Thác là thể phách, còn là tinh anh

Chính trị - Ngày đăng : 07:10, 12/10/2013

(HNM) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một thiên tài quân sự lỗi lạc của dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm Đại tướng duy nhất trong đợt phong tướng đầu tiên cho các nhà lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam hơn 65 năm trước, đã vĩnh biệt chúng ta!

Anh hùng dân tộc, vị tướng kiệt xuất của nhân loại



Năm 2004, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và Hội nghị Geneva với chủ đề “Điện Biên Phủ - 50 năm nhìn lại”. Do tầm vóc của sự kiện và giá trị của Hội thảo nên chúng tôi có dịp được nhiều lần tiếp xúc với Đại tướng tại nhà riêng của ông ở 30 phố Hoàng Diệu. Không ít vấn đề quan trọng của sự kiện Điện Biên Phủ, chúng tôi được ông khẳng định, cung cấp, xác nhận, nhấn mạnh.

Trong tôi ấn tượng nhất là sự kiện “Một quyết định khó khăn nhất trong đời” như lời Đại tướng đã nói và đã viết. Đó là quyết định hoãn tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương châm đánh nhanh, thắng nhanh trong 2 ngày, 3 đêm, ấn định vào 17h ngày 25-1-1954.

So sánh lực lượng và phân tích kỹ tình hình chuẩn bị của hai phía qua các thông tin trinh sát, tình báo, Đại tướng đã nhiều đêm không ngủ về những khó khăn chưa thể khắc phục nếu giờ G nói trên nổ súng mở màn chiến dịch. Những đêm Ông không ngủ là những đêm Ông trăn trở theo mệnh lệnh của trái tim mình để thực hiện sự tin cậy của Bác và Trung ương. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Nhà nước phong ông hàm Đại tướng với niềm tin “Trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mệnh quốc dân giao cho” và lời căn dặn khi trao nhiệm vụ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ: “Tổng Tư lệnh ra trận - Tướng quân tại ngoại. Trao toàn quyền chú quyết định. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc không đánh”. Những binh sĩ nói trên là con em nhân dân, sứ mệnh quốc dân giao là sứ mệnh thiêng liêng nhất. Chắc thắng mới đánh thì không thể dễ dàng ra quyết định, mà phải phân tích, đánh giá đúng tình hình ta - địch. “Tướng quân tại ngoại” lại là một thử thách lớn qua trọng trách lớn.

Các cựu chiến binh đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Viết Thành



Tình hình ta - địch tại Điện Biên Phủ lúc ấy cho thấy chưa thể chắc thắng. Mất ngủ, đầu quấn lá ngải cứu, sau 11 đêm thao thức về cách đánh, Tổng Tư lệnh đã quyết định lùi giờ G sang ngày 26-1-1954. Nhưng cả đêm 25-1, Ông thức trắng, để rồi đi đến một quyết định mà Ông luôn tâm niệm là khó khăn nhất trong đời làm tướng: Hoãn tấn công theo phương châm đánh nhanh, thắng nhanh để chuẩn bị thực hiện phương châm đánh chắc, tiến chắc. Chủ trương của Ông được Trưởng đoàn cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh ủng hộ sau khi hai người trao đổi chỉ hơn nửa tiếng đồng hồ vào sáng sớm ngày 26-1-1954.

Với tư cách Bí thư Đảng ủy Mặt trận, Ông triệu tập hội nghị đột xuất ngay sau khi trở về từ lán Trưởng cố vấn quân sự. Tại hội nghị, có những ý kiến chưa thông về việc hoãn tấn công. Lúc bấy giờ là lúc toàn quân đang nô nức thực hiện quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong 2 đêm 3 ngày, phương châm chiến đấu đã được quán triệt sâu sắc đến từng chiến sĩ. Biết bao mồ hôi, sức lực của các lực lượng chuẩn bị cho chiến dịch, giờ phải hoãn tấn công, làm nhiều người băn khoăn. Đây cũng chính là một trong những điều làm Tổng Tư lệnh trăn trở bao đêm. Tại hội nghị, Ông phân tích những khó khăn mà lực lượng của ta chưa thể khắc phục, chưa hé lộ những tiền đề bảo đảm thắng lợi. Cuối cùng, hội nghị đi đến nhất trí với Tổng Tư lệnh là thay đổi phương châm tác chiến, rút quân ra, chuyển sang kế hoạch mới “đánh chắc, tiến chắc”.

Qua biết bao vất vả và hiểm nguy của địa hình, chiều ngày 25-1, bộ đội ta đã đưa được 4 khẩu pháo vào vị trí chiến đấu, số còn lại đang trên đường tiếp cận. Giờ G được hoãn lại 24 tiếng. Trong khi bộ đội pháo binh đang lo lắng về hoàn thành nhiệm vụ, thì ngày 26-1 nhận được lệnh: Kéo pháo ra vị trí tập kết ban đầu, thay phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” bằng phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Bao nhiêu sức lực và cả máu xương của bộ đội sau 10 ngày đêm kéo pháo vừa qua đi, các chiến sĩ pháo binh đang háo hức chờ giờ phút trút hờn căm lên đầu lũ xâm lược, thì nhận lệnh kéo pháo ra, chuẩn bị lại. Tổng Tư lệnh thấu hiểu điều đó, nhưng trên cán cân được - mất của trận đánh, Ông nhìn rõ sự tổn thất xương máu của con em nhân dân mà chưa chắc thắng là phần nặng nhất. Những đêm trăn trở, 4 từ Bác dặn lúc lên đường chiến đấu luôn chỉ dẫn Ông tư duy: “Chắc thắng mới đánh”. Ông chỉ thị cho toàn quân, rút quân ra cũng là mệnh lệnh chiến đấu!

Suốt cuộc đời cầm quân của mình, Ông chưa bao giờ tư duy đánh thắng bằng mọi giá, mà luôn tư duy về cách thắng chắc chắn và ít tổn thất máu xương. Lòng nhân ái đã chi phối tư duy chỉ huy chiến đấu của Ông. Âu đó cũng là một nhân cách lớn của một thiên tài quân sự lỗi lạc! Suốt cuộc đời cầm quân, Ông đã hoàn thành lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi phong Ông hàm Đại tướng: “…để điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mệnh quốc dân giao”. Những gì Ông đã đóng góp cho đất nước này đều thực hành theo mệnh lệnh của trái tim. Một trái tim luôn đập theo hơi thở của nhân dân, vì nhân dân.

Đại tướng đã vượt qua được một khó khăn nhất trong đời để ra một mệnh lệnh sáng suốt chuyển từ đánh nhanh, thắng nhanh đầy mạo hiểm và mất mát khi thấy sự bảo đảm thắng lợi mong manh sang đánh chắc, tiến chắc. Sự chuyển hướng phương châm này đã cứu vớt bao tổn thất, nhất là tổn thất về người và đã đem lại thắng lợi thực sự rực rỡ làm cho sự kiện Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Thiên tài quân sự của Đại tướng được thế giới biết đến từ chiến thắng này. Và, sau đó, Ông lại cùng dân tộc hành quân qua cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đầy gian khổ, ác liệt. Thiên tài quân sự của Ông có cội nguồn từ bản lĩnh và trí tuệ dân tộc và chính Ông đã góp phần xứng đáng bồi đắp, nhân lên trí tuệ và bản lĩnh ấy cho dân tộc Việt Nam và được nhân dân và thế giới ghi nhận, cảm phục. Một đất nước nông nghiệp với tiềm lực kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, một nền quốc phòng đi lên từ giáo mác, gậy tầm vông, đòn gánh, đòn càn đã chiến thắng bất kỳ đội quân xâm lược nào. Nhưng, sức mạnh của đất nước này lại tiềm tàng, cả nước ra trận bằng sức mạnh của truyền thống yêu nước và giương cao ngọn cờ chính nghĩa. Sức mạnh ấy là bất diệt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lớn lên, chiến đấu và trưởng thành trong bối cảnh đó. Sức mạnh dân tộc là nguồn lực lớn lao làm điểm tựa cho Ông, đến lượt mình, Ông đã góp phần quan trọng làm phong phú thêm, mạnh mẽ thêm nguồn lực ấy. Chúng ta có thể vững tin mà nói rằng, thời đại Hồ Chí Minh đã sinh ra thiên tài Võ Nguyên Giáp, và chính Ông đã đóng góp những giá trị mang tính lịch sử làm sâu sắc trí tuệ và bản lĩnh của thời đại Hồ Chí Minh ở Việt Nam.

Trái tim người Đội trưởng Đội Tuyên truyền giải phóng quân 69 năm trước, vị Đại tướng được phong cách nay 65 năm, vị Tổng Tư lệnh đầu tiên và duy nhất, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, đã ngừng đập ở tuổi 103. Dẫu Ông ra đi là quy luật sinh tử đời người, nhưng nhân đân, đồng đội và bạn bè quốc tế vẫn cảm thấy được sự mất mát to lớn của nhân dân, Đảng, Nhà nước và Quân đội Việt Nam. Một hiện tượng hiếm thấy là ngay đối phương cũng bày tỏ sự thán phục Ông về tài thao lược và lòng nhân ái.

Mấy ngày nay, dù chưa đến ngày cử hành tang lễ theo nghi thức Quốc tang, nhưng mến phục Ông, tiếc thương Ông, nhân dân và đồng đội, thanh niên, thiếu nhi, kể cả người nước ngoài ở Hà Nội, xếp hàng dài dưới nắng thu từ sáng sớm tới chiều khuya, mong vào nơi ở của Ông ở 30 Hoàng Diệu để được nghiêng mình trước anh linh một thiên tài quân sự - chính trị lỗi lạc của dân tộc. Sự kiện đó, cho thấy Ông thuộc về nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, nhờ nhân dân mà trưởng thành. Ông không mất, Ông sống mãi trong lòng nhân dân. Đúng như Nguyễn Du nói: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Trí tuệ, bản lĩnh, tài thao lược, ý chí quả cảm, lòng nhân ái, sự bao dung… là tinh anh của Ông - một thiên tài quân sự lỗi lạc trong thời đại Hồ Chí Minh sống mãi giữa nhân dân và mãi luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam.

Con người, sự nghiệp và đạo đức của ông là một tấm gương sáng về trung với nước, hiếu với dân. Tiếc thương Ông, chúng ta nguyện hãy noi gương Ông để sống, trước hết là tấm gương trung thực, trung thực với chính mình làm tiền đề trung với nước, hiếu với dân. Bằng cách đó, Ông đã đóng góp những tố chất đạo đức, văn minh xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

PGS.TS Phạm Xuân Hằng