Tập trung huy động các nguồn lực xã hội

Đời sống - Ngày đăng : 07:09, 01/10/2013

(HNM) - Hà Nội hiện có khoảng 34.000 trẻ em dưới 16 tuổi sống tại 8 xã nghèo và các xã vùng dân tộc, vùng khó khăn, nhưng điều kiện cơ sở vật chất dành cho các em còn hạn chế. Mới có 62% số phòng học tại các xã dân tộc miền núi được kiên cố hóa, phòng học mầm non còn thiếu,

Nâng cao chất lượng cuộc sống và môi trường học tập cho trẻ em khó khăn, vùng dân tộc thiểu số Hà Nội là việc làm hết sức cần thiết. Ảnh: Nhật Nam



Nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ

Trước thực trạng trên, đề án "Bảo vệ, chăm sóc và phát triển trẻ em vùng dân tộc, vùng khó khăn trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015" ra đời đã huy động các cấp, ngành, cộng đồng tham gia giúp đỡ trẻ em đang sống ở những nơi còn khó khăn, thiếu thốn, để các em có cơ hội phát triển toàn diện. Mục tiêu chính của đề án là nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em vùng khó khăn, vùng dân tộc, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống và phát triển giữa trẻ em tại vùng khó khăn, vùng dân tộc với trẻ em nói chung của Hà Nội. Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với các xã nghèo, xã vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi, cung ứng các hình thức dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi giải trí, tư vấn trợ giúp pháp lý, rèn luyện kỹ năng sống... với nhóm trẻ thuộc các xã vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Theo đó, đến năm 2015 phải đạt được các mục tiêu: 100% các bậc cha mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em thuộc xã nghèo, vùng dân tộc được cung cấp kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, lợi ích của việc tạo điều kiện cho trẻ được học văn hóa tới hết bậc THPT; 100% số thôn, bản có nhà văn hóa, câu lạc bộ văn hóa; đầu tư nâng cấp phòng học, trang thiết bị giảng dạy cho 100% lớp học mầm non; đầu tư từ 1 đến 2 trường THPT tại các vùng khó khăn, dân tộc miền núi để đáp ứng 100% nhu cầu các em học sinh THCS được tiếp tục học THPT; 100% trẻ em trong các xã nghèo, trẻ em vùng dân tộc được hưởng các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe tại cơ sở y tế đạt chuẩn quốc gia; 70% trẻ em từ 13 tuổi trở lên trong các hộ gia đình nghèo, trẻ em vùng dân tộc được hỗ trợ học nghề…

Chú trọng truyền thông

Phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, trong giai đoạn từ năm 2011-2013, tập trung truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cộng đồng và trẻ em tại những vùng khó khăn, vùng dân tộc, miền núi về các chính sách liên quan đến trẻ em, xóa đói giảm nghèo. Song song với đó là đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, công trình văn hóa xã hội để tạo điều kiện cho trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và phát triển toàn diện trong môi trường tốt; xây dựng mô hình tư vấn pháp luật, tư vấn phát triển kinh tế gia đình và bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu và các công trình văn hóa xã hội dành cho trẻ em tại cộng đồng, tạo cơ hội cho các em được phát triển toàn diện. Từ đầu năm 2013 đến nay, đã có 60 lớp tập huấn được tổ chức với 3.000 người tham gia. Việc hỗ trợ miễn giảm học phí, miễn giảm các khoản đóng góp, hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, học bổng, mở rộng hình thức tín dụng ưu đãi; tổ chức dạy nghề, hỗ trợ kinh phí học nghề, tạo việc làm đầu tư xây mới và mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa thôn bản cũng được tiến hành đồng thời với hy vọng tạo được nhiều điều kiện nhất cho các em.

Dung Nhi