theo quy định. Các cấp ủy cơ sở tập trung thực hiện khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; hiệu quả công việc được nâng lên; trách nhiệm của cấp ủy, nhất là người đứng đầu được xác định rõ hơn.

Nếu như việc đổi mới cách đánh giá đã giúp đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý nâng cao tinh thần làm việc, trách nhiệm đối với công việc thì chủ trương đào tạo cán bộ nguồn đã được thực hiện đạt kết quả bước đầu. Đã có 8 lớp cán bộ nguồn công tác đảng, cán bộ nguồn chủ chốt cơ sở với gần 800 học viên được tổ chức. Trong đó có 2 lớp đã tốt nghiệp hiện đang được bố trí học viên đi thực tế ở các xã, phường, thị trấn. Thành phố chuẩn bị khai giảng 2 lớp vào cuối năm 2013 và như vậy, mục tiêu đào tạo 1.000 cán bộ nguồn theo Chương trình số 01 của Thành ủy để bổ sung đội ngũ cán bộ trước mắt và các nhiệm kỳ tới cơ bản hoàn thành. Ngoài ra, tại các quận, huyện, thị xã cũng đã tổ chức hàng chục lớp đại học chuyên ngành nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở.

Dấu ấn đậm nét nhất trong năm 2013 chính là công tác quy hoạch cán bộ. Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu với BTV Thành ủy triển khai thực hiện với tinh thần dân chủ, công khai, sáng tạo, xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo chủ chốt thành phố bảo đảm về số lượng, chất lượng, đáp ứng mục đích, yêu cầu. Thành ủy đã thực hiện tốt quy trình giới thiệu, lựa chọn được 277 cán bộ đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 và các nhiệm kỳ tiếp theo. 58 cấp ủy trực thuộc Thành ủy và 65 sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị thuộc TP đã hoàn thành và được BTV Thành ủy phê duyệt quy hoạch cấp ủy và các chức danh cán bộ diện BTVTU quản lý. Các cấp ủy trực thuộc, cơ quan, đơn vị cũng đã thực hiện giới thiệu quy hoạch các chức danh diện đơn vị quản lý theo phương châm "mở" và "động", hệ số đạt 1,5-2 lần so với số lượng cấp ủy. Cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ đều từ 15% trở lên.

Kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Tổ chức Thành ủy đã triển khai 15 đề án, chuyên đề cụ thể hóa Chương trình số 01 của Thành ủy. Ban đã tham mưu BTV Thành ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng, đoàn thể đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước. Kết quả đã có 160 tổ chức đảng, với 1.452 đảng viên; 364 tổ chức công đoàn; 60 tổ chức đoàn; 25 chi hội phụ nữ… được thành lập trong khu vực này trong hơn một năm qua.

Đặc biệt, sau khi khảo sát thực tế, trên địa bàn thành phố đang có tới 159 thôn (thuộc xã) có 1.000 hộ dân trở lên, địa bàn rộng, dân cư nhiều nên đã hình thành nhiều chi bộ lãnh đạo 1 thôn gây nhiều bất cập. Chưa kể ở phường, thị trấn hiện có 7.404 tổ dân phố, quy mô không đồng đều, nhiều tổ dân phố hiện nay không có đủ số đảng viên để thành lập chi bộ dẫn đến tình trạng tổ chức chi bộ và hệ thống chính trị không đồng bộ. Từ thực tiễn đó, Ban Tổ chức đã tham mưu với Thành ủy ban hành Đề án số 06-ĐA/TU ngày 26-9-2013 về "Kiện toàn, sắp xếp mô hình tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã phường thị trấn thuộc TP Hà Nội". Đây là một Đề án quan trọng, giúp giải quyết những bất cập trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở hiện nay. Mục tiêu đặt ra là, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức đảng ở địa bàn dân cư thuộc các đảng bộ xã, phường, thị trấn phải bảo đảm tính ổn định - đồng bộ - thống nhất trong toàn thành phố; duy trì mô hình đang hoạt động ổn định, hiệu quả; chỉ sắp xếp, kiện toàn ở những nơi chưa đồng bộ.

Tới đây, Ban Tổ chức Thành ủy cùng với các quận, huyện, thị ủy sẽ triển khai tổ chức thực hiện Đề án; sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn số 17-HD/TU ngày 31-5-2004 của Thành ủy về "Chức năng, nhiệm vụ và tổ chức chi bộ tổ dân phố, khu dân cư trực thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội" và Hướng dẫn số 18-HD/TU ngày 31-5-2004 của Thành ủy về "Chức năng, nhiệm vụ và tổ chức chi bộ thôn, xóm trực thuộc đảng bộ xã thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội"... Những việc làm này nhằm củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng và hiệu quả hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Bình Yên