Ứng dụng công nghệ sinh học chẩn đoán và điều trị ung thư
Công nghệ - Ngày đăng : 14:10, 10/10/2013
Tại lễ khai trương sáng nay. |
Phát biểu tại buổi khai trương, TS-BS Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết: “Chúng tôi là bệnh viện đầu tiên của ngành y tế Hà Nội ứng dụng công nghệ này. Đây là kỹ thuật mới nhất trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư”.
Được biết, Gentis là đơn vị đi đầu trong việc nghiên cứu, triển khai các ứng dụng sinh học phân tử trong các lĩnh vực: chẩn đoán, điều trị ung thư, kiểm tra chất lượng mảnh ghép (Chimerism), xác định huyết thống, xét nghiệm vi sinh, miễn dịch... Triển khai được ứng dụng thực tế, công ty làm chủ công nghệ, làm chủ kỹ thuật, máy móc, thiết bị, dây chuyền. Mang lại ý nghĩa cho cộng đồng, bệnh nhân, mở ra một hướng điều trị hoàn toàn mới và tiên tiến với các bệnh nhân ung thư. Đây là mô hình hợp tác khoa học kỹ thuật giữa một bệnh viện chuyên khoa ung thư và một doanh nghiệp đi đầu trong việc nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong y tế.
Ths - Bs Dương Hoàng Hảo, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh - Tế bào, Trưởng Đơn vị Gene, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, kỹ thuật này được thực hiện trên mẫu u hoặc mẫu máu của người bệnh. Sau khi được phân tích trên máy giải trình tự gene thế hệ mới nhất sẽ xác định được các biến đổi về gene. Xét nghiệm gene sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân.
Thứ nhất: Giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh đối với một số trường hợp khó xác định sau khi đã dùng các kỹ thuật xét nghiệm mô bệnh học thông thường và hóa mô miễn dịch. Ví dụ như u mô đệm đường tiêu hóa, ung thư hắc tố…
Thứ hai: Đối với bệnh nhân ung thư nhờ kết quả giải trình gene, nếu có đột biến bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho riêng từng người. Cụ thể, trước đây có thể dùng một loại thuốc cho tất cả bệnh nhân mắc cùng một loại ung thư. Từ khi có kỹ thuật giải trình tự gene này,bác sĩ sẽ biết được đột biến gene, từ đó lựa chọn loại loại thuốc phù hợp (điều trị đích). Phương pháp này sẽ tiêu diệt tế bào ung thư, mà không ảnh hưởng tới các tế bào khác, giúp nâng cao hiệu quả điều trị, chất lượng sống của bệnh nhân, không phải chịu đau đớn và các tác dụng phụ, kéo dài thời gian sống.
Thứ ba: Đối với những người mà trong gia đình hoặc họ hàng mắc bệnh ung thư (vú, đại tràng) thì kỹ thuật này sẽ cho biết những gene nào có nhiều khả năng đột biến, từ đó xác định xem họ có nguy cơ bị ung thư không. Rất nhiều loại ung thư nếu phát hiện sớm khả năng chữa khỏi lên đến 90%.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu phòng chống ung thư VN, bệnh ung thư có xu hướng gia tăng, không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước trên thế giới. Các loại ung thư phổ biến là phổi, dạ dày, gan, đại tràng (với nam) và ung thư vú, cổ tử cung, dạ dày, phổi, đại trực tràng (với nữ). Mỗi năm tại Việt Nam, số bệnh nhân ung thư mắc mới là 150.000 người và có 75.000 người tử vong. Hiện cả nước ước tính có khoảng 240.000 - 250.000 người đang sống chung với bệnh ung thư. Hầu hết bệnh nhân đến khám khám khi đã ở giai đoạn muộn, khiến tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư ở Việt Nam rất thấp.