Năng suất, chất lượng nông sản: Thiếu tính cạnh tranh
Kinh tế - Ngày đăng : 06:02, 09/10/2013
Một thực tế đáng lo ngại là năng suất lao động ngành nông nghiệp của Việt Nam luôn thấp nhất trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp và không theo kịp năng suất của các nước này từ năm 2005. Hiện nay, năng suất lao động nông nghiệp ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 mặt bằng chung của cả nước.
Đóng gói trứng gà sạch tại Công ty 3F (huyện Thạch Thất). Ảnh: Đỗ Chí |
Tăng trưởng giảm, năng suất thấp
Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp cho biết, giá trị gia tăng trên mỗi lao động trong khu vực dịch vụ là 1.400 USD/người, công nghiệp là 2.200 USD/người, thì lĩnh vực nông nghiệp đạt chưa đầy 400 USD/người, thấp hơn cả Lào và Campuchia. Thực tế cho thấy, mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên và phát triển bề rộng. Chính việc phụ thuộc quá nhiều vào những yếu tố này khiến nền nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp đang phát triển mạnh, có tác động lớn đến hiệu quả, chất lượng nông sản. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, điều đáng quan ngại nhất đối với ngành nông nghiệp là nhịp độ tăng trưởng và năng suất đang có xu hướng chững lại. Theo thống kê, tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đã giảm dần từ 4,5% giai đoạn 1995-2000, xuống 3,8% giai đoạn 2000-2005 và 3,4% giai đoạn 2006-2012.
Đánh giá về mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là gạo, Tiến sỹ Larry C.Y.Wong, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (ISIS) Malaysia đã cảnh báo, Việt Nam tập trung quá nhiều cho chuỗi xuất khẩu lúa gạo, khoảng 30-40% sản lượng. Tiến sĩ Wong đặt vấn đề: "Đã có thời điểm các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đều đặt mục tiêu xuất khẩu gạo nhiều hơn trong tương lai. Tuy nhiên, thời gian gần đây đang diễn ra tranh luận chính sách ở cấp quốc gia về việc nên sản xuất và xuất khẩu bao nhiêu gạo? Quan điểm này được đưa ra dựa trên cơ sở do khai thác tài nguyên, nhu cầu nước tưới và lợi nhuận còn thấp của mặt hàng gạo. Trong bối cảnh hiện nay cần quan tâm hơn đến cân đối lúa gạo giữa các vùng, các thời điểm nhằm bảo đảm an ninh lương thực và tăng trưởng dung hợp".
Tăng cường liên kết
Tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới để tăng cường hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển chuỗi giá trị ngành hàng là việc làm cấp bách hiện nay. Nhận định tại Diễn đàn "Tăng cường hiệu quả sản xuất và chuỗi cung ứng nông nghiệp ở Việt Nam" vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Tin Htut Oo, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn kinh tế - xã hội quốc gia, Myanmar, cho rằng, thu nhập của người dân được nâng cao và xu hướng di cư từ nông thôn ra thành thị đang ngày càng gia tăng đã dẫn đến nhu cầu ngũ cốc giảm dần và nhu cầu tiêu dùng rau xanh, trái cây, sữa gia tăng. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cũng nêu ra thực tế, nông nghiệp Việt Nam chưa có ngành hàng nào có chuỗi cung ứng thực sự chuyên nghiệp. Vì vậy, các ngành hàng nông nghiệp cần đẩy mạnh hợp tác công tư để có những liên kết ngang, liên kết chéo giữa nông dân và doanh nghiệp.
Hiến kế cho ngành nông nghiệp, các chuyên gia quốc tế đều chung nhận định, Việt Nam cần tăng cường vai trò của khu vực tư nhân; thu hút đầu tư nước ngoài; nâng cao chất lượng phát triển; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ... Ông Remi Genevey, Giám đốc Cơ quan Phát triển của Pháp tại Việt Nam, cho rằng, thách thức nhất đối với ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay là đất nông nghiệp đang bị cạnh tranh do đô thị hóa và phát triển dịch vụ, thương mại. Vì vậy, kinh tế nông nghiệp muốn tăng năng suất không thể dựa vào phương thức sản xuất cũ, mà phải phát triển mô hình thực hành nông nghiệp tốt - GAP, tăng cường hiệu quả của chuỗi cung ứng và thực hiện sản xuất thân thiện với môi trường.