Món nợ của xuất bản
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:38, 30/09/2013
Theo như giới làm sách thì cả hai tập sách nói trên thực chất là nhật ký hành trình mà ở đó, cô gái này ghi lại những điều mình trải nghiệm sau những chuyến đi tới hàng chục quốc gia… Chuyện chỉ có thế. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu cuốn sách được phát hành một cách bình thường, ai thích thì mua về đọc, không thích thì bỏ qua.
"Xách ba lô lên và đi" tập 1 ra đời khá lặng lẽ, chẳng thấy ai phàn nàn. Truyền thông vừa phải và dư luận không cho thấy điều gì đặc biệt về nó. Tập 2 ra mắt độc giả sau đó chừng 8 tháng, lại có một đời sống khác hẳn. Ít ngày sau khi sách ra, trên mạng tràn ngập thông tin trái chiều, ý chủ đạo cũng là câu hỏi chủ đạo, là liệu tác giả có lừa dối bạn đọc khi kể những điều không xảy ra trong hành trình dằng dặc của mình?
Chỉ vài ngày sau khi xuất hiện câu hỏi nói trên thì phía xuất bản cuốn sách này tổ chức họp báo (!). Đó vừa là lễ ra mắt sách vừa là dịp để tác giả trả lời câu hỏi mà bạn đọc đặt ra. Sau buổi ấy, dư luận thêm một lần được đẩy lên, một phía bênh tác giả, một phía trưng thêm chứng cứ để khẳng định Nguyễn Thị Khánh Huyền… giỏi bịa. Thậm chí, có người còn "đơn thư" tới Cục Xuất bản, đòi phải có hình thức xử lý thích đáng, chẳng hạn như thu hồi cuốn sách nói trên. Sau "lá đơn" đó, báo chí thông tin rằng, Cục Xuất bản đã có văn bản yêu cầu phía xuất bản cuốn sách xem xét giải quyết vấn đề mà bạn đọc nêu... Chuyện đến đây thì không còn đơn giản nữa, bởi giờ đây người ta không thể để mặc bạn đọc muốn nghĩ gì thì nghĩ, mà phải trả lời câu hỏi đúng - sai liên quan đến nội dung của cuốn sách, như có thể hiểu sau khi có công văn của Cục Xuất bản.
Những ngày qua, dư luận đề cập một vấn đề đúng, đó là khẳng định sách là một loại hàng hóa đặc biệt, sách cung cấp thông tin sai có nghĩa là sách ấy thuộc dạng hàng giả, hàng kém chất lượng. Bạn đọc là người tiêu dùng, khi mua phải hàng kém chất lượng, quyền lợi chính đáng bị xâm phạm thì tất yếu phải được pháp luật bảo vệ. Ở một chiều khác, Nguyễn Thị Khánh Huyền và phía xuất bản sách được coi là nhà sản xuất, nếu thứ hàng hóa mà họ làm ra thực sự không có gì khuất tất thì phía gây ồn ào mắc tội vu khống… Tóm lại, trong việc này, điều cần nhất là phải làm rõ trắng - đen, không thể giải quyết một cách ù xọe được.
Hôm qua, trên mạng xuất hiện bài viết liên quan đến tác giả - tác phẩm "Xách ba lô lên và đi", nội dung không có gì mới, chỉ có phần minh họa là đáng chú ý. Tác giả bài viết đưa ảnh tác giả - tác phẩm ở một bên, bên kia là ảnh của người có "đơn thư" gửi cơ quan chức năng (như đã nói ở trên), giữa hai tấm hình là dòng chữ "Cục Xuất bản", ý chỉ Cục là người có trách nhiệm phân xử đúng - sai trong vụ việc ồn ào này. Nói lại chuyện này để thấy rằng cơ quan quản lý hoạt động xuất bản cũng đang chịu áp lực từ dư luận, trước yêu cầu làm rõ một việc giờ đã không còn thuộc phạm vi một cuốn sách cụ thể nữa.
Để giải quyết việc liên quan đến "Xách ba lô lên và đi" một cách sòng phẳng và đúng đắn, giúp dư luận hiểu đúng vấn đề, yên tâm với chất lượng xuất bản phẩm nói chung, thiết nghĩ cơ quan quản lý và các bên liên quan không thiếu gì giải pháp. Việc cũng không quá phức tạp, chỉ cần có cơ quan chuyên môn thẩm định kỹ lưỡng thông tin và ảnh mà tác giả đã sử dụng, công bố, tham khảo thêm thông tin về những tấm ảnh "bằng chứng" mà mới hôm qua cư dân mạng chỉ đích danh là sao chép…