Khủng hoảng chính trị tại Ai Cập: Chưa có thỏa hiệp
Thế giới - Ngày đăng : 07:10, 13/10/2013
Thủ đô Cairo vẫn bất ổn. |
Những người biểu tình mang theo logo bàn tay bốn ngón, biểu tượng của quảng trường Rabaa Al-Adawiya thuộc quận Nasr City, nơi diễn ra cuộc biểu tình ngồi kéo dài hơn 6 tuần lễ của những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất M.Morsi. Họ hô vang khẩu hiệu phản đối quân đội và Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah El-Sisi và khẳng định sẽ đấu tranh cho đến khi vị tổng thống dân bầu đầu tiên tại Ai Cập được phục chức. Đụng độ thêm một lần nổ ra khi cảnh sát và quân đội phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông. Cairo gần như đặt trong sự cảnh giác cao độ giữa lúc tổ chức Anh em Hồi giáo vừa kêu gọi tổ chức biểu tình triệu người tại quảng trường Tahrir trong những ngày nhạy cảm này. Hiện tại, có nhiều nguồn tin cho biết, phiên xét xử ông M.Morsi, với các cáo trạng kích động sát hại người biểu tình, sẽ bắt đầu vào ngày 4-11. Cùng hầu tòa với vị tổng thống bị phế truất còn có 14 bị cáo khác, cùng bị cáo buộc có liên quan tới sát hại người biểu tình bên ngoài dinh tổng thống hồi tháng 12-2012. Ông M.Morsi hiện đang bị giam giữ tại một địa điểm bí mật và nếu được đưa ra trong phiên tòa sắp tới thì đây sẽ là lần xuất hiện đầu tiên của ông trước công chúng kể từ khi bị hạ bệ.
Vì vậy, dư luận cho rằng bầu không khí ở đất nước Kim tự tháp sẽ được đốt nóng hơn nữa khi căng thẳng giữa những người ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo và chính phủ do quân đội hậu thuẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Kể từ sau chiến dịch đàn áp cứng rắn đối với phong trào Anh em Hồi giáo làm khoảng 650 người thiệt mạng và 2.000 người bị bắt giữ, biểu tình và bạo lực vẫn thường xuyên xảy ra tại quốc gia Bắc Phi như một sự kiện thường nhật. Lo ngại về một làn sóng bạo lực mới có thể gây bất ổn hơn nữa tại Ai Cập, Mỹ đã lên tiếng kêu gọi người biểu tình không kích động bạo lực trên đường phố ở thủ đô Cairo. Cùng thời gian này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng căng thẳng leo thang ở Ai Cập sau những vụ đụng độ chết người tại Cairo.
Vấn đề lớn nhất và khó giải quyết nhất tại Ai Cập hiện tại là sự đối nghịch giữa lực lượng ủng hộ Anh em Hồi giáo và chính phủ đương nhiệm. Trong khi Cairo tìm mọi cách loại bỏ quyền lực của phong trào Hồi giáo đã được thành lập cách đây hơn 80 năm thì tổ chức này vẫn chưa từ bỏ hy vọng trở lại nắm quyền. Một loạt động thái gần đây cho thấy các quyết định của Cairo đều nhằm đến một mục đích xóa bỏ sự tồn tại của tổ chức Anh em Hồi giáo trong xã hội Ai Cập. Mới đây, nội các lâm thời Ai Cập đã thành lập một ủy ban với thành phần gồm đại diện các bộ Đoàn kết xã hội, Nội vụ, Phát triển địa phương, Tư pháp và các cơ quan an ninh để thực hiện các quyết định của tòa án theo xu hướng này. Chính phủ lâm thời Ai Cập cũng đã rút giấy phép hoạt động của tổ chức phi chính phủ (NGO) do Anh em Hồi giáo thành lập vào tháng 3-2013 nhằm hợp thức hóa tư cách pháp nhân. Một ủy ban khác cũng được thành lập để quản lý tài sản bị phong tỏa của phong trào chính trị này cũng ra lệnh sung công các nguồn quỹ của Anh em Hồi giáo.
Những động thái kiên quyết của chính phủ, vì vậy, sẽ khó tránh khỏi việc sẽ tạo nên những làn sóng căng thẳng tiếp theo tại quốc gia vốn chìm trong bất ổn suốt hơn hai năm qua. Thực tế là, tổ chức này không dễ dàng chấp nhận việc bị gạt bỏ vai trò sau rất nhiều năm chờ đợi với hy vọng bước lên vũ đài chính trị Ai Cập và khu vực. Đây là một khó khăn lớn đối với chính phủ tại Cairo trong nỗ lực chấn hưng đất nước. Điều này được nhân lên khi mới đây, Washington đã tuyên bố cắt giảm viện trợ quân sự cho xứ Kim tự tháp. Theo đó, phần lớn viện trợ quân sự và tài chính cho Ai Cập sẽ bị tạm ngừng, trong đó có kế hoạch cung cấp một số thiết bị quân sự quy mô lớn cùng khoản tiền hỗ trợ tài chính khoảng 260 triệu USD. Mặc dù, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, quyết định này chỉ là tạm thời vì Ai Cập đang trong quá trình hướng tới việc thành lập một chính phủ đa đại diện thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Thế nhưng, từ tình hình hiện tại, có thể nhận thấy rằng Cairo vẫn đang trong quá trình tìm kiếm một con đường nhằm vượt thoát khỏi khủng hoảng chính trị, xã hội liên miên trong giai đoạn hậu Mùa xuân Arab.