Vì sao thư viết tay bị lãng quên?
Xã hội - Ngày đăng : 07:42, 06/10/2013
Em Nguyễn Thu Hương (Lớp 11B, Trường THPT Trần Hưng Đạo):
- Cách đây vài năm, hồi em học cấp I còn có phong trào viết thư tay làm quen với các bạn phương xa thông qua mục kết bạn trên Báo Nhi Đồng, Thiếu niên Tiền phong… Cứ đến giờ ra chơi, ai cũng hào hứng chờ cán sự lớp lên phòng thông tin của trường đem về những bức thư làm quen từ bạn bè phương xa. Những bức thư viết tay với nét chữ học trò, câu chữ ngô nghê được cất gọn trong ngăn tủ, mỗi lúc rảnh rỗi em lại lấy ra đọc đến thuộc lòng. Thế nhưng, bây giờ chẳng mấy ai còn viết thư tay cho nhau bởi đa số có máy tính, điện thoại di động. Không cần phải ra bưu điện, chỉ cần vài cú "click" là thông điệp sẽ được gửi và nhận.
Em Hoàng Minh Thu (Lớp 9A2, Trường THCS Giảng Võ):
- Em chưa từng nhận được thư viết tay, cũng chưa bao giờ ra bưu điện gửi loại thư này. Nhưng em nghe nói gửi loại thư này thì phải vài ngày mới đến nơi, lại phải ra bưu điện để mua tem nữa. Đúng là vừa mất thời gian, vừa "cổ lỗ sĩ", trong khi nếu có việc gấp thì chỉ cần một cú "alo" là xong. Còn nếu muốn kết bạn bốn phương thì chúng em có thể dùng Yahoo, google mail, facebook và nhiều forum kết bạn trên internet, rất tiện lợi. Vì thế nên mọi người mới ít sử dụng thư viết tay hơn trước kia. Em nghĩ chắc chỉ có các bạn ở quê hay vùng sâu, vùng xa mới dùng thư viết tay thôi.
Cô Trịnh Thị Ngân (Giáo viên dạy văn, Trường THCS Ngọc Lâm):
- Thời buổi công nghệ số hóa, các phương tiện thông tin liên lạc như thư điện tử, điện thoại, nhắn tin chat qua Yahoo, facebook rất tiện lợi, nhanh chóng nên các em HS không còn viết thư nữa. Đó là điều rất đáng tiếc, bởi những lá thư viết tay chứa chan tình cảm hơn hẳn những loại thư điện tử máy tính khô khan. Qua nét bút, câu chữ, mọi người thể hiện được trọn vẹn cung bậc cảm xúc. Tôi nhớ thời xưa, mỗi lần chú bưu tá ghé qua là cả lũ trẻ con lại hào hứng chờ đợi những bức thư của bạn bè phương xa gửi tới. Có những lúc bạn bè cãi nhau hay hiểu lầm xích mích, chỉ cần lôi những bức thư cũ để đọc lại cũng thấy ấm lòng, nỗi bực tức dịu ngay.
Viết thư tay còn giúp các em rèn luyện cách giao tiếp, hành văn mềm mại, tình cảm. Hành động viết cũng giúp cho trí tưởng tượng của trẻ bay bổng và cảm xúc thăng hoa hơn. Trong khi đó, thói quen sử dụng điện thoại, tin nhắn hay giao tiếp qua mạng internet lại đang làm "méo mó" tiếng Việt khiến cho HS quen với những ngôn từ cộc lốc, viết tắt sai ngữ pháp, sai chính tả trầm trọng.