Đưa hoạt động đoàn đi vào thực chất
Đời sống - Ngày đăng : 06:28, 29/09/2013
Mở rộng mô hình tập hợp
Một trong những đột phá của Thành đoàn Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng công tác đoàn thanh niên cấp phường, xã là đã chỉ đạo các cơ sở đoàn thành lập mô hình các câu lạc bộ (CLB) thanh niên lao động nhập cư (KT3), sinh viên, bí thư chi đoàn trên địa bàn dân cư... Sau hơn 3 tháng thực hiện, hàng trăm CLB được thành lập, tổ chức sinh hoạt và hoạt động theo chủ đề gắn với nhiệm vụ của tổ chức đoàn. Đơn cử như trong chiến dịch mùa hè thanh niên tình nguyện vừa qua, các CLB đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực: Hiến máu nhân đạo, tuyên truyền an toàn giao thông, văn minh đô thị…
Thanh niên tình nguyện Thủ đô tham gia hướng dẫn giao thông. Ảnh: Thái Hiền |
Bí thư Huyện đoàn Chương Mỹ Chu Văn Khang cho biết, từ tháng 7 đến nay, Huyện đoàn tập trung thành lập CLB "Sinh viên trên địa bàn dân cư" ở các xã: Đông Phương Yên, Trường Yên. CLB "Bí thư chi đoàn trên địa bàn dân cư" cũng được thành lập tại các địa phương, thu hút hàng trăm đoàn viên tham gia. Đây chính là lực lượng nòng cốt tham gia chiến dịch hè vừa qua, giữ gìn TTATGT tại các khu chợ trong giờ cao điểm, quét dọn vệ sinh, quét vôi tu sửa nghĩa trang liệt sỹ, các công trình di tích lịch sử. Đặc biệt, lực lượng này còn góp phần tổ chức thành công ngày hội "Chương Mỹ ngàn trái tim hồng" với hơn 1.500 đoàn viên, thanh niên, sinh viên tham gia hiến máu tình nguyện.
Là huyện điển hình về xây dựng nông thôn mới, Huyện đoàn Đan Phượng đã thành lập hàng loạt mô hình CLB thanh niên, trong đó cán bộ đoàn là nòng cốt. Tiêu biểu như CLB "Vườn trại hoa lan" của Đoàn xã Đan Phượng, mô hình "Cam Canh bưởi Diễn" của Đoàn xã Thượng Mỗ, mô hình "Cánh đồng hoa" tại xã Hạ Mỗ, xã Đồng Tháp và nhiều mô hình CLB doanh nghiệp trẻ, làng nghề xã Liên Hà… Các CLB không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương mà qua đó còn tập hợp đông đảo thanh niên tham gia hoạt động đoàn.
Tại quận Hoàng Mai, mô hình CLB Thanh niên lao động nhập cư KT3 tại khu dân cư Pháp Vân, phường Hoàng Liệt; CLB sinh viên của các phường Tương Mai, Tân Mai; mô hình sinh hoạt liên chi đoàn của phường Thịnh Liệt… mới ra đời nhưng đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo thanh niên. Các buổi sinh hoạt là dịp thanh niên, sinh viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công việc, học tập, chia sẻ kiến thức pháp luật, kỹ năng ứng xử, kiến thức xã hội… tạo nên sự gắn kết giúp nhau cùng tiến bộ.
Cách nào "giữ chân" thanh niên?
Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà từng khẳng định, tổ chức đoàn phải "cạnh tranh" thì mới tập hợp thu hút được thanh niên, chứ thụ động, ỷ lại sẽ bị chậm tiến so với nhu cầu của thanh niên. Lời khẳng định hoàn toàn xác đáng, bởi hiện nay tâm lý của đông đảo thanh niên muốn tìm kiếm những nơi vui chơi, sinh hoạt nhưng lại không muốn bị ràng buộc về mặt tổ chức, bị đánh giá xếp loại hằng năm. Vì vậy, muốn tập hợp được đoàn viên, thanh niên, tổ chức đoàn cần phải đổi mới hoạt động cho linh hoạt, hấp dẫn, sáng tạo, cập nhật thông tin, lắng nghe, chia sẻ thì mới cuốn hút người trẻ.
Trên thực tế, bên cạnh việc tích cực thành lập các CLB tại địa bàn dân cư để tập hợp đoàn viên thanh niên, các cấp bộ đoàn cũng nỗ lực tìm giải pháp để "giữ chân" đoàn viên, thanh niên. Bí thư Quận đoàn Hoàng Mai Nguyễn Ngọc Việt cho biết, Quận đoàn chú trọng tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ đoàn cơ sở và đặc biệt quan tâm công tác chi đoàn khu dân cư. Từ việc chỉ đạo Đoàn phường báo cáo Đảng ủy, phối hợp với các chi bộ tìm kiếm các cán bộ chi đoàn tâm huyết nhiệt tình đến việc quan tâm phát triển các mô hình mới… Quận đoàn đều rốt ráo. Huyện đoàn Đan Phượng thông qua tổ chức các phong trào, xung kích đảm nhận các công trình phần việc để phát hiện và lựa chọn cán bộ đoàn năng nổ, nhiệt huyết, có chuyên môn nghiệp vụ bổ sung cho nguồn cán bộ đoàn. Cán bộ nào phong trào nấy, phải có cán bộ tốt mới có phong trào hoạt động hiệu quả và như thế mới "giữ chân" được đoàn viên thanh niên.
Tập hợp đã khó nhưng "giữ chân" đoàn viên, thanh niên ở lại với các CLB còn khó hơn, vì vậy chưa thể khẳng định tính hiệu quả bền vững của các CLB. Ngoài nguyên nhân do khách quan mang lại, có thực trạng chung hiện nay cán bộ đoàn quá tuổi vẫn chiếm số đông, nhiệt huyết với công tác đoàn đã vơi đi rất nhiều. Nhiều nơi cán bộ đoàn phải tự xin kinh phí bằng quan hệ cá nhân, mượn địa điểm để sinh hoạt CLB, vì nhiều khu dân cư không có nhà hội họp, hoặc quá chật… Bởi vậy, để "giữ chân" đoàn viên, thanh niên, trước hết cần giải quyết được những bất cập nêu trên.