ASEAN: Mái nhà chung đầy nội lực

Thế giới - Ngày đăng : 06:14, 11/10/2013

(HNM) - Vượt qua những rào cản cùng không ít thăng trầm của lịch sử để trở thành một thực thể chính trị - kinh tế năng động, có vai trò, vị thế được đánh giá cao, ASEAN đang ngày càng khẳng định sức hấp dẫn của một mái nhà chung đầy nội lực trong cái nhìn của nhiều cường quốc trên thế giới.

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 23.



Chính vì thế, những năm gần đây, bất kỳ diễn đàn nào liên quan tới chủ đề ASEAN cũng luôn sôi động và thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Điều này một lần nữa được khẳng định qua Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 23, Hội nghị Cấp cao ASEAN với các đối tác và Hội nghị Cấp cao Đông Á tại Brunei.

Diễn ra trong bối cảnh tình hình ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á xuất hiện những chuyển biến nhanh chóng và tác động mạnh mẽ đối với khu vực đang mở ra những cơ hội lớn. Thứ nhất, ASEAN nằm trong khu vực có các nền kinh tế phát triển năng động nên có điều kiện đẩy mạnh hợp tác kinh tế trong khu vực. Thứ hai, nhờ sự phục hưng của Châu Á, giá trị địa chiến lược, chính trị và kinh tế của ASEAN tăng lên. Các nước lớn ngoài khu vực coi ASEAN là một cửa ngõ để xâm nhập và phát huy ảnh hưởng của mình tại Châu Á cả về kinh tế, chính trị và an ninh. Tuy nhiên, chính những cơ hội này cũng tiềm ẩn nhiều thách thức cho Hiệp hội ASEAN khi trở thành yếu tố khuấy động cuộc đua lợi ích giữa các cường quốc vào khu vực.

Để duy trì sự phát triển bền vững, thông qua các hội nghị cấp cao lần này, có thể thấy được quyết tâm mạnh mẽ của các nước thành viên ASEAN trong việc tăng cường đoàn kết, thống nhất nội khối, phát huy vai trò, tiếng nói chủ đạo ở khu vực. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng nhất trí dành ưu tiên và nguồn lực thỏa đáng đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai các mục tiêu then chốt như thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm phát triển bền vững và đồng đều. Quan trọng hơn cả, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 23 là dịp để các thành viên khẳng định quyết tâm hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng vào ngày 1-1-2015, một mô hình được cho là có thể đối phó với các thách thức hiệu quả nhất.

Thảo luận và đề ra những biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định, an ninh tại khu vực trong một giai đoạn đang có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay cũng là một trọng tâm của Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan. Theo đó, các nhà lãnh đạo nhất trí duy trì hòa bình ở khu vực và Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Điều này phải được thực hiện trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cần sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trong 18 năm qua, Việt Nam đã từng bước tham gia sâu rộng vào tất cả các cơ chế hợp tác và tích cực đóng góp trong nhiều vấn đề chung của ASEAN, ghi đậm dấu ấn trong các giai đoạn phát triển quan trọng của Hiệp hội. Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 23 cùng các Hội nghị khác và có nhiều bài phát biểu quan trọng đã khẳng định, một ASEAN lớn mạnh, ổn định và liên kết chặt chẽ sẽ là nhân tố thiết yếu cho tương lai an ninh và phát triển của khu vực, trong đó có an ninh và phát triển của Việt Nam. Việt Nam có lợi ích thiết thực đóng góp vào việc hình thành Cộng đồng ASEAN nhằm tạo dựng, duy trì môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước và đây là cầu nối không thể thiếu được để triển khai đường lối đối ngoại hội nhập quốc tế toàn diện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, những thành công và đóng góp của Việt Nam kể từ khi gia nhập ASEAN là nền tảng và hành trang không thể thiếu để tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại coi trọng hợp tác ASEAN, góp phần thiết thực vào mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Phương Quỳnh