Bảo hiểm thất nghiệp: Điểm tựa cho lao động mất việc làm

Đời sống - Ngày đăng : 06:11, 01/10/2013

(HNM) - Qua hơn 3 năm thực hiện chính sách BHTN, đã giúp hàng nghìn người trên địa bàn thành phố Hà Nội giảm bớt khó khăn khi mất việc làm.

Làm việc cho một công ty tại Khu công nghiệp (KCN) Sài Đồng (Long Biên) hơn 3 năm nhưng vào tháng 6 năm nay chị Trần Thị Hạnh nhận được thông báo của công ty là cắt giảm LĐ vì làm ăn thua lỗ. Nhờ tham gia BHTN nên trong 6 tháng chờ xin việc, mỗi tháng chị nhận được trợ cấp thất nghiệp hơn 1,5 triệu đồng. Chị nói: "Trong khi chưa tìm được việc làm mới, khoản tiền này giúp tôi chi tiêu các khoản trong gia đình". Chị Nguyễn Thị Diệu, xã Tản Hồng (Ba Vì) chia sẻ: "Tôi bị mất việc làm từ đầu năm nay nhưng nhờ tham gia BHTN nên mỗi tháng cũng được hơn 1 triệu tiền trợ cấp. Trong khoảng thời gian đi xin việc mới tôi lấy tiền này để trang trải cuộc sống".

Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cần tích cực tham gia BHTN nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động khi bị mất việc làm. Ảnh: Hùng Huy


Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 110.000 doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng tham gia BHTN. Từ đầu năm 2013 đến nay, đã có hơn 12.000 người đăng ký thất nghiệp, trong đó có 10.185 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, 9.656 người đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền trên 132 tỷ đồng; gần 600 người được hỗ trợ học nghề với số tiền trên 700 triệu đồng. Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng LĐ việc làm, Sở LĐ-TB&XH khẳng định: Chính sách BHTN ngày càng được hoàn thiện theo hướng có lợi cho người LĐ. Thời gian đăng ký thất nghiệp trước đây chỉ có 7 ngày, hiện nay tăng lên 30 ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho người LĐ đăng ký thất nghiệp. Mặt khác, sau khi đăng ký thất nghiệp, người LĐ sẽ được tư vấn giới thiệu việc làm, quyền lợi của họ vẫn được bảo đảm và sẽ được bảo lưu trong sổ bảo hiểm xã hội. Để tạo thuận lợi tối đa cho người LĐ, Sở LĐ-TB&XH đã bố trí 7 điểm tiếp nhận đăng ký BHTN.

BHTN là chính sách có ý nghĩa thiết thực đối với người LĐ. Tuy nhiên, đáng tiếc là mới có 18.019/110.000 doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng tham gia BHTN. Như vậy, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHTN cho người LĐ hoặc ký hợp đồng LĐ ngắn hạn với mức thời gian là 6 tháng để "né" luật. Bên cạnh đó, sự thiếu hiểu biết của người LĐ cũng khiến họ thiệt thòi. Trường hợp của anh Nguyễn Văn Sơn (Gia Lâm) là một ví dụ. Hơn 2 năm làm việc tại một công ty tư nhân, tháng 5-2013, anh bị mất việc do công ty gặp khó khăn. Khi được hỏi sao không đăng ký hưởng BHTN trong thời gian chờ việc làm mới, anh Sơn cho biết: "Tôi đã hỏi cán bộ Phòng LĐ-TB&XH của huyện, trường hợp của tôi không đủ điều kiện để tham gia và hưởng BHTN vì làm việc cho một công ty gia đình quy mô nhỏ. Trong khi đó, theo quy định chỉ những LĐ có hợp đồng từ 12 tháng trở lên và làm việc trong những doanh nghiệp sử dụng từ 10 LĐ trở lên mới được tham gia BHTN". Ngược lại, chị Lê Thị Mai làm việc tại một doanh nghiệp dệt may tại phường Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng) đáng lẽ được hưởng BHTN nhưng tự đánh mất quyền lợi của mình. Gắn bó với công ty hơn 10 năm, khi bị mất việc, chị Mai cũng chẳng biết mình được hưởng quyền lợi BHTN. Đến khi có người mách, chị đi đăng ký làm hồ sơ thì đã hết thời hạn…

Với mục tiêu hỗ trợ người LĐ bị mất việc ổn định cuộc sống, có điều kiện học nghề và tìm việc làm mới, BHTN đang là phao cứu sinh cho LĐ thất nghiệp. Chính vì vậy, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và người LĐ cần tích cực tham gia, nhằm giảm bớt khó khăn cho người LĐ khi mất việc, góp phần bảo đảm cuộc sống cho họ. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền tích cực hơn nữa để người LĐ hiểu về lợi ích của BHTN, chủ động tham gia và hưởng quyền lợi nếu chẳng may bị mất việc làm.

Nguyên Hoa