Dạy con từ những lỗi của người lớn

Xã hội - Ngày đăng : 10:04, 08/10/2013

Hãy thẳng thắn xin lỗi con khi bạn làm gì đó không phải: “Mẹ xin lỗi mẹ mất bình tĩnh. Mẹ sai rồi. Mẹ biết quát con là sai” và sau đó giải thích cho con hiểu tại sao lúc đó bạn không kiểm soát được mình.

“Dạo này cậu ta về hay ném đồ đạc và phá phách, mẹ giải thích mãi không được, nhẹ nhàng cũng không được nên mẹ hay hét lên để cậu ta dừng lại (vì không kiềm chế được). Mặc dù mẹ chỉ hét có một câu thôi, không mắng mỏ gì nhưng mà mỗi lần như thế bạn ấy giật bắn người lên, mất tinh thần lắm. Em nghĩ nếu mà bị hét nhiều thế chắc cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến bạn ấy. Mỗi lần hét xong một câu mẹ cũng thấy tội lỗi đầy người, bác có bài gì hay không chỉ cho mẹ cháu với?”.

Đó là thư điện tử của một phụ huynh có con hơn 3 tuổi gửi nhà giáo dục. Bà mẹ này mới dừng ở việc quát con đã biết mình sai và nhận ra những tác động tiêu cực lên trẻ. Mẹ đã dũng cảm nói ra sự thật chứ không cho rằng mình hoàn hảo quá rồi không phải học nữa. Và cuối cùng mẹ muốn học để thay đổi và giúp con trong khi nhiều bố mẹ còn cho rằng phải đánh cho sợ để nghe lời. Bà mẹ này đã là một người rất am hiểu kiến thức để nuôi dạy con mình.



Cuộc sống không hoàn hảo. Người lớn không hoàn hảo. Các cô giáo mầm non cũng không hoàn hảo. Hết ngày này sang ngày khác, giờ này sang giờ khác, ai cũng có những lúc không kiềm chế được và đương nhiên đôi lúc chúng ta làm những điều sau đó cảm thấy hối hận. Người chứ có phải robot đâu. Tuy vậy, chúng ta, tất cả những người lớn xung quanh trẻ cần nhớ rằng trẻ em rất nhạy cảm, trẻ hoàn toàn biết mình muốn cái gì và không muốn cái gì. Và không em bé nào muốn bị xúc phạm, dù là thể chất hay tinh thần, nên đừng coi thường cho rằng còn bé thì biết gì.

Cách bố mẹ xử lý vấn đề sẽ là cách con học để xử lý vấn đề của mình, của mình với bố mẹ, của mình với các bạn vì trẻ luôn học qua việc bắt trước mọi người xung quanh, nhất là những người trực tiếp ảnh hưởng lên bé hằng ngày.

Trước khi mất bình tĩnh hãy nói với con “Bố/Mẹ sắp mất bình tĩnh và không sẵn sàng để nói chuyện với con. Bố/mẹ cần ở một mình” rồi sang phòng khác, hoặc vào nhà vệ sinh đóng cửa lại, hoặc đeo tai nghe vào và bật nhạc to hết cỡ lên hay làm bất cứ cái gì hiệu quả với bạn, cho đến khi kiểm soát được chính mình. Nếu chúng ta không kiểm soát được hành vi của mình hãy thử tưởng tượng điều đó khó thế nào với một em bé.

Hãy thẳng thắn xin lỗi con khi bạn đã làm gì đó không phải, “Mẹ xin lỗi mẹ mất bình tĩnh. Mẹ sai rồi. Mẹ biết quát con là sai rồi”, và sau đó hãy giải thích cho con hiểu tại sao lúc đó bạn không kiểm soát được mình. Chẳng hạn: "Mẹ mệt. Mẹ đang rất vội. Mẹ đang phải suy nghĩ rất nhiều việc. Mẹ đã nhắc con nhiều lần mà con vẫn không dừng lại...". Hãy nói sự thật. Đừng sợ con không hiểu, các con đều hiểu và nhân dịp đó bạn có thể giúp con học được rất nhiều bài học kỹ năng sống.

Bài học thứ nhất: Người lớn cũng có lúc sai, và điều đó là bình thường. Đứa trẻ cần học được cái gì là sai cái gì là đúng thì mới điều khiển được mình. Và đương nhiên các nguyên tắc đều áp dụng cho tất cả mọi người chứ không phải “Con không được quát em” nhưng người lớn lại thoải mái quát bé. Quát tháo là sai, cho dù là ai.

Bài học thứ hai: Cáu là một trong những cảm xúc bình thường mà chính trẻ cũng có lúc cảm thấy. Giúp con hiểu từ đó và nói được ra là con đang cáu để bạn rút lui đúng lúc. Trẻ con có biết cáu nhưng khả năng kiểm soát cảm xúc của bé không được như người lớn nên thỉnh thoảng kể cả những em bé ngoan nhất cũng có thể ném đồ, làm đau người khác, hét toáng lên, gào khóc... Khi bé hiểu từ cáu, hãy giúp con xử lý năng lượng tiêu cực khi cáu. Con có thể vào phòng mình để bình tĩnh lại. Con có thể nói cho bố mẹ biết tại sao con cáu. Con có thể vẽ. Con có thể đi ném bóng. Con có thể đấm bốc. Để con khóc cho đến khi tự nguôi ngoai ... tùy vào tính cách của từng trẻ, và điều kiện nhà bạn có thể giúp con kiểm soát năng lượng tiêu cực mà không làm tổn thương ai và chính mình.

Bài học thứ ba: Khi người khác muốn được ở một mình nghĩa là không được làm phiền. Tôn trọng sự riêng tư của mọi người. Không nghĩa là không. Khi con muốn ở một mình bố mẹ cũng cần tôn trọng con.

Bài học thứ tư: Giúp con thiết lập biên giới tự bảo vệ mình. Ngay từ bé hãy hướng dẫn con, không ai được mắng, đánh hay chạm vào con làm con đau. Nói rõ với con là ai được giúp con tắm và rửa ráy cho con để tránh cho bé bị lạm dụng kể cả với bé trai. Một em bé từ nhỏ biết là đánh người khác là sai sẽ không cho phép ai đánh mình sau này lớn lên và cũng không đánh ai cho dù với bất cứ lí do gì. Chỉ cần các bố mẹ hướng dẫn cho con những gì là chấp nhận được, những gì là không và đồng thời luôn làm gương cho bé.

Bài học thứ năm: Hướng dẫn con bày tỏ ý kiến của mình. Cung cấp vốn từ cho bé để bé có thể kể về hành động người khác làm với mình cho người thân. Tập cho con kỹ năng tự bảo vệ mình sử dụng lời lẽ thay vì xông vào giải quyết mâu thuẫn bằng hành động.

Những người thân thiết với mình nhất lại thường là những người dễ làm tổn thương mình nhất, chê, mắng, nhận xét tiêu cực, đòi hỏi, kiểm soát, áp đặt, can thiệp thô bạo... trong khi chúng ta không bao giờ làm thế với người lạ. Đúng ra khi càng yêu thương thì càng cần tôn trọng hơn cho dù là ở độ tuổi nào, trẻ con hay người lớn. Nếu được chọn bạn sẽ chọn gì? Cái bạn chọn chắc chắn cũng là cái con bạn chọn.

Chỉ cho con cách giúp mình “phanh lại”. Hướng dẫn con rằng khi con không bằng lòng hãy nói “Bố/Mẹ đừng cáu con nữa nhé”, “Bố/Mẹ nhẹ nhàng với con thôi, con biết rồi ạ.” “Bố/Mẹ mệt à? Con đi vào phòng nhé”, “Bố/Mẹ đang làm con buồn đấy”…

Có thể bạn bảo vẽ vời, toàn lý thuyết suông. Nếu bạn hướng dẫn con cư xử có văn hóa từ bé, tin vào con mình, chính bạn là người sẽ ngạc nhiên bởi lòng vị tha của trẻ. Và trái tim nhỏ bé nhưng rất rộng lượng đó sẽ giúp bạn học những bài học chẳng ai dạy được. Con cái làm cho bạn trở thành những người tốt hơn. Một ngày kia bạn sẽ nghe “Con đồng ý mẹ xin lỗi con. Con thơm mẹ cho mẹ đỡ buồn nhé?” cho dù con bạn mới hơn hai tuổi.

Con do mình sinh ra, yêu thương bao nhiêu vẫn chưa đủ, xin đừng làm tổn thương bé. Nhiệm vụ của mọi ông bố bà mẹ là đồng hành cùng con, bảo vệ và giúp đỡ con một cách khoa học. Bố mẹ không phải là đối thủ nên không bao giờ cần phải thắng con cả.

Mai Hương- Nhà giáo Montessori