Tính dân tộc trong phim truyện Việt Nam: Nhiều nỗi lo không cũ

Văn hóa - Ngày đăng : 06:21, 29/09/2013

(HNM) - Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 18, đang tới gần. Có một số góc nhìn khác đặt ra rất đáng suy nghĩ, chẳng hạn như hai mặt của tính dân tộc trong phim truyện Việt Nam…


Nỗi lo phim "mỳ ăn liền" kiểu mới

Xin không bàn lại tầm quan trọng, giá trị và sức mạnh của tính dân tộc trong việc tạo dựng gương mặt điện ảnh Việt Nam trong lịch sử cũng như vai trò của nó đối với tương lai nền nghệ thuật thứ bảy của nước nhà. Chuyện phải nói ở đây là một thực trạng điện ảnh đang ở thế bung ra nhưng đầy biểu hiện dễ dãi, bỏ qua yếu tố bản sắc mà một thời từng là chuyện đương nhiên của người làm phim Việt Nam.

Cảnh trong phim “Long thành cầm giả ca”.


Nói như một đạo diễn gạo cội thì bây giờ ta mới nói nhiều tới bảo vệ bản sắc dân tộc trong điện ảnh, chứ trước đây chưa ai bàn tới vì chưa có nguy cơ nào đe dọa nó. GS Hoàng Chương, đại diện của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam nêu ví dụ: "Kịch bản văn học cho phim viết về cuộc sống con người Việt Nam nhưng lại phảng phất như chuyện xảy ra ở một nước nào đó ở phương Đông, phương Tây. Còn hình thức thể hiện cũng theo hành vi, lối sống của người nước ngoài thì làm sao có thể gọi là có tính dân tộc?". Và cũng theo ông, "những bộ phim mang tính dân tộc ngày càng ít, ngược lại dòng phim giải trí đơn thuần, mô phỏng nước ngoài ngày càng nhiều". Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh thì thẳng thắn: "Xu hướng thương mại đang thịnh hành trong điện ảnh Việt Nam hiện nay đã làm lu mờ tính dân tộc trong phim ảnh Việt Nam vốn có một thời. Nếu đem lồng tiếng Hàn, tiếng Thái, tiếng Hoa vào các phim đang thịnh hành, ta không còn nhận ra phim Việt nữa".

Quả thực là tuy không đánh đồng tất cả, nhưng con số phim được làm bằng sự chăm chút, với "chiều sâu tư tưởng, tâm hồn" của người nghệ sĩ thực sự không có nhiều, nếu không muốn nói là ngày một ít.

Còn nhớ phong trào phim "mỳ ăn liền" từng làm mưa làm gió một thời rồi nhanh chóng lụi tàn đầu những năm 1990. Thời điểm hiện nay, bằng một danh từ khác, truyền thông liệt những phim cốt câu khách này vào hàng "thảm họa". Và nỗi lo sự trở lại của một kiểu phim "mỳ ăn liền" mới là có thật. Nó có thật và làm hoang mang những người thực sự tâm huyết với điện ảnh, với công chúng, với những nhà tuyển chọn phim tham dự các kỳ cuộc giải thưởng điện ảnh khi đau đầu mà vẫn không chọn nổi lấy một bộ phim dự thi?

Phát huy tính dân tộc như thế nào?

Không thể bàn hết câu chuyện này trong một bài viết ngắn, nhưng ở đây nổi lên hai vấn đề: Tính dân tộc phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn với tính hiện đại, đồng thời chú ý tới biểu hiện hai mặt khi thể hiện tính dân tộc mà lại cản trở sự tiếp nhận của khán giả thế giới.

Vấn đề thứ nhất, theo ý kiến của TS Lê Thị Bích Hồng (Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo TƯ) thì tính dân tộc không phải là chăm chăm một tư duy làm phim cũ, luôn luôn "ta thắng, địch thua", mà phải là sự kết hợp nhuần nhuyễn với tính hiện đại để tăng sức biểu đạt của hình tượng, sức thuyết phục của tác phẩm.

Cũng như vậy, nhiều ý kiến cho rằng, tính dân tộc không chỉ nằm trong trang phục, bối cảnh mà đặc biệt phải nằm trong diễn xuất, nội dung tác phẩm. Và "một nghệ sĩ có ý thức về tính dân tộc trong sáng tạo không thể không quan tâm tới việc thường xuyên gắn sự nghiệp sáng tạo của mình với số phận nhân vật và đời sống của dân tộc".

Còn vấn đề thứ hai, như ý kiến rất đáng chú ý của nhà báo, nhà biên kịch Đoàn Tuấn thì: "Có rất nhiều biểu hiện khác trong phim của chúng ta mà ta hiểu nhưng bạn xem thì bạn không hiểu". Ông nêu ra nhiều phim truyền hình khá hay của ta khi mang sang hội chợ phim Hồng Kông bán thì không ai mua vì họ cho rằng đó là chuyện của ta chứ không phải chuyện của họ.

Khi tham gia Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ II năm 2012, nhà phát hành người Pháp gốc Việt Trần Bích Quân chia sẻ với Hànộimới: Những bộ phim với yếu tố văn hóa đậm nét, đặc thù khi phát hành ra nước ngoài ít nhiều đều gặp khó khăn vì sự tiếp nhận của khán giả quốc tế. Đây là điều thường thấy trong tất cả các nền điện ảnh thế giới. Nhưng tôi không nghĩ đó là một hạn chế. Một bộ phim đậm đà bản sắc dân tộc là rất quan trọng. Và đừng bao giờ nghĩ rằng một bộ phim dành cho công chúng nước ngoài xem là đi ngược lại quy trình sáng tạo (mà nguy cơ là sẽ dẫn tới sự giả tạo). Để hạn chế những khó khăn khi tiếp nhận, chúng ta có thể khắc phục bằng cách cung cấp thông tin cho khán giả.

Một ví dụ điển hình là bộ phim của Thổ Nhĩ Kỳ chiếu tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ II cũng đầy những bí ẩn về văn hóa, phong tục đối với người xem. Thậm chí đến cuối phim, khán giả trong đó có báo giới và cả nhà làm phim vẫn còn ngơ ngác vì tiếng súng nổ trong phòng cô dâu chú rể! Chỉ đến khi nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh, một chuyên gia về phim nước ngoài của Hội Điện ảnh Việt Nam phân tích thì người xem mới thấy nhiều điều thú vị.

Như vậy, chắc hẳn rằng, tính dân tộc là yếu tố sống còn cho mỗi bộ phim truyện Việt Nam, và nó cũng không có gì mâu thuẫn với tính hiện đại để làm nên một câu chuyện thuyết phục với khán giả cả trong và ngoài nước.

Thi Thi