Lạm thu tiền trường - Khó có thuốc đặc trị

Xã hội - Ngày đăng : 06:15, 07/10/2013

(HNM) - Đến thời điểm này, các trường đã tổ chức xong cuộc họp phụ huynh đầu năm, nơi mà ở đó có các khoản đóng góp - vấn đề vốn chỉ là phụ đã trở thành nội dung chính và khiến cha mẹ học sinh bức xúc.



Công bằng mà nói, tiếng kêu về gánh nặng tiền trường đầu năm ở Hà Nội năm học này đã ít đi. Đó là kết quả của sự nỗ lực trong công tác quản lý, sự vào cuộc của các lực lượng xã hội hay vì cha mẹ học sinh đã chấp nhận lạm thu như một hiện tượng không có giải pháp giải quyết triệt để?

Lạm thu là bởi vì có thu. Phải thu vì không thể làm gì nếu không có tiền trong khi nguồn kinh phí chủ yếu cho các nhà trường là từ ngân sách không đủ để chi cho mọi hoạt động giáo dục nội khóa, ngoại khóa, thường xuyên và đột xuất. Trên thực tế, trong các khoản thu mà các trường đã tổ chức kêu gọi sự đóng góp của cha mẹ học sinh có những khoản hợp lý mà không hợp pháp. Không hợp pháp vì nó không có trong bất kỳ văn bản mang tính pháp quy nào của Nhà nước. Nhưng hợp lý vì nó thực sự cần thiết và mang lại lợi ích cho học sinh. Nhưng rõ ràng, nếu các khoản thu đều hợp lý và được minh bạch thu - chi thì sẽ không có những tiếng kêu ca và khái niệm lạm thu không có lý do để tồn tại. Vấn đề là ở chỗ, thế nào là khoản thu hợp lý và làm sao để minh bạch?

Thực tế cho thấy, lạm thu nhiều nhất là quỹ của cha mẹ học sinh và khoản xã hội hóa giáo dục, trong đó tính hợp lý và sự minh bạch ở khoản thu xã hội hóa thường dễ kiểm soát hơn. Đây là khoản thu do nhà trường triển khai nên các quy định về quản lý ít nhiều sẽ điều chỉnh tới. Thêm nữa, trong những năm gần đây, Hà Nội đã rất quan tâm đầu tư cho giáo dục, thể hiện rõ nhất ở kinh phí dành cho cải tạo, xây mới trường lớp, mua sắm trang thiết bị mỗi năm một tăng. Bên cạnh đó, định mức chi cho mỗi học sinh cũng đang tăng, hiện ở mức cao nhất cả nước, đã giúp cho các nhà trường dành được 20% ngân sách cho các khoản chi thường xuyên. Với mức đầu tư này, các hiệu trưởng đã có thể tăng cường cho cơ sở vật chất mà không phải trông chờ vào nguồn đóng góp của phụ huynh. Tuy nhiên, vẫn có nơi này, nơi khác phát sinh "nhu cầu" mà tiền của Nhà nước không thể đáp ứng, đơn cử như sắm bảng tương tác, máy chiếu, lắp điều hòa... Hoặc có những hoạt động giáo dục sẽ không thể triển khai nếu không có sự hỗ trợ từ cha mẹ học sinh như dạy tiếng Anh. Không thể phủ nhận hiệu quả của sự đầu tư này nhưng rõ ràng không phải phụ huynh nào cũng đủ điều kiện để đóng góp, khi vào đầu năm phải phát sinh ít thì vài trăm, nhiều thì vài triệu. Trên thực tế cũng đang tồn tại một hiện tượng, có những hiệu trưởng thích tiêu bằng tiền xã hội hóa hơn tiền ngân sách. Lý do có nhiều. Loại trừ "động cơ" kinh tế, thì nguyên nhân có thể là họ mệt mỏi với những thủ tục tài chính nhiều khi mang tính hình thức và lắm nhiêu khê trong khi dùng tiền phụ huynh dễ quyết toán hơn. Cũng có thể, các trường muốn tiết kiệm tiền ngân sách để được trích lập quỹ từ khoản tiết kiệm chi tiêu này, biến tiền của Nhà nước thành tiền của tập thể để chi cho giáo viên những ngày lễ tết, thưởng cho những tiết dạy hay, hỗ trợ kinh phí để anh chị em đi nghỉ hè… Nguồn kinh phí này còn phải chi cho những khoản không quyết toán được vào ô, mục nào theo quy định khắt khe của tài chính, chủ yếu để đẹp lòng cấp trên.

Khó minh bạch nhất hiện nay chính là quỹ của cha mẹ học sinh. Ban đại diện cha mẹ học sinh là một tổ chức của quần chúng, do phụ huynh cử ra thay mặt họ lo phối hợp với giáo viên và nhà trường trong việc giáo dục học sinh. Tuy nhiên, sự phối hợp hiện nay chủ yếu là lo hiếu hỉ với thầy cô, nhà trường và đáp ứng các yêu cầu của trường, của lớp. Trong không ít trường hợp, ban đại diện đã trở thành "cánh tay nối dài" của giáo viên, làm bình phong cho các khoản thu của nhà trường. Để quản lý hoạt động của tổ chức này,

Bộ GD-ĐT đã có Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22-11-2011 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó quy định những hoạt động, nhiệm vụ và trách nhiệm của ban đại diện cha mẹ học sinh. Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, ủng hộ phục vụ trực tiếp cho hoạt động của nhà trường. Ngoài ra, trong chỉ thị năm học gửi các địa phương, Bộ cũng có những quy định về thu, chi, đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện đúng các quy định của Nhà nước với yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu, gây bức xúc trong dư luận, nhất là vào đầu năm học mới. Bộ GD-ĐT đã đưa ra 4 giải pháp chống lạm thu, như cơ sở giáo dục phải thực hành tiết kiệm và chia sẻ để bảo đảm hoạt động; xây dựng văn bản pháp lý để quản lý thu trong trường học, trong đó có Thông tư 55 về thu của phụ huynh học sinh, Thông tư 29 về tự nguyện; bảo đảm 3 công khai để kiểm soát các nguồn thu và phối hợp quản lý. Các địa phương cũng đã ban hành những chỉ thị, quy định để chống lạm thu. Thế nhưng trên thực tế, núp dưới danh nghĩa xã hội hóa giáo dục và hình thức tự nguyện, câu chuyện tiền trường vẫn tiếp diễn, trở thành nỗi ám ảnh của xã hội, gánh nặng với phụ huynh học sinh. Bất chấp những nỗ lực của cơ quan quản lý, lạm thu đang dần "thích nghi" để đối phó với dư luận xã hội, bằng cách chia nhỏ các khoản thu, thu đều trong cả năm học, biến tướng thành các nguồn thu khác.

Có cách nào để cải thiện tình trạng này khi việc huy động sự đóng góp của cha mẹ học sinh đã, đang và sẽ là nguồn kinh phí không thể thiếu cho các hoạt động giáo dục? Đã có những giải pháp cực đoan được đưa ra như giải tán ban đại diện cha mẹ học sinh, có những giải pháp duy ý chí như phụ huynh thực hiện quyền từ chối đóng góp các khoản thu mà mình thấy không hợp lý, có những giải pháp kinh tế như tăng học phí để nhà trường đủ trang trải mọi hoạt động mà không phải thu thêm bất kỳ khoản nào khác, có giải pháp hành chính như xử lý nghiêm những cán bộ quản lý trường để xảy ra lạm thu… Mới đây, Đề án "Xây dựng mô hình hội đồng giám sát của cộng đồng ở trường học" từng được trao giải thưởng tại Chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam năm 2013, do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tổ chức đã được Sở GD-ĐT Hà Nội chấp nhận thí điểm. Hội đồng giám sát cộng đồng với các thành viên là đại diện hội cha mẹ học sinh, đại diện hội cựu giáo chức, hội khuyến học, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ phường, xã sẽ được thành lập để giám sát việc sử dụng và quản lý các khoản tiền do cha mẹ học sinh đóng góp. Nếu phát hiện những sai phạm, hội đồng có quyền yêu cầu nhà trường làm rõ. Ngay từ năm học 2013-2014, mô hình này được thí điểm tại 5 trường công lập, đại diện cho các cấp học trên địa bàn quận Hoàng Mai. Giải pháp này đang được kỳ vọng sẽ góp phần làm cho việc thu chi trong nhà trường minh bạch, hợp lý, hiệu quả.

Hiệu quả của những biện pháp trên đến đâu phải chờ thực tế trả lời. Nhưng có một điều đã rõ là lạm thu đã trở thành căn bệnh mạn tính nên tìm được thuốc đặc trị không dễ. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thừa nhận rằng: "Vấn đề lạm thu ở các trường học luôn là vấn đề bức xúc của người dân. Các sở, ngành cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nhiều biện pháp đưa ra để giải quyết vấn đề. Bộ cũng nhận được nhiều văn bản đề nghị của các sở về vấn đề này nhưng vẫn rất khó "chữa" do bệnh đã nhờn thuốc". Làm thế nào để vẫn có thể thu nhưng không dễ dẫn đến lạm thu là một câu hỏi không dễ trả lời bởi nó phụ thuộc chủ yếu vào "Tâm" và "Tầm" của giám hiệu các trường và sự "dũng cảm" của lãnh đạo ngành giáo dục. Thiếu các giá trị vô hình này thì mục đích hữu hình là sự minh bạch sẽ khó mà đạt được.

Vũ Vân