Chưa nghiêm vì thiếu tiêu chí

Đời sống - Ngày đăng : 06:37, 05/10/2013

(HNM) - Rất kỳ vọng, song nhiều người dân khi đọc dự thảo lại chưa thực sự tin tưởng vào tính khả thi của một số cơ chế được đề cập.



Người dân chưa tin tưởng trong vấn đề được coi là đặc biệt nhạy cảm này không phải không có cơ sở. Bởi từ ngày 1-1-2010, thời điểm Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực, đến 30-7-2013, ngân sách nhà nước đã chi trả bồi thường cho người bị thiệt hại trên 28,2 tỷ đồng. Song, số tiền mà CBCC hoàn trả Nhà nước (do việc thực thi công vụ sai) chỉ vài chục triệu đồng, lại thực hiện rất chậm, chưa kể Nhà nước chưa thu được một khoản tiền hoàn trả nào trong lĩnh vực tố tụng.

Việc xử lý vi phạm, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương sẽ giúp cho CBCC ngày càng chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả. Ảnh: Bảo Kha


Thiếu rõ ràng, thậm chí mâu thuẫn với nhiều luật khác về thời hạn hoàn trả bồi thường, quy định thiệt hại do thu nhập thực tế của bị hại bị mất hoặc bị giảm sút nên đang có những công chức không biết về trách nhiệm bồi thường của mình theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Còn nhiều người dân cũng không thể vận dụng luật để bảo vệ quyền lợi của mình, dù có đầy đủ các loại giấy tờ để làm căn cứ chứng minh bị công chức gây thiệt hại. Thông tư do Bộ Tư pháp - TAND Tối cao - Viện KSND Tối cao - Bộ Nội vụ bắt tay xây dựng, dựa trên cơ sở Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, có nhiều điểm tiến bộ thì chắc chắn vẫn không thể "vượt" luật.

Theo Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thực hiện trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật người THCV trong lĩnh vực bồi thường Nhà nước, liên ngành thống nhất đề xuất: Đối với người THCV có lỗi vô ý gây ra thiệt hại, nếu số tiền bồi thường thực tế đã chi trả dưới 30 triệu đồng thì mức hoàn trả tối đa không quá một tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định hoàn trả. Nếu số tiền bồi thường từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì mức hoàn trả từ một đến hai tháng lương. Nếu số tiền bồi thường trên 100 triệu đồng thì mức hoàn trả tối đa không quá ba tháng lương. Đối với người THCV có lỗi cố ý gây ra thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, số tiền bồi thường dưới 100 triệu đồng thì mức hoàn trả từ 3 đến 12 tháng lương. Trường hợp số tiền bồi thường từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng thì mức hoàn trả từ 12 đến 24 tháng lương. Trường hợp số tiền bồi thường trên 500 triệu đồng thì mức hoàn trả từ 24 đến 36 tháng lương.

Song song với phạt tiền, hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đến giáng chức, cắt chức, thôi việc sẽ được áp dụng đối với công chức gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân tùy theo lỗi nặng hay nhẹ hoặc không thực hiện trách nhiệm hoàn trả dù đã được cơ quan có trách nhiệm bồi thường thông báo đến lần thứ ba… Hình thức kỷ luật nặng nhất là buộc thôi việc sẽ áp dụng đối với công chức bị phạt tù do có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại cho tổ chức, cá nhân và phải bồi thường.

Tuy nhiên, tất cả các hình thức nêu trên sẽ khó áp dụng nếu luật gốc chưa đưa ra các tiêu chí để xác định thế nào là hành vi được bồi thường Nhà nước, thay vì liệt kê các hành vi của một số văn bản pháp luật có liên quan. Trong khi, chỉ cách làm này mới bao quát được mọi hành vi của giới công chức, các cơ quan nhà nước và có thể xử lý được với bất cứ hành vi gây thiệt hại nào. Một bất cập nữa cũng cần được nghiên cứu, chỉnh sửa, đó là bản thân Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã quy định: Cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người THCV có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại. Như vậy, chưa quy rõ trách nhiệm của CBCC trực tiếp thực thi công vụ thì chưa tạo được tính răn đe, tăng trách nhiệm cho CBCC, lại dễ xảy ra kiện tụng khi so sánh các quy định hướng dẫn với đạo luật gốc.

Liên quan đến mức bồi thường, TS Nguyễn Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xét xử (TAND Tối cao) cho rằng, cần sửa đổi quy định về xác định mức hoàn trả theo hướng, mọi trường hợp người THCV có hành vi trái pháp luật do lỗi cố ý gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Có như vậy mới bảo đảm công bằng và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người THCV.

Cũng cần phải quy định, các tổ chức, cá nhân gây ra lỗi phải xin lỗi công khai người bị oan sai trên các phương tiện thông tin đại chúng, vì thiệt hại về tài sản dù không nhiều nhưng thiệt hại về tinh thần chắc chắn là rất nặng nề và đây là thứ thiệt hại rất khó đo đếm, dẫu rằng đã quy định cụ thể các mức bồi thường.

Có lẽ, dù thông tư mới được thông qua cũng sẽ không giải quyết được những bất cập đang đặt ra. Vấn đề người dân mong muốn là các cơ quan tham mưu cần xem xét đề xuất với Quốc hội chỉnh sửa Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho phù hợp hơn với thực tiễn nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ CBCC.

Bách Sen