Bỏ chấm điểm giáo viên lúng túng, hướng dẫn đang soạn
Giáo dục - Ngày đăng : 16:45, 10/10/2013
Giảm áp lực
Ông Phạm Xuân Tiến: Đây là chủ chương đúng, hợp lý vì nó giảm áp lực tâm lý cho học sinh và phụ huynh học sinh. Hãy thử suy nghĩ trẻ thích điểm số hơn hay sự khuyến khích, giúp đỡ hợp lý của cô giáo hơn?
Sở GD-ĐT Hà Nội ủng hộ việc không chấm điểm học sinh lớp 1. (Ảnh minh họa, Ảnh: Văn Chung). |
Trẻ chỉ phấn khích khi được điểm 9, 10. Nếu được 2, 3 điểm, trẻ nghĩ gì? Trẻ sẽ buồn và nghĩ mình yếu kém dễ dẫn đến tự ti, chán học, sợ học. Có thể có em so sánh với bạn khác nếu bạn được học trước rồi còn trách bố mẹ không dạy trước cho con…. Điều này còn khiến phụ huynh buồn rầu khi con mới đi học đã bị điểm kém.
Trẻ được điểm 9, 10 tuy phấn khích song nếu vì có thể học trước mà viết đẹp và làm toán nhanh hơn sẽ chủ quan và có suy nghĩ coi thường bạn bè bị điểm kém điều này rất dễ dẫn đến sự kiêu ngạo, tự mãn.
Việc chấm điểm từ trước đến nay đã trở thành thói quen của giáo viên do đó mà khi đón con phụ huynh thường hay hỏi “hôm nay con được mấy điểm” nếu được 9, 10 thì rất vui và khen con, thưởng cho con cái này cái khác. Nhưng nếu điểm kém có thể trẻ sẽ ấp úng và không dám nói vì sợ nói ra sẽ bị cha mẹ trách mắng, thậm chí còn bị phạt với nhiều hình thức khác nhau.
Và điều này tác còn động tâm lý đến bố mẹ mà nhiều khi bố mẹ lại nghĩ phải cho con đi học thêm, hoặc không cũng ép con học quá nhiều ở nhà mà trẻ không còn thời gian vui chơi và nghỉ ngơi.
Sau một tháng thực hiện, sở có nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các nhà trường và giáo viên?
- Chúng tôi nhận được khá nhiều thông tin phản hồi từ phía giáo viên. Nhìn chung giáo viên đều thống nhất chủ trương của Bộ GD-ĐT và cũng thấy việc không cho điểm là hợp lý.
Giáo viên đã thực hiện khá tốt việc “chấm chữa” chứ không “chấm điểm”. Cụ thể trong mỗi bài cô dùng bút đỏ chữa một vài lỗi cơ bản còn lại cô gạch chân những lỗi sai, hoặc chưa chuẩn để học sinh biết và rút kinh nghiệm những lỗi tương tự. Và điều đó cũng giúp cho phụ huynh biết năng lực và sự tiến bộ của con để có thể giúp con trong thời gian ở nhà.
Không ít giáo viên khi thực hiện chủ trương này phản ánh vất vả hơn so với việc chấm điểm trước đây?
- Không vất vả hơn vì trước đây các cô vẫn vừa chấm chữa, chấm điểm và nhận xét.
2 phương án đánh giá
Một số lãnh đạo và giáo viên cho biết họ ủng hộ việc làm này nhưng chủ trương này ban hành quá gấp gáp nên việc thực hiện có phần lúng túng. Hiện nay ở đã có văn bản hướng dẫn chỉ đạo các trường tiểu học và giáo viên trong việc thực hiện chủ trương này?
- Tôi nghĩ rằng chủ trương này không có gì là quá gấp gáp. Việc thực hiện có phần lúng túng thì đúng vì theo hướng dẫn “khuyến khích giáo viên chỉ nhận xét, không chấm điểm học sinh; nếu chấm điểm, giáo viên không nên thông báo điểm số cho gia đình học sinh; giáo viên tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào“ có một bộ phận giáo viên hiểu là không chấm điểm mà thay vào đó là viết nhận xét vào vở của học sinh.
Giáo viên phải viết nhận xét hàng ngày cho 40-50 học sinh sẽ mất rất nhiều thời gian và lời nhận xét cho học sinh tương đương với 9, 10 điểm là “cô khen, con làm rất tốt, con viết rất đẹp... Còn với học sinh thường được 5, 6 là “con cần cố gắng, con cố lên nhé”,... Còn với học sinh được 2, 3 điểm “con viết còn chưa đẹp, chữ con viết chưa đều”, ...
Việc lặp lại những nhận xét như vậy học sinh có đọc được cũng thấy nhàm chứ chưa nói gì bố mẹ các cháu. Nhưng nhận xét ở đây không phải chỉ là viết mà chủ yếu việc nhận xét là bằng lời, cô nhận xét riêng với từng em khi cần thiết. Trên lớp cô có thể nhận xét chung và nhấn mạnh những lỗi hoặc sai lầm mà các em dễ mắc phải và biểu dương những bài làm tốt và cũng cần khen những học sinh nào có tiến bộ, lưu ý không phê bình học sinh và so sánh học sinh này với học sinh khác.
Hiện nay chúng tôi đang soạn thảo văn bản để thống nhất trong các trường trên địa bàn thành phố và sẽ triển khai sau khi xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.
Chúng tôi dự kiến có 2 phương án: hoặc chỉ đánh giá bằng điểm số ở các bài kiểm tra định kỳ cuối mỗi kỳ (có 2 đầu điểm) đánh giá bằng điểm số ở các bài kiểm tra định kỳ (có 4 đầu điểm).
Lớp 70 em vẫn phải thực hiện
Vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên mỗi trường và giáo viên đã nghĩ ra cách làm như thay điểm số bằng mặt cười hay ngôi sao cho bài làm của học sinh,...Ý kiến của ông về những việc làm này?
- Đây cũng là sáng kiến của các cô giáo thay vì nhận xét “bài con làm tốt hay bài con viết đẹp” bằng hình “mặt cười” còn không được mặt cười thì đạt yêu cầu hoặc chưa đạt yêu cầu.
Song quan điểm của tôi, lời nhận xét kịp thời sẽ giúp cho học sinh thấy được kết quả của mình hoặc lỗi mà mình cần sửa sẽ có tác dụng động viên khích lệ hoặc nhắc các con cần lưu ý.
Có ý kiến cho rằng việc không cho điểm chỉ nên thực hiện trong tháng đầu tiên khi trẻ mới vào lớp 1. Khi đã quen trường lớp việc cho điểm là cần thiết nhằm tạo động lực và cả áp lực cho học sinh. Quan điểm của ông về ý kiến này?
- Theo tôi việc không cho điểm thường xuyên ở lớp 1 trong cả năm học là phù hợp vì với học sinh lớp 1 không nên tạo cho trẻ áp lực hay động lực bằng điểm số.
Việc thực hiện chủ trương này có thực hiện được ở những lớp đông học sinh, có lớp gần 70 em không, thưa ông?
- Đây là chủ trương chung không phân biệt sĩ số.
Xin cảm ơn ông!