Có cần làm mềm nước cứng?

Công nghệ - Ngày đăng : 06:09, 04/10/2013

(HNM) - "Nước cứng" là từ chỉ nguồn nước có chứa nhiều chất khoáng hòa tan, trong đó chủ yếu là Canxi (Ca2+) và Magie (Mg2+). Nước ngầm thường có độ cứng cao.



Nước cứng gây một số bất tiện như không dùng được trong nồi hơi vì canxi và magie tạo mảng cặn cách nhiệt, làm giảm hệ số cấp nhiệt, có nguy cơ gây nổ nồi hơi; không dùng để pha chế thuốc vì các chất trên có thể kết tủa, gây thay đổi thành phần thuốc; nấu thức ăn thì khó chín; giặt quần áo tốn xà phòng, không tạo nhiều bọt... Để làm "mềm" nước, người ta cho kết tủa canxi và magie rồi tách chúng ra, hoặc có thể làm theo cách đơn giản là đun sôi nước, chưng cất nước.

Một số phương pháp làm "mềm" nước:

Lọc RO (thẩm thấu ngược): Cho phép loại bỏ gần như tất cả các chất hòa tan và không hòa tan ra khỏi nước, nước lọc bằng phương pháp RO có thể coi là nước tinh khiết.

Trao đổi ion: Đây là phương pháp được dùng phổ biến nhất vì có giá thành rẻ. Nó thay thế các ion Ca và Mg bằng các ion Na qua quá trình trao đổi ion. Như vậy nước được làm mềm sẽ chứa muối Na thay vì muối Canxi hay Magie. Để tăng tuổi thọ và giảm tải lên các thiết bị RO, người ta cũng làm mềm nước bằng phương pháp trao đổi ion trước khi đưa nước vào lọc RO.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chưa có bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào cho thấy độ cứng của nước gây hại cho sức khỏe con người. Người ta chỉ ghi nhận là đôi khi, nước cứng làm thay đổi màu sắc và hương vị của thức ăn, đồ uống hoặc có người tin rằng nó tạo điều kiện cho các bệnh ngoài da phát triển. Nước cứng chứa các khoáng chất cần thiết cho sức khỏe, chỉ nên làm mềm nước khi thấy cần thiết và khi độ cứng quá cao. Cần có khuyến cáo về việc sử dụng nước được thay thế bằng muối Na đối với người cao huyết áp đang theo chế độ ăn kiêng.

Hiếu Nhung