Mỹ chưa đạt thỏa thuận về ngân sách: Những hiệu ứng tiêu cực

Thế giới - Ngày đăng : 06:08, 07/10/2013

(HNM) - Với 407 phiếu thuận và 0 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua một dự luật bù lương nhằm đưa 800.000 nhân viên chính phủ đang nghỉ việc quay trở lại công sở khi tình trạng ngừng hoạt động một phần hiện nay của chính phủ chấm dứt.



Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc vừa thông báo phần lớn trong số 400.000 nhân viên dân sự thuộc Bộ Quốc phòng đang tạm nghỉ do chính phủ liên bang ngừng hoạt động sẽ được gọi trở lại làm việc từ đầu tuần này. Các quan chức Lầu Năm Góc ước tính ít nhất 90% số nhân viên có thể quay trở lại làm việc, sớm nhất từ ngày 7-10. Vậy là, dù chưa có một thỏa thuận cuối cùng nhằm hạ màn cuộc chiến ngân sách giữa hai đảng của Quốc hội Mỹ, nhưng đã xuất hiện tia sáng le lói cuối đường hầm. Với động thái mới nhất, tín hiệu tích cực hơn để hy vọng về một sự thỏa hiệp tại đồi Capitol vừa được phát đi. Trong bối cảnh Mỹ sắp chạm trần nợ vào ngày 17-10 tới, việc hai đảng hòa hoãn để cùng tìm ra những giải pháp tốt nhất tránh cho nền kinh tế số 1 thế giới hứng chịu những thiệt hại nặng nề là dấu hiệu vô cùng có ý nghĩa.

Thị trường chứng khoán Châu Á cũng lao đao do tác động của việc Chính phủ liên bang Mỹ đóng cửa.


Thực tế là, thời gian Chính phủ Mỹ đóng cửa mới được gần một tuần nhưng đã gây hoang mang khắp thế giới. Nhiều nhà kinh tế cho rằng nếu tình trạng này kéo dài, không chỉ nền kinh tế số 1 hành tinh có nguy cơ rơi vào suy thoái trở lại mà có thể sẽ gây ra những hiệu ứng tiêu cực đối với các nền kinh tế khác. Công ty Nghiên cứu thị trường IHS ước tính, việc nhiều cơ quan ở Mỹ ngưng hoạt động cùng khoảng 800.000 nhân viên chính phủ phải nghỉ ở nhà sẽ khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại ít nhất 300 triệu USD mỗi ngày. Dù con số này không quá lớn so với quy mô nền kinh tế 15,7 nghìn tỷ USD của Mỹ, nhưng về lâu dài nó sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng GDP do doanh nghiệp mất lòng tin và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng bị hạn chế. Nếu Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động trong 2 tuần, tăng trưởng GDP quý IV sẽ giảm 0,5% và nếu đóng cửa trong toàn bộ tháng 10 sẽ khiến GDP giảm 2%. Đây là con số đáng báo động cho một nền kinh tế với dự báo GDP sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 2,2% trong quý IV. Hệ lụy này buộc các nhà đầu tư thế giới phải chuẩn bị đối phó với kịch bản thị trường toàn cầu có thể sẽ biến động mạnh sau những biến cố từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thế nhưng, hiểm họa chưa hết. Với tình trạng hiện nay việc chính phủ đóng cửa một phần càng đẩy nước Mỹ tới gần hơn bờ vực phá sản. Ngày 17-10 tới là thời điểm quyết định vấn đề còn lớn hơn đối với nước Mỹ là vỡ nợ hay không. Sau ngày đó, nước Mỹ không còn khả năng trả nợ một khi Quốc hội không đạt được sự nhất trí về nâng trần giới hạn nợ. Hai chuyện gộp lại thì sẽ thành thảm họa với nước Mỹ. Vì vậy, dù lưỡng đảng có thể để mặc chính phủ bị đóng cửa, song họ không thể xem nhẹ vấn đề trần nợ công, bởi lẽ hậu quả của nó sẽ hết sức nghiêm trọng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Jacob Lew cho biết, ông đang vận dụng tất cả các biện pháp đặc biệt để Mỹ không chạm trần nợ trong khi Tổng thống B.Obama vẫn tin tưởng nước Mỹ sẽ không thể trở thành quốc gia không trả được nợ.

Tuy nhiên, hệ lụy của việc chính phủ ngừng hoạt động không chỉ dừng lại ở khía cạnh kinh tế - xã hội, mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Washington. Vị thế toàn cầu của Mỹ trong mắt cả đồng minh lẫn những lực lượng chống đối đã bị hủy hoại nghiêm trọng do sự tê liệt của Chính phủ Mỹ, điều đã buộc Tổng thống B.Obama phải hủy bỏ một chuyến công du Châu Á then chốt trong tuần này. Với việc không có dấu hiệu về một giải pháp nhanh chóng nào thì tình trạng chính phủ siêu cường lớn nhất thế giới ngừng hoạt động sẽ tạo ra những nguy hại đối với chính nước Mỹ.

Do vậy, dù đã có những dấu hiệu lạc quan đầu tiên nhưng đây là thời điểm quan trọng nhất để hai đảng Dân chủ và Cộng hòa nhanh chóng có được tiếng nói chung để bảo vệ đà hồi phục cũng như vị thế của cường quốc số 1 thế giới.

Thùy Dương