Phân bón giả, kém chất lượng: Hiểm họa khôn lường
Kinh tế - Ngày đăng : 06:04, 03/10/2013
Vận chuyển phân bón tại Công ty Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao. Ảnh: Trung Kiên |
Vi phạm tràn lan
Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục QLTT, nhu cầu về phân bón của nước ta rất lớn nên nhiều đối tượng tìm mọi cách sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng nhằm trục lợi. Thủ đoạn phổ biến là các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ dùng nguyên liệu sản xuất từ đất sét, xỉ than, bột đá… không nằm trong thành phần phân bón, không có tác dụng. Đáng lo ngại, có nơi còn dùng cả những chất gây hại cho đất, cây trồng để phối trộn thành phân NPK. Sau đó, đóng bao bì, nhãn mác của các nhà sản xuất có tiếng để lừa người tiêu dùng.
Tại buổi đối thoại, ông Đặng Thanh Nhàn, ở thôn 2, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đăk Nông cho biết, vào giữa tháng 5, gia đình ông đã đến đại lý phân bón Thư Thủy tại thôn 1, xã Trường Xuân mua 3 tấn phân của Công ty cổ phần Vật tư tổng hợp và phân bón hóa sinh, địa chỉ ở ấp 5, đường số 8, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh với giá 42 triệu đồng để bón cho 3ha cà phê đang thời điểm phát triển trái non. Thế nhưng, sau khi bón 3 tấn phân trên, cây cà phê bị héo, trái non rụng nhiều, lượng phân bón còn bám gốc cà phê dù mưa lớn nhiều ngày cũng không tan.
Việc nông dân mua phải phân bón kém chất lượng, giả gây thiệt hại về kinh tế là thực trạng xảy ra ở rất nhiều các địa phương. Theo thống kê của Cục QLTT, từ năm 2012 đến 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng cả nước đã kiểm tra trên 5.300 vụ vi phạm về phân bón, xử lý 1.390 vụ, tịch thu trên 917 tấn phân bón các loại. Ông Đỗ Thanh Lam xác nhận: Đó mới chỉ là con số kiểm tra và thống kê được. Số vụ vi phạm không được phát hiện còn rất nhiều.
Khó kiểm soát
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT) cho biết, mặt hàng phân bón hiện có tới 5 bộ quản lý, gây chồng chéo. Dù tình trạng phân bón giả, kém chất lượng được phát hiện và xử lý nhiều, song do lực lượng thanh tra của ngành mỏng, ngoài ra thời gian chờ đợi kết quả kiểm nghiệm lâu nên việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể những vụ việc chưa đủ cơ sở thu giữ hàng thì đối tượng đã kịp tẩu tán ra ngoài. Ông Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cho rằng, mặc dù đã có Nghị định xử phạt đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón giả, song mức xử phạt quá nhẹ, không đủ răn đe.
Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại cho nông dân mà ngay cả những doanh nghiệp sản xuất phân bón chân chính cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp kỳ vọng dự thảo về Nghị định kinh doanh phân bón kiến nghị đưa mặt hàng này vào mục ngành kinh doanh có điều kiện là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn nạn này, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ thương hiệu của mình đồng thời từng bước xóa bỏ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ sản xuất hàng giả kém chất lượng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kinh doanh, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng, đồng thời tăng cường tuyên truyền giúp nông dân nhận biết hàng thật - hàng giả cũng như tác hại của phân bón giả, kém chất lượng...