Quảng Bình - Đẫm một trời nước mắt!

Chính trị - Ngày đăng : 07:07, 13/10/2013

(HNM) - Từ sáng sớm ngày 12-10, đường Hùng Vương, TP Đồng Hới (Quảng Bình) đã đông nghịt người, nối nhau dưới mưa tầm tã chờ đến lượt vào viếng Đại tướng - người con kiệt xuất của quê hương.

Người dân Quảng Bình viếng Đại tướng dưới trời mưa lớn. Ảnh: Ngọc Thanh



Chỉ còn một ngày nữa thôi, người dân Quảng Bình sẽ đón Đại tướng trở về. Lần trở về này ông sẽ ở lại hẳn trong lòng đất mẹ, giữa một miền cát trắng nhìn ra biển Đông, giữa nắng và gió của miền biển Quảng Bình... Như tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người con ưu tú nhất của mảnh đất giàu truyền thống anh hùng, trời Quảng Bình bỗng xuất hiện những cơn mưa xối xả từ sáng 11-10 rồi chuyển mưa rào nhẹ cho đến giữa trưa 12-10.

Trong cơn mưa khá nặng hạt, đúng 7h30, Quảng Bình bắt đầu lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ sáng sớm, hơn 1.000 thanh niên sinh viên trong màu áo xanh tình nguyện ôm ảnh Đại tướng đứng bên đường, hàng nghìn người thuộc các ban ngành đoàn thể, cơ quan đơn vị thuộc tỉnh Quảng Bình đã xếp hàng dài trước cổng UBND tỉnh Quảng Bình, nơi tổ chức lễ viếng chính thức. Hàng trăm sinh viên Đại học Quảng Bình mặc áo mưa, mang di ảnh trước ngực chờ đến lượt viếng Đại tướng.

Giữa tiếng trống nhạc trầm buồn, ông Lương Ngọc Bính - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Lễ tang tỉnh Quảng Bình, đọc điếu văn nhắc lại những dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhân dân Quảng Bình và quân, dân cả nước. Đoàn thắp hương đầu tiên trước bàn thờ là lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cùng khoảng 10 người thân họ hàng Đại tướng.

Tại Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở quê nhà huyện Lệ Thủy, lễ phát tang Đại tướng cũng được bắt đầu trọng thể và mở cửa để người dân vào viếng. Hàng trăm học sinh đã được xếp hàng ngay ngắn, đứng hai bên bờ sông Kiến Giang, ôm di ảnh của Đại tướng. Trên từng khuôn mặt của các em nhỏ, người dân đều không thể giấu được niềm xúc động, rơi lệ. Phía trong nhà lưu niệm của Đại tướng, người thân, gia quyến, bà con dân làng Lệ Thủy, nhân dân nhiều huyện của tỉnh Quảng Trị cũng đã có mặt, nườm nượp xếp hàng vào làm lễ viếng Đại tướng.

Tại UBND tỉnh Quảng Bình, bà Quế Thị Nhung, 79 tuổi, ở Yên Thành, Nghệ An cho biết, bà đi tàu hỏa ra Quảng Bình từ chiều 11-10 để chờ viếng Đại tướng. 5h sáng, bà đã có mặt trước cổng UBND tỉnh Quảng Bình và là người đến viếng Đại tướng sớm nhất. Mắt ngấn lệ, bà nói: “Tôi chưa được gặp Đại tướng, nhưng tôi quý nhất 3 người là Bác Hồ, Tướng Giáp và ông Phạm Văn Đồng. Giờ đây, ông Giáp là người cuối cùng trong 3 người tôi quý trọng đã không còn. Tôi hụt hẫng quá”. Cũng như bà Nhung, thương binh hạng 2/4, ông Đào Minh Tâm, năm nay đã 74 tuổi, ở Bảo Ninh, Đồng Hới bị cụt chân cũng chống nạng tìm đến UBND tỉnh Quảng Bình từ khi buổi lễ truy điệu chưa bắt đầu. Không áo mưa, chỉ đội một chiếc mũ mềm, CCB Đào Minh Tâm nghẹn ngào: “Mưa lớn thế này chứ có lớn hơn nữa tôi cũng chờ. Biết bao năm Đại tướng cùng quân, dân mưa dầm cơm vắt chứ mưa thế này đã thấm tháp gì. Hàng triệu người, hàng vạn cựu chiến binh vì đường xa có muốn cũng không thể về đây viếng Đại tướng, thắp hương cho Đại tướng được!”

Có mặt tại lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Toshio Goto, người Nhật Bản, Giám đốc Dự án gói thầu Nâng cao an toàn cầu đường sắt tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh bày tỏ: “Chiến tranh tại Việt Nam kết thúc khi tôi mới tròn 10 tuổi. Nhưng qua những tài liệu và qua các phương tiện thông tin Nhật Bản, tôi đã được biết đến Bác Giáp của các bạn. Tôi vô cùng kính trọng Bác và phần nào hiểu được tình cảm mà người Việt Nam dành cho Bác, đặc biệt là tại lễ viếng Người”.

Mưa lớn như nối dài thêm cảm xúc buồn đau thương tiếc mà người dân Quảng Bình dành cho người con ưu tú của quê hương. Bất kể trời mưa nặng hạt, trong buổi sáng 12-10, gần 250 đoàn đại biểu thuộc khối cơ quan, đơn vị, các tổ chức, đoàn thể, trường học của tỉnh Quảng Bình và các địa phương khu vực miền Trung đã đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tất cả đều chung một cảm xúc tiếc thương đối với sự ra đi của Đại tướng, người con của quê hương Quảng Bình, một vị tướng tài kiệt xuất của dân tộc Việt Nam và thế giới. Đại diện Hội đồng gia tộc dòng tộc họ Đậu (Hà Tĩnh) là bên ngoại của cụ Đậu Thị Thư, thân sinh cố phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp Nguyễn Thị Quang Thái, ông Đậu Đức Nam năm nay 72 tuổi hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh đã ra Quảng Bình để thay mặt dòng họ Đậu đến viếng Đại tướng. Ông nghẹn ngào: “Tôi đã từng hoạt động cùng với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại nhà tù Phú Quốc, rồi tham gia chiến đấu tại Binh đoàn Tây Nguyên. Tôi đến đây từ chiều qua và vô cùng xúc động vì Dòng tộc có người con rể, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị tướng kiệt xuất của dân tộc Việt Nam và cũng là vị tướng nổi tiếng trên thế giới”.

Cũng bay ra Quảng Bình từ Bến Tre, ông Trần Văn Thuận xúc động: “Lúc đầu bác Giáp chỉ có 34 người mà sau đó có cả một lực lượng QĐND Việt Nam hùng mạnh đánh tan hai kẻ thù xâm lược lớn trên thế giới. Bác đúng là một trong những vị tướng thiên tài của thế giới. Đại tướng mất đi, đối với người dân cả bên Lương và Giáo đều là một sự mất mát lớn”. Còn ngay tại trên quê hương mình, bà Đoàn Thị Mỹ, 78 tuổi, là giáo viên đã nghỉ hưu bày tỏ niềm thương tiếc: “Tôi rất tự hào vì Đại tướng là người của quê hương Quảng Bình, ngày mai dù thế nào tôi cũng phải đi dự lễ an táng Đại tướng”.

Quá trưa, trời Quảng Bình dần ngớt mưa rồi hửng nắng. Bên phía ngoài cổng UBND tỉnh Quảng Bình, sau cả buổi sáng đứng dưới mưa, dòng người dân vẫn kiên nhẫn chờ đợi để được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tăng ni Phạm Thị Xuân, (54 tuổi), chùa Pháp Duyên, Quảng Bình nghẹn ngào: “Ngày ni và những ngày sau, còn sống ngày nào sẽ làm theo tâm nguyện của Đại tướng để lại, sống có ích cho đời, đóng góp công sức của mình, xây dựng nước nhà”. Còn chị Nguyễn Thị Lan, Cựu thanh niên xung phong năm 1972 đến từ xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình cùng chồng Nguyễn Trung Thành, CCB đã từng tham gia chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị nói trong tiếng nấc nghẹn: “Vợ chồng tôi vô đã chờ từ rất lâu rồi để được vào thắp cho Đại tướng nén tâm nhang. Bác như một người cha, người ông trong chiến trận cũng như trong cuộc sống bình dị hằng ngày”.

Không chỉ là những lời kể, lời nói nghẹn ngào của đồng bào, nhân dân cả nước về dự lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong 5 cuốn sổ tang mà Ban lễ tang Quảng Bình để kề bên hội trường, những dòng chữ đầy ắp nghĩa tình mà người dân Việt mong muốn được gửi tới vong hồn Đại tướng. Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Dụ bày tỏ: “Vô cùng thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng kiệt xuất và người anh hùng vĩ đại, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình vô cùng kính thương…”. Ông Nguyễn Văn Khoa, trú tại Tiểu khu 4, thị trấn Hoàn Lão, Bố Trạch, Quảng Bình đã cẩn thận chép nguyên bài thơ Vị tướng của Nhân dân mà ông đã sáng tác sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất vào sổ tang để tỏ lòng thành kính: “Có một vì sao sáng nhất, trong muôn vàn vì sao, có một con người đẹp nhất, trong trăm triệu con người, có một tướng tài, người con Quảng Bình... Vì sao ấy, tướng tài ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lừng danh…”. Thay mặt Ban liên lạc chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, CCB Nguyễn Mậu Kiên xúc động ghi sổ tang như một lời than: “Ôi thương quá, kính trọng quá, cầu cho Đại tướng an giấc ngàn thu”. Còn ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình đã thay mặt ngành GTVT Quảng Bình xúc động ghi lại: “Dẫu biết là quy luật của tạo hóa nhưng sự ra đi của Bác để lại muôn vàn thương tiếc cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong đó có CBCNV ngành GTVT, ngành được Bác hết sức quan tâm, chỉ đạo sát sao trong kháng chiến cũng như thời bình để đóng góp sức cùng toàn dân đánh giặc và xây dựng đất nước XHCN…”.

Cũng trong chiều qua, Ban tổ chức lễ tang cấp Nhà nước đã tổ chức diễn tập phương án đưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ sân bay Đồng Hới về nơi an nghỉ tại Vũng Chùa - Đảo Yến. Đoàn xe gồm 2 xe pháo, 25 xe nghi lễ quân đội cùng nhiều phương tiện chuyên dụng khác. Khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến đã hoàn tất những công đoạn cuối cùng để đón Đại tướng về đất mẹ. Đến cuối giờ chiều ngày 12-10, dù trời đã hửng nắng, ông Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vẫn lo lắng. Ông Hoài cho biết, Ban tổ chức sẽ chỉ căng bạt che tại khu vực đặt linh cữu của Đại tướng. Những người tham gia lễ viếng sẽ dùng ô hoặc mặc áo mưa. “Việc căng bạt không khó nhưng chúng tôi không làm thế để thể hiện tấm lòng đối với Đại tướng” - ông Hoài nhấn mạnh. Cũng theo ông Hoài, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn thông báo, ngày đón Đại tướng trở về (13-10), thời tiết tại Quảng Bình sẽ tốt. Người dân Quảng Bình cũng như nhân dân cả nước được thuận lợi đón Đại tướng trở về quê hương trong vòng tay thân thương yên giấc ngàn thu.

Tống Thanh - Ngọc Hải