Thách thức lớn về lưu thông bền vững trong đô thị
Xã hội - Ngày đăng : 15:53, 07/10/2013
Tiến sĩ Nguyễn Quang - Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên hợp quốc tại Việt Nam (UN-Habitat) cho biết: Hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến sự đô thị hóa nhanh của các thành phố và kèm theo đó là sự gia tăng sử dụng các phương tiện giao thông. Điều đó cũng dẫn đến sự mở rộng đô thị và nhu cầu tăng về phương tiện đi lại, đặt ra những gánh nặng về môi trường, xã hội và kinh tế.
Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Mặc dù xét về diện tích, địa lý, kinh tế và so với các nước trong khu vực Châu Á, có thể nói Việt Nam hiện nay vẫn là nước có quá trình đô thị hóa chưa hiệu quả và chất lượng chưa cao.
Theo số liệu Tổng điều tra dân số năm 2009, chỉ có khoảng 30% dân số sống ở các khu đô thị. Các nhà quan sát đều nhất trí rằng dân số đô thị gia tăng chủ yếu là do quá trình di cư từ nông thôn ra thành thị. Đây là một xu hướng phát triển mạnh mẽ từ cuối những năm 1980.
Hiện dân số đô thị Việt Nam ước tính tăng 3,4-3,7% mỗi năm và sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng này trong thời gian tới. Như vậy chính phủ sẽ vẫn phải đối mặt với những thách thức của quá trình đô thị hóa nhanh trong những thập kỷ tới. Dân số đô thị Việt Nam (cả chính thức và không chính thức) ước tính là sẽ tăng nhanh chóng trong vòng 10-25 năm tới và tăng gần gấp đôi vào năm 2020. Nghĩa là hàng năm có khoảng 1 triệu người sẽ được bổ sung vào các khu vực đô thị Việt Nam.
|
Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai thành phố có mật độ dân số đông nhất cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là nơi tập trung nhiều nhất các phương tiện giao thông cũng như sự ùn tắc giao thông. Vào giờ cao điểm, có thể dễ dàng thấy những dòng xe nối nhau nhích từng bước kèm theo ô nhiễm không khí và tiếng ồn, nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Tắc đường do hệ thống giao thông không bền vững còn ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của người dân và chi phí sản xuất.
Trong 5 năm qua, do những chính sách đổi mới và thực hiện quyết liệt, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến tích cực. Tại Hà Nội, số điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc đã giảm từ 124 điểm xuống còn 57 điểm. Tại thành phố Hồ Chí Minh, số điểm ùn tắc giảm còn 76 điểm so với 120 điểm vào năm 2008; số vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút hầu như rất ít khi xảy ra. Đó là kết quả của việc thực hiện những giải pháp mang tính đột phá như hoàn thành các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm; lắp đặt cầu vượt cho xe có tải trọng nhẹ; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường trên các tuyến phố chính; hợp lý hóa lộ trình tuyến và đổi mới phương tiện đoàn xe buýt.
Nhân ngày Định cư thế giới 2013, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã gửi đi thông điệp: "Lưu thông trong đô thị không chỉ là phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và dịch vụ, mà mục tiêu là phải giúp mọi tầng lớp trong xã hội, không kể giới tính, người nghèo, những người tàn tật và dễ bị tổn thương có thể vượt qua mọi trở ngại để tiếp cận các phương tiện giao thông và di chuyển dễ dàng, an toàn". Lưu thông không chỉ là xây dựng thêm những con đường dài hơn và rộng hơn, mà nó là cung cấp những hệ thống phù hợp và hiệu quả để phục vụ đa số người dân một cách tốt nhất và công bằng nhất, bao gồm cả việc khuyến khích chuyển đổi sử dụng từ ô tô sang tàu điện, xe buýt, xe đạp.
Trung tuần tháng 9 vừa qua,tuyến tầu điện ngầm thứ 3 của thành phố Hồ Chí Minh đã tìm được nhà tài trợ vốn và dự kiến khởi công vào năm 2015. Tuyến số 2 dự kiến khởi công vào năm 2014 và tuyến số 1 đã khởi công và tháng 8/2012 và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng năm 2018. Trong quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch tàu điện ngầm cũng là một nội dung quan trọng được thành phố tập trung phát triển.
Thực tế, đầu tư cho tầu điện ngầm rất tốn kém nhưng đây là một biện pháp hữu hiệu và bền vững trong phát triển đô thị bởi đây là phương tiện lưu thông trong đô thị có sức vận chuyển lớn, hiệu quả, đến 20.000 hành khách mỗi giờ, mỗi hướng. Loại phương tiện giao thông này có những thế mạnh nổi trội như tốc độ nhanh, không gây tiếng ồn lớn, giảm mạnh hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm không khí, đúng giờ và an toàn. Chính vì vậy, nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn loại hình giao thông công cộng này. Hệ thống tàu điện ngầm được sử dụng phố biến nhất trên thế giới nằm tại các quốc gia Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc với lượng hành khách vận chuyển hàng ngày đạt 8,5 triệu người tại Tokyo; 6,9 triệu người tại Seoul và 6,7 triệu người tại Bắc Kinh (theo Báo cáo Định cư Toàn cầu của UN-Habitat về Lưu thông bền vững trong Đô thị - 2013).
Những hệ thống giao thông công cộng tốc độ cao có thể cải thiện hiệu quả kinh tế đô thị bằng việc giảm thời gian và chi phí đi lại, giúp gia tăng những hoạt động, giao thương tại trung tâm thành phố, tăng sự thịnh vượng cho đô thị. Hệ thống xe buýt nhanh là giải pháp đã được Hàn Quốc và một số nước sử dụng để hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng và tăng hiệu quả của hệ thống tàu điện ngầm. Bài học này đã và đang được áp dụng ở thành phố Đà Nẵng, khi một tuyến đường riêng cho xe buýt nhanh dài hơn 17km nối đoạn giáp quốc lộ 1A đến giáp đường tránh nam Hải Vân đang được thi công.
Bên cạnh đó, quy hoạch sử dụng đất hiệu quả phải gắn liền với quy hoạch giao thông là điều kiện tiên quyết cho một hệ thống giao thông công cộng hiệu quả và bền vững.
“Con người cần được đi làm, đến trường, đến bệnh viện và đến những nơi tạo ra nhiều giá trị cho cuộc sống một cách an toàn và kịp thời. Lưu thông tốt sẽ mang lại sức sống cho những trung tâm đô thị, giúp tăng khả năng sản xuất và làm cho thành phố trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư, du khách và người dân. Lưu thông trong đô thị là trung tâm của sự phát triển bền vững. Trong Ngày Định cư Thế giới, hãy cam kết cùng chúng tôi hành động để tất cả chúng ta có thể tiếp cận được các phương tiện giao thông bền vững, giúp con người thực hiện được quyền đi lại một cách bình đẳng” - Tiến sĩ Nguyễn Quang kêu gọi.