Ngành công thương: Tập trung cho “chặng nước rút” cuối năm

Kinh tế - Ngày đăng : 07:06, 07/10/2013

(HNM) - Để hoàn thành kế hoạch sản xuất và xuất khẩu của năm 2013, tháo gỡ khó khăn vẫn là việc cần được ưu tiên hàng đầu của ngành công thương.


Xuất khẩu tăng, tồn kho giảm

Tám tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa của cả nước đạt 84,8 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 28,7 tỷ USD, tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 56,1 tỷ USD, tăng 21,6%. Tốc độ tăng trưởng chung của cả nước so với cùng kỳ năm trước là 14,7%, trong đó xuất khẩu vẫn là một trong những lĩnh vực có chỉ số tăng cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Kim ngạch nhập khẩu (KNNK) đạt 85,4 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ; nhập siêu đạt 577 triệu USD, bằng 0,7% tổng KNXK. Mức tăng nhập khẩu như vậy được đánh giá là không quá cao so với mức tăng xuất khẩu và cán cân thương mại có thể coi là ổn định trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, KNXK của nhóm ngành hàng công nghiệp chế biến tiếp tục tăng cao: Điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục là mặt hàng đạt KNXK vượt trội 13,1 tỷ USD, tăng 76,2% so với cùng kỳ; dệt may đạt 11,5 tỷ USD, tăng 17,3%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 6,8 tỷ USD, tăng 42,2%; giày dép tăng 16,1%...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước nhưng mức độ cải thiện chỉ số sản xuất công nghiệp qua từng tháng vẫn rất chậm. Một số ngành sản xuất như cơ khí, vật liệu xây dựng và những ngành sản xuất hàng tiêu dùng khác vẫn còn đình trệ do thị trường nội địa tiêu thụ chậm.

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty Dệt may liên doanh Plummy Ảnh: Đàm Duy


Một điểm đáng chú ý là trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thu nhập của người dân còn thấp ảnh hưởng đến sức mua, nhưng chỉ số bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn có mức tăng trưởng khá. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung 8 tháng, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.705,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,1%.

Tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tăng đã góp phần giảm tồn kho. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm ngày 1-8 tăng 9%. Đây là mức tăng tồn kho thấp hơn nhiều so với cùng thời điểm năm trước.

Khơi thông thị trường

Theo Bộ Công thương, thời gian tới cần tập trung các giải pháp khơi thông thị trường xuất khẩu, nhất là cho các mặt hàng chủ lực có giá trị lớn. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng phát triển thêm chuỗi liên kết gắn vùng sản xuất nguyên liệu, chế biến với tiêu thụ nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Bộ Công thương đang tập trung xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm một số ngành hàng có lượng hàng hóa lớn như gạo, thủy sản, cà phê, hạt tiêu và điều. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường, kịp thời thông báo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất, xuất khẩu về rào cản của các nước nhập khẩu nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, cải thiện chất lượng hàng hóa tránh rủi ro cho doanh nghiệp khi thực hiện hợp đồng xuất khẩu. Mặt khác, Bộ Công thương đang tiếp tục đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo. Bộ cũng tăng cường kiểm tra giám sát về chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, kiểm tra giá cả các mặt hàng thiết yếu hiện vẫn chưa kiểm soát được tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tiêu thụ trên thị trường nội địa, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và ổn định thị trường.

Thanh Mai