Quan hệ Mỹ - Venezuela: Chưa mở ra chương mới
Thế giới - Ngày đăng : 07:23, 05/10/2013
Căng thẳng giữa hai nước không ngừng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt sau khi Mỹ thông báo trục xuất ba nhà ngoại giao Venezuela vào ngày 2-10 vừa qua nhằm trả đũa cho động thái tương tự trước đó của chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro. Sau khi nhận được thông báo trên, các nhà ngoại giao Venezuela có 48 giờ chuẩn bị để rời nước Mỹ. Bộ Ngoại giao Venezuela đã ra công hàm phản đối quyết định trên và coi đó là hành động "không công bằng" của Washington.
Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Caracas của Venezuela. |
Thực tế, sự việc khiến cho mối quan hệ giữa hai nước vốn đã không mấy tốt đẹp càng trở lên căng thẳng hơn khi ngày 30-9, Tổng thống Venezuela N.Maduro tuyên bố trục xuất 3 nhà ngoại giao Mỹ là Kelly Keiderling - Đại biện Mỹ tại thủ đô Caracas, cùng với hai người khác là David Moo và Elizabeth Hoffman vì cho rằng họ có âm mưu phá hoại nền kinh tế nước này. Ông N.Maduro khẳng định ông có bằng chứng chứng minh 3 người này đã tham gia vào một âm mưu phá hoại hệ thống điện, hối lộ cho các công ty Venezuela để họ cắt giảm sản xuất, gây ra tình trạng mất điện trên 70% lãnh thổ nước này hồi tháng 9 vừa qua. Trong một tuyên bố mới nhất, Tổng thống N.Maduro cho biết nếu tiếp tục các hành động chống Chính phủ Venezuela, ông sẽ trục xuất tất cả các nhân viên ngoại giao Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ đáp trả lại cáo buộc này với tuyên bố rằng Mỹ không cho phép đại diện của mình tham gia vào bất kỳ âm mưu nào gây bất ổn cho Chính phủ Venezuela.
Kể từ cuối năm 2010, quan hệ giữa hai quốc gia tại Châu Mỹ đã bị xuống cấp sau khi cố Tổng thống Hugo Chavez không chấp nhận ông Larry Palmer làm đại sứ mới của Mỹ tại Caracas. Nguyên nhân được Venezuela đưa ra là vì ông này từng có những tuyên bố thù địch với chính quyền quốc gia Nam Mỹ. Đáp lại, Mỹ rút thị thực của Đại sứ Venezuela tại Washington. Cuối năm 2012, hai nước thiết lập kênh đàm phán nhằm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, dấu hiệu nồng ấm đó nhanh chóng nhạt nhòa khi ông N.Maduro quyết định chấm dứt quá trình đối thoại này vào tháng 7 vừa qua. Sự cố xảy ra sau khi bà Samantha Power, khi đó là ứng viên vào vị trí Đại sứ của Mỹ tại Liên hợp quốc, tuyên bố nếu được bổ nhiệm bà sẽ đấu tranh chống "sự đàn áp" tại Venezuela và Cuba. Ngày 19-9, sự kiện chuyên cơ của Tổng thống N.Maduro từng bị từ chối cho phép bay qua không phận Mỹ để tới thăm Trung Quốc trước khi được chấp thuận được coi như "lửa đổ thêm dầu". Mối quan hệ vốn đầy nhạy cảm giữa hai nước lại thêm một lần bị thử thách.
Trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, Venezuela và Mỹ vẫn duy trì mối quan hệ tương đối tốt, bởi đất nước Nam Mỹ này là một trong những nhà cung cấp dầu thô chính cho Mỹ. Nhưng hiện tại Trung Quốc đang sớm trở thành một đối tác thương mại lớn của Venezuela, với kim ngạch nhập khẩu dầu mỏ tăng 60% trong năm 2012. Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng dầu mỏ Venezuela Rafael Ramirez cho biết nước này hiện đang bán 640.000 thùng dầu/ngày cho Trung Quốc, bằng 2/3 lượng dầu bán cho Mỹ và tăng mạnh so với mức 400.000 thùng/ngày hồi tháng 2-2012. Trước khi ông H.Chavez lên nắm quyền vào năm 1999, Venezuela không bán dầu cho Trung Quốc, nhưng ông H.Chavez đã tuyên bố đến năm 2015, lượng dầu xuất khẩu của Venezuela cho Trung Quốc sẽ tăng lên 1 triệu thùng/ngày. Bên cạnh đó, Caracas còn phát triển quan hệ tốt với nhiều quốc gia và mua số lượng lớn vũ khí Nga. Tất cả những động thái đó khiến "dấu chân" của Mỹ tại quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới này ngày càng mong manh.
Sau khi Tổng thống N.Maduro lên nắm quyền, Tổng thống Barack Obama đã từng tuyên bố hy vọng về một "mối quan hệ xây dựng" với Venezuela sau nhiều năm căng thẳng. Thế nhưng cho đến nay, mối quan hệ giữa hai quốc gia này dường như chưa có những chuyển biến thực sự tích cực.