Từ loạt sách kỷ lục về Hà Nội đến chuyện ứng xử trong xuất bản
Sách - Ngày đăng : 06:26, 13/10/2013
Có lẽ, nếu không kể tới loạt ấn phẩm của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến thì đây là lần đầu tiên một NXB có đợt công bố ấn phẩm đậm dấu ấn Thủ đô một cách quy mô, trọng thị như vậy. Ngoài sách, các nhà phê bình, bạn đọc và đặc biệt là nhiều tác giả cũng có mặt với phần trao đổi hóm hỉnh, rủ rỉ, thậm chí có lúc nóng bỏng, thẳng thắn.
Những tác phẩm hay luôn được công chúng đón nhận, hưởng ứng nhiệt tình. |
Xin chữ ký nhà văn
Phải nói, lâu nay, chỉ thấy nhiều chuyện công chúng trẻ xin chữ ký diễn viên điện ảnh, phát cuồng vì các sao Hàn, chứ rất hiếm cảnh… xin chữ ký nhà văn. Thế mà hôm ra mắt loạt sách của "nhà" Trẻ tại Thư viện Thủ đô (47 - Bà Triệu), nhà văn Nguyễn Việt Hà đã đến muộn lại bận ký sách cho bạn đọc nên trễ cả phần giao lưu.
Nguyễn Việt Hà là một trong số ít gương mặt có nhiều sách trong loạt sách này. Anh đích thị là "Con giai phố cổ" - như tên gọi cuốn tạp văn mới đang rất ăn khách của mình, nên chất Hà Nội trong tác phẩm của nhà văn này cũng thật dễ nhận ra. Đó là hai cuốn tiểu thuyết tái bản "Cơ hội của chúa", "Khải huyền muộn" và hai cuốn tạp văn "Đàn bà uống rượu", "Con giai phố cổ".
Đợt sách này cũng quy tụ nhiều gương mặt nổi tiếng của văn đàn, từ Bảo Ninh với tập truyện ngắn gồm 36 tác phẩm (thiếu một truyện là đủ bộ sưu tập truyện ngắn của ông); hay Hồ Anh Thái với bút ký "Chào xứ Ba Tư", "Xin chào Ấn Độ", truyện ngắn "Người bên này, trời bên ấy", tản văn "Hà Nội hướng nào cũng sông". Phạm Ngọc Tiến với tập truyện ngắn - một giọng điệu vừa hài hước vừa chua xót khó lẫn vào đâu. Và nữa, một tác giả văn học thú vị vốn là người cầm cọ, họa sĩ Đỗ Phấn với truyện dài "Dằng dặc triền sông mưa" mà Phạm Ngọc Tiến gọi là "cuộc diễu binh hoành tráng về tuổi thơ thần tiên" hay tập tản văn "Hà Nội thì không có tuyết" mà cái nhìn có phần tinh tế kỹ lưỡng kiểu họa sĩ… Bên cạnh đó, một người Hà Nội trẻ thuộc thế hệ sau của lớp nhà văn trên là kiến trúc sư, nhà văn Nguyễn Trương Quý cũng trở lại với tản văn mới "Còn ai hát về Hà Nội" sau một loạt tác phẩm rất "hồn vía" Hà Thành như "Ăn phở rất khó thấy ngon", "Hà Nội là Hà Nội", "Tự nhiên như người Hà Nội"…
Phải nói, sách về Hà Nội, do các cây bút Hà Nội viết là mảng đề tài theo đuổi từ lâu của NXB Trẻ, bởi người làm đã nhận ra vùng tiềm năng của cả giới đọc và giới viết chốn Kinh kỳ. Theo đại diện của NXB tại buổi giao lưu giới thiệu tác phẩm kể trên thì Chi nhánh của NXB Trẻ đặt tại Hà Nội từ mấy năm qua cũng là chi nhánh duy nhất của "nhà" Trẻ trên cả nước. Lộ rõ mục tiêu khai thác một cách chủ động, dài lâu chốn viết văn, đọc văn đặc sắc này.
Nhận lời viết vì trót… uống rượu của NXB
Trong phần giao lưu với nhà văn, cây bút Phạm Ngọc Tiến chia sẻ một câu thật thà đến bông lơn "Thật ra tôi viết tập truyện ngắn cho NXB Trẻ cũng là bởi vì… đã nhận lời uống rượu của NXB nhiều lần quá rồi. Uống mãi mà không viết gì thì đâm ngại". Phạm Ngọc Tiến là nhà văn, nhà biên kịch điện ảnh có tiếng và cũng nhiều giai thoại về… uống rượu, nổi tiếng nhất chắc là câu chuyện có trong sách của Nguyễn Quang Lập.
Chút "hơi rượu" ấy làm cho bạn văn, bạn đọc ròn rã cười, nhưng PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đã gạt bỏ cái vỏ bông lơn của ngôn từ để chỉ ra phần nhân cách nhà văn ẩn chứa bên trong: "Phạm Ngọc Tiến là người có tấm lòng. Nếu không có tấm lòng thì có uống đến một nghìn cuộc rượu cũng chả ra được một chữ nào". Có lẽ quả thế, vì sau khi viết xong, Phạm Ngọc Tiến có đưa cho con gái đọc và hỏi: "Con thấy thế nào?". Câu trả lời là "Con thấy xúc động, nhiều đoạn con khóc!". Ông bố - nhà văn liền trả lời "Ờ! Thế thì được rồi".
Viết văn, cho dù là trả "nợ rượu", nhưng đặt ra một cái đích cuối cùng là trả nợ ân tình thì chắc chắn không thể là nhà văn không có tình!
Nói câu chuyện ấy cũng để thấy một ứng xử qua lại giữa NXB - nhà văn đang hình thành một cách tích cực, mới mẻ trong đời sống xuất bản, văn chương được giới văn nghệ sĩ trân trọng. Cách chọn nhà văn, cách đánh giá người đọc ở vùng đất "lắng hồn núi sông" của NXB được PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái gọi là "con mắt xanh". Còn nhà thơ, nhà báo Hữu Việt thì cho rằng: Sự cẩn trọng, trìu mến của NXB dành cho tác giả, tác phẩm, cách biên tập, trình bày bìa, mi trang… thể hiện một tầm nhìn xa, một tình cảm lâu dài của đơn vị đối với tác giả, hoàn toàn không theo lối vụ việc.
Nói thì dễ nhưng làm được thế không dễ. Mới đây, một nữ nhà văn đã chia sẻ nỗi bức xúc, ngạc nhiên khi chị nhận được lá thư của biên tập viên một đơn vị làm sách tư nhân trả lời về bản thảo mà họ đặt hàng chị. Biên tập viên xưng "tôi" với tác giả và suốt mấy trang thư chỉ toàn phê bình tác phẩm mà không chỉ ra cách để sửa chữa thế nào. Nhà văn này cho rằng: "biên tập viên với tác giả phải vô cùng gần gũi, và mỗi góp ý của họ đều thực sự quý giá khi nó được bày tỏ bằng sự thẳng thắn, chân thành và thấu hiểu".
Cũng may là những ứng xử tích cực, mới mẻ trong xuất bản hay tinh thần văn hóa trong khi làm kinh tế xuất bản không phải bao giờ cũng xuống thấp hoặc vắng bóng. Vụ sách Huyền Chíp ồn ào suốt thời gian qua không khỏi khiến NXB và đơn vị liên kết đau đầu, nhưng trước quan điểm: "ồn ào thì sách sẽ bán chạy", vị giám đốc trẻ của đơn vị liên kết cho rằng: Làm sách cũng là làm văn hóa. Ngoài chuyện kinh tế trước mắt ra, người làm sách cũng cần những giá trị khác về uy tín, thương hiệu.
Cũng mong là tinh thần ấy, cũng như tinh thần ứng xử của NXB Trẻ với tác giả, tác phẩm qua đợt ra mắt trên sẽ còn phát triển dài dài.