Khi số liệu không chuẩn
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:59, 29/09/2013
Ngày 23-9, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo khoa học "Nhìn lại chặng đường phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và những điều chỉnh chiến lược". Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Quang Thái, Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam chia sẻ, nếu tính 3 năm gần nhất, GDP cộng từ các tỉnh thì kinh tế Việt Nam phải tăng trưởng 12,2%, thế nhưng tăng trưởng của cả nước chỉ dưới 6%. Ý kiến của ông Thái và các chuyên gia trong hội thảo khiến Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ băn khoăn: "Không biết GDP đi đâu?".
Cuối năm 2012, ngành ngân hàng công bố tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống là 12%, sau đó thanh tra ngành này lại công bố với báo giới là 8,6%, thế nhưng tại kỳ họp Quốc hội tháng 5-2013 con số tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 7,8%. Với bất động sản, hiện có bao nhiêu căn hộ ế ẩm? Số tiền đọng ở bất động sản là bao nhiêu? Có nhiều số liệu khác nhau nhưng thật khó tin vào số liệu nào. Mới đây, một nhà đầu tư bất động sản tại TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, số liệu về căn hộ ế ẩm và nợ bất động sản là ma trận!
Những con số báo cáo bị nống lên. Những số liệu của cùng một ngành cũng không thống nhất, mâu thuẫn hay số liệu công bố thấp hơn thực tế có thể do các đơn vị sử dụng phương pháp tính toán khác nhau. Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính cho rằng, nếu sử dụng phương pháp nào, chuẩn nào về mặt khoa học, cá nhân, đơn vị thống kê phải nói rõ. Song thực tế cho thấy các kết quả công bố chỉ số tăng trưởng của các tỉnh, hay tồn dư bất động sản... đều không nói rõ thống kê theo phương pháp nào. Tại cuộc hội thảo "Nhìn lại chặng đường phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và những điều chỉnh chiến lược", nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan rất băn khoăn và ông cho rằng nếu cứ căn cứ vào các con số này để phân tích thì đi đến đâu?
Theo quy định trong Luật Thống kê, cá nhân, đơn vị báo cáo phải chịu trách nhiệm. Nếu chúng ta thực hiện nghiêm quy định Luật Thống kê thì con số trong báo cáo buộc phải chính xác. Còn nếu cơ quan chức năng không kiểm tra, thanh tra và xử lý các cá nhân, đơn vị công bố số liệu không đúng thực tế thì vẫn còn nghi ngờ trong dư luận. Và khi số liệu không chuẩn, chắc chắn gây ra hậu quả tiêu cực khó lường cho việc hoạch định chính sách và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.