Chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp
Xã hội - Ngày đăng : 06:19, 02/10/2013
Báo cáo hiện trạng môi trường cho thấy, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng 6.366 tấn/ngày, trong đó chất thải rắn sinh hoạt đô thị của 10 quận và thị xã Sơn Tây là 4.150 tấn/ngày; 18 huyện còn lại khoảng 2.300 tấn/ngày... Thế nhưng tỷ lệ rác thải được thu gom và xử lý tại các huyện ngoại thành chỉ đạt 75-80%; số còn lại tồn đọng ở một số nơi, chưa được xử lý kịp thời đã gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng tồn đọng rác thải là khu vực ngoại thành thiếu khu xử lý rác thải tập trung, trong khi đó năng lực tiếp nhận của các khu xử lý rác thải của thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, trung bình mỗi ngày Hà Nội thải ra môi trường khoảng 750 tấn chất thải rắn công nghiệp thì có khoảng 650 tấn chất thải rắn thông thường không nguy hại và khoảng 100 tấn chất thải công nghiệp nguy hại. Tuy nhiên, công tác thu gom chất thải rắn công nghiệp mới được từ 637 đến 675 tấn/ngày, đạt 85-90% và xử lý được từ 382-405 tấn/ngày. Đối với chất thải công nghiệp nguy hại, mới chỉ thu gom được từ 58 đến 78,4 tấn/ngày, chiếm khoảng 60-70%. Bên cạnh đó, trung bình mỗi ngày, thành phố còn phát sinh thêm khoảng 2.300-3.200 tấn chất thải rắn xây dựng và Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị (URENCO) thu gom được khoảng 790 tấn/ngày; các đơn vị, cá nhân khác thu gom, vận chuyển về bãi chôn lấp khoảng 600 tấn/ngày.
Hệ thống xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Bắc Thường Tín. Ảnh: Thúy Nga |
Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có 6/8 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động được đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung, đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường. Trong số 176 cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề được quy hoạch, có 49 cụm công nghiệp đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút khoảng 2.000 dự án đầu tư phát triển sản xuất, nhưng tất cả các cụm công nghiệp này đều chưa có trạm xử lý nước thải tập trung. Với 1.350 làng có nghề (trong đó 272 làng nghề đã được cấp giấy công nhận làng nghề), thiết bị, công nghệ đã lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hạ tầng kỹ thuật làng nghề thấp kém, nhất là hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom chất thải rắn xả thẳng ra môi trường xung quanh. Chính vì vậy, hầu hết làng nghề đang bị ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm rất nặng nề, đáng báo động; nguồn nước của hệ thống sông hồ đang bị suy thoái, cạn kiệt. Tình trạng lạm dụng quá mức các loại phân bón, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp... là những áp lực lớn trong công tác bảo vệ môi trường của Hà Nội hiện nay.
Xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường trên cơ sở đổi mới tư duy, cách làm, hành vi, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên là lựa chọn thông minh, bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tiếp tục phòng ngừa ô nhiễm, bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên, chống suy thoái, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống là vấn đề cốt lõi trong công tác bảo vệ môi trường của Thủ đô. Ngoài tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiểu biết, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý quyết liệt, giải quyết dứt điểm các vụ việc vi phạm, nhất là những vấn đề bức xúc về môi trường, việc thực hiện hiệu quả các đề án, dự án của thành phố như: Đề án bảo vệ môi trường sông Nhuệ - Đáy; xử lý nước thải sinh hoạt, làng nghề, bệnh viện; xử lý chất thải rắn, chất thải công nghiệp, xây dựng, y tế... là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phí, lệ phí môi trường và cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xử lý môi trường; hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý môi trường của thành phố, chú ý đến việc phân cấp và phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể; coi trọng việc phát động phong trào bảo vệ môi trường trong các tầng lớp nhân dân; xây dựng tiêu chí về bảo vệ môi trường và định kỳ đánh giá, kịp thời khen thưởng các cơ quan đơn vị, gia đình, làng, khu phố có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường; hợp tác với các tỉnh lân cận để giải quyết các vấn đề môi trường. Đồng thời triển khai, tìm kiếm, đề xuất các dự án hợp tác, tài trợ quốc tế về môi trường..., góp phần đắc lực khắc phục suy thoái, khôi phục và nâng cao chất lượng môi trường.