Khẳng định vị thế của nghề truyền thống Việt Nam
Du lịch - Ngày đăng : 06:41, 04/10/2013
Tính đến nay, đã có 305 gian hàng của 164 đơn vị đăng ký tham gia, liên quan đến 40 nghề truyền thống. Liên hoan không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh làng nghề, nghệ nhân, mà còn góp phần khai thác giá trị của làng nghề truyền thống nhằm phát triển du lịch.
Du khách tham quan làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng. |
Cho tới hôm qua 3-10, không gian triển lãm đã được thiết kế hoàn chỉnh, gồm khu vực triển lãm làng nghề, khu dành cho doanh nghiệp du lịch, khu vực dành cho các hãng hàng không, khu vực giới thiệu tinh hoa ẩm thực Hà Nội và các tỉnh, thành, khu vực tổ chức các trò chơi dân gian và một số hoạt động giải trí. Để tạo ra không gian mở gần gũi với chủ đề của liên hoan, Ban tổ chức đã quyết định tái hiện khung cảnh làng quê, chợ quê Việt Nam với chất liệu chính được sử dụng là tre. Cổng chào dẫn khách vào liên hoan được dàn dựng dựa trên ý tưởng về cổng làng Hà Nội xưa. Không gian sân khấu chính, nơi diễn ra lễ khai mạc và bế mạc liên hoan có sự mô phỏng nét đặc trưng của phố nghề, làng nghề Hà Nội và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng. Thậm chí, nơi cung cấp thông tin và giới thiệu về liên hoan cũng được làm bằng tre, theo mô hình nhà 3 gian 2 chái. Ngoài ra, một sân khấu hình bát giác đã được dựng ở trung tâm khu triển lãm làng nghề, đó là nơi biểu diễn nghệ thuật, là nơi thao diễn tay nghề của các nghệ nhân.
Không chỉ bảo tồn, tôn vinh và phát triển làng nghề, liên hoan cũng là dịp thích hợp để nhà tổ chức rung chuông cảnh báo trước những yếu tố tiêu cực đang làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh nghề truyền thống. Thực trạng tại một số làng nghề đã thành thương hiệu, được biết tới rộng rãi như nghề gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc… sẽ được phân tích tại buổi tọa đàm với chủ đề "Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch làng nghề, phố nghề truyền thống của Hà Nội". Tại đây, các chuyên gia du lịch và làng nghề sẽ nhận dạng tình hình thực tế, cân nhắc các yếu tố cơ bản gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển hình thức du lịch làng nghề cũng như thương hiệu làng nghề truyền thống Hà Nội, chẳng hạn như sự xuất hiện phổ biến của sản phẩm chất lượng kém có xuất xứ từ nước ngoài khiến du khách dễ bị nhầm lẫn, cách thức quảng bá sản phẩm làng nghề Việt Nam cũng như ý thức tạo dựng sản phẩm chuyên biệt dành cho nhu cầu phát triển du lịch làng nghề còn hạn chế...
Liên quan đến vấn đề nói trên, theo Phó Giám đốc Sở VH,TT& DL Hà Nội Mai Tiến Dũng, liên hoan sẽ tái hiện lễ rước tổ nghề gốm Bát Tràng, nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, nghề đan thúng mủng Ngũ Hiệp… mục tiêu là khơi dậy lòng tự hào của người dân làng nghề, tạo sự hứng khởi trong du khách đối với sản phẩm và nghề truyền thống. Với mục tiêu đó, Ban tổ chức đã có giải pháp khuyến khích trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam, khuyến cáo các doanh nghiệp tham gia liên hoan duy trì tỷ lệ phù hợp giữa sản phẩm có xuất xứ từ nước ngoài và sản phẩm làng nghề truyền thống Bắc bộ, mục đích là làm nổi bật vị thế của sản phẩm trong nước. Các gian hàng được phân khu vực bày bán từng loại sản phẩm cụ thể, nhất thiết phải ghi rõ xuất xứ để tránh sự nhầm lẫn. "Chúng tôi muốn truyền một thông điệp tích cực về làng nghề truyền thống của ta trong mối quan hệ với phát triển du lịch, từ đó động viên, khuyến khích người kinh doanh, nhà sản xuất, nghệ nhân hướng về lợi ích lâu dài của việc duy trì và phát triển làng nghề chứ không chỉ là lợi ích cục bộ, trước mắt", ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo Ban tổ chức, dù yếu tố làng nghề mang tính chủ đạo tại liên hoan nhưng ngành du lịch Thủ đô vẫn muốn nhân sự kiện đặc biệt này để giới thiệu tinh hoa ẩm thực Hà Nội đến đông đảo người dân và du khách, nhất là khi mới đây, Tổ chức Kỷ lục Châu Á đã ghi danh 3 món ăn của Hà Nội là phở, bún thang, bún chả. Khu vực ẩm thực tại liên hoan hội tụ hơn 60 món ăn đặc trưng của Hà Nội và các tỉnh, thành. Tại đây, Ban tổ chức sẽ dành tặng cho khách tham quan những cuốn sách về ẩm thực Hà Nội...
Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2013 sẽ chính thức khai mạc vào tối 8-10 với một chương trình nghệ thuật đặc sắc. Trong những ngày diễn ra sự kiện, du khách sẽ được chứng kiến sự khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân làng nghề, những trò chơi dân gian hấp dẫn, chương trình giới thiệu sản phẩm du lịch địa phương, tham gia các hoạt động kích cầu du lịch, tìm hiểu các tour chuyên đề về phố nghề, làng nghề Hà Nội và các tỉnh Đông bằng sông Hồng. Đặc biệt, du khách sẽ được thưởng thức hương vị ẩm thực đặc trưng của đất Hà thành. |