Kỳ 2: Tình yêu đến
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:26, 09/10/2013
Nếu mối duyên nợ của anh Giáp với báo chí bắt đầu từ bài báo đầu tiên viết năm 16 tuổi khi còn là học sinh Quốc học, thì thời gian làm báo Tiếng dân là giai đoạn học nghề làm báo. Anh phải đọc rất nhiều sách báo các loại để tìm hiểu những vấn đề đang làm dư luận sôi nổi lúc bấy giờ, anh phải tìm hiểu những vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước và thế giới. Anh làm quen với mọi thể loại: Tin tức, thời sự, bình luận, điều tra, phóng sự… Anh viết rất nhiều bài dưới nhiều bút danh: Vân Đình, Hải Thanh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ đầu - liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái. Ảnh tư liệu |
Anh được phân công viết mục Thế giới thời đàm đưa tin và bình luận tình hình thế giới. Khi ấy anh đã rất chú ý đến tình hình chiến tranh du kích ở Trung Quốc… Anh ham đi vào các vấn đề kinh tế. Nhân đọc cuốn Annuaire statistique (Niên giám thống kê) anh lấy tư liệu về các công ty tư bản ở Đông Dương có vốn trên một triệu đồng (tất cả 29 công ty) viết một bài tố cáo sự bóc lột của tư bản thực dân đối với nhân dân lao động và sự chèn ép của chúng đối với tư sản dân tộc Việt Nam. Bài đăng hai cột báo trang nhất. Cái lối khai thác tài liệu “lấy gậy ông đập lưng ông” này anh Giáp học theo cách làm của Nguyễn Ái Quốc trên tờ Le Paria và trong cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp…. Theo quy chế quản lý báo chí của chính quyền thực dân, báo in xong morát phải đưa sang Sở mật thám để kiểm duyệt. Leon Sogny, Chánh mật thám Trung Kỳ gạch xóa gần hết bài báo của anh Giáp với cây bút chì xanh của hắn. Lúc ấy các nhà báo gọi cơ quan kiểm duyệt là crayon bleu (bút chì xanh).
Sinh hoạt đảng Tân Việt
… Mùa đông năm 1928, sau khi anh Phan Đăng Lưu đi công tác sang Trung Quốc thì công việc tuyên huấn của đảng Tân Việt được giao cho anh Giáp… Lúc này anh Đào Duy Anh có thảo ra một “chương trình thực hiện”, nội dung biến Tân Việt thành “khối liên hiệp quốc dân”, thường nói với nhau bằng tiếng Pháp là Bloc national. Anh Đào Duy Anh đọc trên Cahier du communisme (Tạp chí Cộng sản) của ĐCS Pháp có bài về chính sách quốc gia của Đảng, dựa vào đấy để thảo ra chủ trương Bloc national. Ý kiến này gây tranh luận trong Tổng bộ Tân Việt…
… Tiếp đó, Võ Nguyên Giáp cùng Nguyễn Chí Diểu và Đặng Thai Mai lập ra một nhóm hạt nhân cộng sản, ban đầu lấy tên là Việt Nam Cộng sản Liên đoàn…, giao cho anh Giáp thảo điều lệ. Như vậy trong Tổng bộ xảy ra một sự chia tách (thường nói với nhau bằng tiếng Pháp là scission) giữa xu hướng Bloc national (Khối Liên hiệp quốc dân) và xu thế chuyển sang cộng sản…
… Trở về Huế, anh Giáp được biết là Tổng bộ dự kiến triệu tập Đại hội vào tháng 7-1929. Nhưng Đại hội không họp được vì xảy ra cuộc khủng bố lớn của thực dân… Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt cách mạng đảng có nhiều người bị bắt… Nhưng theo đề nghị của Dũng Kỳ (tức Nam Kỳ), một cuộc họp đại biểu ba kỳ được triệu tập ở Đò Trai (Hà Tĩnh) ngày 1-1-1930 để chuyển Tân Việt thành tổ chức cộng sản với tên là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
...Anh Giáp nhớ lại hôm ở cơ quan Liên Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh, đồng chí phụ trách cơ quan nói: “Chị Minh Khai có cô em đẹp người, đẹp nết, học giỏi, hoạt động cách mạng hăng hái không kém gì chị”. Đây là lần đầu tiên anh Giáp nghe nói đến Quang Thái. Nhưng lúc đó anh không chú ý.
Hôm đi từ Hà Nội về, anh gặp hai cô nữ sinh trên chuyến xe lửa Vinh - Huế. Anh quen cô Cầm, em chị Hoàng Thị Hải Đường, và qua cô Cầm biết người cùng đi với Cầm là Quang Thái.
Hôm ấy anh Giáp mặc âu phục may lối ký giả. Anh vui vẻ nói chuyện với hai cô.
Gặp Quang Thái lần đầu, anh Giáp có ngay mối cảm tình đặc biệt. Người thiếu nữ ấy có điều gì thu hút tâm hồn anh: Dáng vẻ dịu hiền điềm đạm nhưng không kém phần kiên nghị, khuôn mặt trái xoan, đặc biệt là hai con mắt rất thông minh. Chia tay, anh Giáp nhớ mãi hai con mắt ấy.
Hôm nay gặp lại, anh Giáp gần như sững sờ. “Đúng là con người ấy, người con gái gặp trên chuyến tầu” - Anh thầm nghĩ.
Anh hỏi chuyện: “Tình hình ngoài ấy thế nào?”
Quang Thái đáp: “Ngoài ấy cũng bị khủng bố. Nhiều cơ sở tan vỡ. Những người tích cực chuyển sang cộng sản”.
Quang Thái vào Huế để đi học. Cô tìm bắt liên lạc với tổ chức để nhận công tác của đoàn thể. Anh Giáp giới thiệu Quang Thái với anh Lê Viết Lượng.
Tình yêu nảy nở. Anh Giáp biết là Quang Thái đã tham gia sinh hoạt Hội học sinh đỏ cùng với tổ cô Cầm (em chị Hải Đường) và cô Nga (sau này là bà Hoài Thanh). Anh thầm yêu thầm nhớ, chỉ mong có dịp gặp lại.
Kể từ đó, người thiếu nữ ấy bước vào đời anh. Họ gặp lại nhau ở đâu? Trong nhà tù đế quốc. Và chính trong thời gian ở tù, anh Giáp càng hiểu Quang Thái hơn, càng yêu hơn. Người con gái 16 tuổi ấy gương mặt còn những nét ngây thơ nhưng tinh thần thì bất khuất…
Gặp gỡ trong tù
… Quang Thái vào học lớp Đệ nhất niên Trường nữ học Đồng Khánh niên khóa 1929-1930. Quang Thái học giỏi, bài luôn luôn có điểm chín điểm mười về tất cả các môn học nhưng rất giản dị, kín đáo. Nhiệm vụ của đoàn thể giao cho Thái là phát triển tổ “nữ sinh đỏ”. Tâm trí của Thái dồn vào việc học và hoạt động bí mật. Thái có đến gặp anh Giáp vài lần ở nơi ở mới của anh tại Đông Ba, nhưng về phía Thái chưa nảy nở tình yêu đáp lại…
Thực dân Pháp đàn áp. Xe hòm đen xông vào trường bắt nhiều học sinh chở lên xe đóng kín đưa đi. Quang Thái bị bắt cùng với chị Nga, chị Lài, chị Lý. Khi anh Giáp bị bắt rồi bị tống giam vào nhà lao Thừa Phủ, đi ngang qua trại nữ, anh Giáp giật mình: Quang Thái!
… 60 năm sau, chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng (người phụ nữ Huế đoạt diễn đàn trong cuộc mít tinh giành chính quyền tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 17-5-1945), bạn học và bạn tù của chị Thái kể lại: Chị và em là Nguyễn Khoa Diệu Vân và các bạn Bích, Ngọc Anh bị tống giam vào nhà lao Thừa Phủ. Đêm khuya em Vân lăn ra ngủ, muỗi vo ve bám đốt, chị Hồng kéo hai vạt áo dài đang mặc phủ lên chân lên đầu em, thức trông em ngủ được yên. Giữa lúc đó vang lên câu nói tiếng Pháp: “Personne ne te denonce, ne denonces personne!” (Không ai tố giác bạn, bạn đừng tố giác ai). Đó là tiếng nói của Quang Thái.
… Một cuộc gặp gỡ nữa trong nhà tù làm cho anh Giáp vô cùng đau khổ là trông thấy anh Đặng Thai Mai bị giam trong xà lim “nặng”… Năm 1929, anh bị bắt khi đang là giáo sư dạy ở Trường Quốc học Huế, bị án 3 năm tù treo trong cuộc khủng bố đảng Tân Việt. Năm 1939, anh lại bị bắt và lúc này đang bị giam bên xà lim “nặng” cùng với Lê Bá Dị, Lê Thế Tiết.
Anh Giáp quen với anh Mai trong Tổng bộ Tân Việt. Anh Giáp cùng với anh Diểu thường hay đến nhà anh Mai (lúc đó gọi là ông Đốc Mai) để bàn về tình hình nội bộ đảng Tân Việt. Ý hợp tâm đầu, tình đồng chí, tình bạn ngày càng tha thiết. Ba người đã lập ra nhóm hạt nhân Cộng sản đầu tiên để cải tổ Tân Việt thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
…Cuối năm 1931, Hội Cứu tế đỏ Pháp đấu tranh đòi thả chính trị phạm Đông Dương và nhân dịp Bộ trưởng Paul Reynaud sang thị sát tình hình thuộc địa, những người bị án tù từ ba năm trở xuống được thả tự do. Anh Giáp được ra tù cùng với anh Đặng Thai Mai, chị Quang Thái, chú Võ Thuần Nho và một số bạn tù khác với điều kiện phải trở về quê quán và phải bị quản thúc…
… Được ít lâu, anh Giáp quyết định quay trở lại Huế. Anh đi tìm liên lạc và dự định xin với cụ Huỳnh Thúc Kháng cho tiếp tục làm báo Tiếng Dân.
Nhưng vừa đến Huế hôm trước thì hôm sau viên công sứ Labbe triệu tập anh đến hỏi: “Trở lại làm gì?”.
- Làm báo.
- Không được. Ngày mai anh phải rời khỏi Huế ngay. Chỗ của anh ở Huế là trong nhà tù!
… Sáu năm sau (ngày 27-3-1937) anh Giáp mới trở lại Huế. Anh vào dự Hội nghị Báo giới Trung Kỳ do Xứ ủy Trung Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương khởi xướng trong phong trào Mặt trận Dân chủ. Rồi chín năm sau, năm 1946, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trên đường công tác vào Nam Trung bộ, anh lại ghé Huế, thành phố thời trẻ của anh.