Cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế: Quá nhiều lỗ hổng

Xã hội - Ngày đăng : 06:36, 30/09/2013

(HNM) - Qua rà soát tại 43 tỉnh, thành phố trong thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát hiện có tới hơn 800.000 thẻ Bảo hiểm y tế bị cấp trùng.

Mạnh ai nấy cấp

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, tại 43 tỉnh, thành phố, kể từ năm 2010 đến 2012 đã có gần 800.000 thẻ BHYT bị cấp trùng. Số thẻ này tập trung ở nhóm đối tượng được cấp phát thẻ miễn phí như trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người có công, thân nhân sĩ quan quân đội, công an… "Chính vì có nhiều nhóm nên có thể một người cùng lúc thuộc 3-4 diện được cấp thẻ. Chẳng hạn, có người cùng lúc thuộc diện dân tộc thiểu số, là người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi có bố hay mẹ công tác trong lực lượng công an, quân đội..." - ông Nguyễn Minh Thảo dẫn chứng. Theo cơ quan quản lý, một số tỉnh, thành phố có số thẻ BHYT cấp trùng nhiều là Thừa Thiên Huế, Sơn La, Bình Định, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… 

Bà Võ Thị Đáo ở xã Bình Tân, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) được cấp trùng cùng lúc 2 thẻ BHYT. Ảnh: Trí Tín


Bình Định là nơi có hơn 17.600 trường hợp trùng thẻ BHYT. Ông Phạm Mai, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Định cho biết, từ năm 2010 đến 2012, toàn tỉnh đã cấp trùng trên 25.500 thẻ BHYT, trong đó có hơn 17.800 người được cấp 2 thẻ, 539 người được cấp 3 thẻ, 65 người có 4 thẻ, cá biệt có trường hợp được cấp tới 6 thẻ. Việc cấp trùng thẻ BHYT gây lãng phí rất lớn cho ngân sách nhà nước, ước khoảng 8 tỷ đồng.

Nguyên nhân của tình trạng cấp trùng thẻ BHYT là do có quá nhiều cơ quan, ban, ngành được quyền tham gia vào việc lập danh sách các đối tượng chính sách. Thực tế cho thấy, hiện nay, đối tượng người nghèo, trẻ em thì do UBND xã lập danh sách; cựu chiến binh do Hội Cựu chiến binh lập; danh sách thân nhân sĩ quan quân đội được lập theo hệ thống cơ quan quân sự. Danh sách lập ra không thống nhất từ một đầu mối nên không thể rà soát được các đối tượng. Về nguyên tắc, khi cơ quan BHXH nhận được danh sách có đóng dấu, ký tên của thủ trưởng cơ quan, tổ chức đã được luật và các văn bản hướng dẫn quy định thì phải cấp thẻ. Dĩ nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện cũng có quy định rà soát lại thẻ BHYT nhưng do hạ tầng công nghệ thông tin của hệ thống BHXH Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu nên không thể loại được hết số thẻ trùng. "Ngay trong quá trình phân loại, dù phát hiện có sự trùng về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, thậm chí là thông tin về quê quán giống nhau thì cũng không có đủ cơ sở pháp lý xác định hai người là một. Bởi thế nên chưa thể loại hẳn tình trạng cấp nhiều thẻ cho một người"- ông Nguyễn Minh Thảo giải thích.

Khó thu hồi cả tiền lẫn thẻ

Với những người được cấp trùng thẻ, đại diện BHXH Việt Nam sẽ lựa chọn, nguyên tắc là đối tượng được giữ lại loại thẻ cho họ được hưởng quyền lợi cao nhất, còn những thẻ khác thì phải nộp lại. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, việc thu hồi số thẻ bị cấp trùng được cho là tương đối khó khăn bởi không phải người dân nào cũng có ý thức tự giác nộp lại số thẻ được cấp trùng. Trong khi đó, tại một số địa phương, tiền đã được thanh toán cho bệnh viện tính trên đầu số thẻ, không loại trừ số tiền này đã được tiêu hết nên phương án thu hồi tiền để trả lại ngân sách nhà nước là khó khả thi. Hiện nay, mệnh giá trung bình khoảng 500.000 đồng/thẻ, nếu nhân với khoảng 800.000 thẻ được cấp trùng thì chỉ riêng 2 năm qua, số tiền chi cho số thẻ cấp thừa lên tới hàng chục tỷ đồng. Nhằm hạn chế hậu quả xấu từ việc cấp trùng thẻ, theo ông Nguyễn Minh Thảo, khi rà soát được bao nhiêu thẻ trùng thì bảo hiểm sẽ hoàn trả lại ngân sách ngay, không có chuyện mất hay thất thoát. Tuy vậy, dù là có khả năng hoàn trả thì phải nhìn thẳng vào thực tế là việc cấp trùng thẻ ít nhất cũng gây lãng phí về tiền công in ấn, giấy tờ, chi phí kiểm tra, rà soát đối với hàng trăm nghìn thẻ đã bị cấp trùng...

Về giải pháp hạn chế rủi ro từ việc cấp trùng thẻ, có ý kiến cho rằng, người được nhận nhiều thẻ không thể cho ai khác mượn bởi khi dùng thẻ BHYT để khám, chữa bệnh thì phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân để đối chiếu với thẻ. Thế nhưng, thực tế cho thấy, khi một bệnh nhân có 2-3 thẻ BHYT trong tay, nếu họ dùng mỗi thẻ ở một bệnh viện thì vẫn có thể sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh quá mức cần thiết hoặc được cấp dư thừa thuốc men, gây lãng phí cho quỹ BHYT.

Về giải pháp tháo gỡ tình trạng cấp trùng thẻ, theo các chuyên gia, một trong những điều kiện tiên quyết là phải có được bộ mã định danh mới. Hiện nay, BHXH Việt Nam đang tổ chức lấy ý kiến về giải pháp cấp thẻ BHYT có ảnh. Theo dự kiến, chậm nhất là ngày 1-1-2014, cơ quan chức năng sẽ thực hiện phát hành thẻ BHYT có ảnh cho người tham gia BHYT. Đó có thể coi là công cụ quan trọng nhằm kiểm soát và hạn chế hành vi gian lận, phát hành trùng thẻ BHYT, sử dụng thẻ của người khác. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Minh Thảo, theo dự thảo sửa đổi Luật BHXH hiện đang được đem ra lấy ý kiến rộng rãi, UBND cấp xã là cơ quan đầu mối duy nhất có trách nhiệm lập danh sách người tham gia BHYT vì đây là cơ quan hành chính cơ sở trực tiếp quản lý người dân. Nếu điều khoản này được chấp nhận thì đó sẽ là giải pháp quan trọng, giúp hạn chế tối đa việc cấp trùng thẻ BHYT.

Song Ngọc