Cần đổi mới từ khâu lập quy hoạch

Xã hội - Ngày đăng : 06:25, 11/10/2013

(HNM) - Thiếu định hướng vĩ mô, thiếu tầm nhìn chiến lược, nên quy hoạch sử dụng đất dễ bị thay đổi, không bảo đảm sự kết nối liên tục giữa các kỳ quy hoạch.



Để quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững quỹ đất quốc gia, phù hợp với điều kiện của từng vùng thì quy hoạch sử dụng đất cần được xây dựng với tầm nhìn chiến lược, dựa trên phương pháp phân tích lợi thế từng vùng, quy hoạch gắn với các điều kiện để phát triển KT-XH.

Một khu đất bên đường Lê Văn Lương không được khai thác gây lãng phí nguồn tài nguyên đất. Ảnh: Linh Ngọc


Chất lượng quy hoạch thấp

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những căn cứ quan trọng để các cấp chính quyền quản lý và chỉ đạo khai thác sử dụng quỹ đất có hiệu quả. Giai đoạn vừa qua, đặc biệt từ khi có Luật Đất đai năm 2003, việc quản lý, sử dụng đất có nhiều tiến bộ, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc dự báo cũng như lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở nước ta vẫn đang bộc lộ nhiều hạn chế.

Công tác dự báo lẽ ra phải là yếu tố quan trọng hàng đầu hỗ trợ quy hoạch sử dụng đất. Thế nhưng, nhiệm vụ này chưa được chú trọng đã dẫn đến chất lượng của các quy hoạch sử dụng đất thấp. Cũng vì khả năng dự báo kém nên quy hoạch sử dụng đất có nơi vừa thừa lại vừa thiếu và thường xuyên phải điều chỉnh cho phù hợp. Chỉ trong 10 năm qua, cả nước có gần 350 nghìn héc ta đất lúa, trong đó nhiều diện tích thuộc "bờ xôi, ruộng mật", đã được chuyển mục đích sử dụng sang phát triển đô thị, khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất phi nông nghiệp khác. Khi đã chuyển đổi mục đích sử dụng thì khả năng tái tạo để canh tác là rất khó, trong khi việc khai hoang, mở rộng diện tích đất trồng lúa để bù đắp vào diện tích đất lúa đã mất lại rất hạn chế và tốn kém.

Các chuyên gia chỉ rõ, thực tế cho thấy đã và đang có sự thiếu đồng bộ giữa quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng. Quy hoạch các khu công nghiệp, quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quy hoạch các ngành chưa thống nhất và tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Theo PGS.TS Vũ Năng Dũng (Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam), khó có thể ngăn cấm xu thế đô thị hóa và công nghiệp hóa. Nhưng xu thế này lại đang gây áp lực chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp, từ đó gây nên nhiều hệ lụy. Đó là, việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp ở một số địa phương dàn trải, thiếu sự thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh. Khả năng thu hút đầu tư kém dẫn tới tiến độ thực hiện chậm, tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp thấp, dẫn đến tình trạng đất đai bị bỏ hoang, lãng phí nguồn tài nguyên đất. Điều này có thể dễ nhận thấy tại Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Đồng Nai, Long An, Bình Dương...

Cần một tầm nhìn chiến lược

Tất cả các hoạt động kinh tế đều cần đến đất đai. Cho nên đất đai trở thành tài nguyên vô cùng quý giá, cần được quản lý và sử dụng có hiệu quả nhất cho đất nước trước mắt cũng như trong tương lai. Nhưng, sẽ khó có hiệu quả khi quy hoạch sử dụng đất chỉ có giá trị trong 10 năm và kế hoạch sử dụng đất chỉ có 5 năm như hiện nay. Tầm nhìn ngắn (chỉ 5-10 năm) nên các địa phương phải thường xuyên điều chỉnh quy hoạch. Quy hoạch càng điều chỉnh nhiều càng trở nên chắp vá, dẫn tới lãng phí quỹ đất. Đây là một sự bất hợp lý cần sớm được khắc phục. Để bảo đảm việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai bền vững trong thế kỷ XXI, nhất thiết cần phải nghiên cứu định hướng vĩ mô, tầm nhìn chiến lược dài hạn về quản lý đất đai tầm 50-100 năm. Đã đến lúc cần có một đề tài khoa học hệ thống hóa mục tiêu của các văn bản nhà nước, đánh giá lại các loại sản phẩm quy hoạch, việc tổ chức lập các loại quy hoạch có liên quan đến sử dụng đất đai…

Bà Phạm Thị Minh Thủy (Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường) cho rằng, trước những thách thức lớn mang tính toàn cầu như áp lực gia tăng dân số, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước… đòi hỏi quy hoạch sử dụng đất phải được xây dựng dựa trên tầm nhìn dài hạn, dự báo hai chiều cả về nhu cầu sử dụng cho các mục đích và những biến động về diện tích, chất lượng nguồn tài nguyên đất do những tác động của tự nhiên và con người gây ra.

PGS.TS Huỳnh Đăng Hy (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) nhấn mạnh, để các chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực thống nhất với chiến lược quản lý tài nguyên đất đai thành một thể thống nhất và có hiệu lực cao cần phải đổi mới công tác quy hoạch. Mọi quy hoạch (ngành - lĩnh vực, đô thị - nông thôn, KT-XH) đều có liên quan đến địa bàn, lãnh thổ, nên cần có "Quy hoạch tổng hợp theo các vùng lãnh thổ", trong đó bao gồm các loại quy hoạch phát triển KT-XH quy hoạch ngành - lĩnh vực, quy hoạch đô thị - nông thôn. Loại quy hoạch tổng hợp, hợp nhất đa ngành như vậy sẽ giúp công tác quản lý thuận lợi, tránh tình trạng quy hoạch cục bộ như hiện nay.

Ngoài ra, xây dựng chiến lược sử dụng đất lâu dài cũng phải tính tới việc sử dụng nguồn nước theo các lưu vực sông lớn, bảo đảm sự phát triển bền vững cả về kinh tế lẫn môi trường; tiếp tục đầu tư, nghiên cứu đo đạc nắm vững số lượng, chất lượng của từng loại đất chính, từ đó có kế hoạch sử dụng đất, các loại quỹ đất một cách khả thi.

Tuấn Khải