Bảo đảm an toàn cho người lao động: Cần có đạo luật riêng
Đời sống - Ngày đăng : 06:30, 28/09/2013
Tại Hà Nội xảy ra 57 vụ, làm 74 người chết và bị thương, so với cùng kỳ tăng 3 vụ và số người chết tăng 3 người. Vì sao các cơ quan chức năng có nhiều biện pháp kéo giảm TNLĐ, nhưng số vụ và số người chết vì TNLĐ vẫn tăng?
Ông Nguyễn Anh Thơ, Cục phó Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, mỗi năm cả nước có tới 160-170 nghìn người bị TNLĐ. Chỉ riêng hai năm 2011, 2012, xảy ra khoảng 6 nghìn vụ làm 600 người chết. Song đó chỉ là con số báo cáo, trên thực tế, số vụ TNLĐ và số người chết, bị thương vì TNLĐ cao gấp nhiều lần. Thiệt hại do TNLĐ lên tới hàng nghìn tỷ đồng/năm.
Trang bị bảo hộ lao động tốt sẽ giảm tối đa tai nạn và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Ảnh: Lê Tuấn |
Thực tế cho thấy, tình hình doanh nghiệp vi phạm về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) khá phổ biến. Theo thống kê, chỉ 37% doanh nghiệp thực hiện các chỉ tiêu cơ bản về quy định bảo đảm ATVSLĐ. Tại hội thảo góp ý dự thảo Luật ATVSLĐ do Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức gần đây, các chuyên gia nhận định, nguyên nhân gây TNLĐ chủ yếu do sự chủ quan, thờ ơ của chủ doanh nghiệp. Các lỗi vi phạm chủ yếu về làm thêm giờ quá quy định; không huấn luyện ATVSLĐ; không kiểm tra, tu sửa máy móc định kỳ; không kiểm định thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trước khi đưa vào sử dụng... Bên cạnh đó còn do nhận thức về ATVSLĐ của người lao động (NLĐ) hạn chế, ý thức tuân thủ các quy định lao động chưa cao. Ông Kiều Hùng, Trưởng ban Chính sách pháp luật LĐLĐ Hà Nội cho biết, nạn nhân chủ yếu là lao động phổ thông ký hợp đồng làm việc thời vụ (chiếm 40% tổng số vụ TNLĐ). Số này hầu hết ở các vùng quê lên thành phố kiếm sống, làm việc theo kinh nghiệm, thiếu kiến thức và ý thức về ATVSLĐ.
Ngoài ra, theo Cục An toàn lao động, chính sách và công tác quản lý về ATVSLĐ cũng còn nhiều bất cập. Cụ thể, hệ thống pháp luật về ATVSLĐ chồng chéo, được quy định trong nhiều văn bản pháp luật liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Hóa chất, các nghị định quy định về kinh doanh có điều kiện… Trong khi đó, Bộ luật Lao động chưa quy định đầy đủ và rõ ràng về các hoạt động cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực kiểm định, tư vấn, huấn luyện về ATVSLĐ... Những bất cập trên kéo theo hàng loạt hệ quả gây bức xúc cho NLĐ, tổ chức công đoàn (CĐ). Cụ thể là, hoạt động kiểm định, kiểm tra an toàn các loại máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ chưa được quản lý chặt chẽ, dẫn đến việc kiểm tra chiếu lệ. Những lỗ hổng về pháp luật đã "tiếp tay" cho vi phạm khi không ít doanh nghiệp mua kết quả kiểm định từ những cơ quan chuyên môn… Ngoài ra, việc chưa có bộ tiêu chí chuẩn xác về điều kiện hoạt động kiểm định, mô hình đào tạo kiểm định viên, dẫn đến kết quả kiểm định không phản ánh đúng thực chất. Trong khi đó, CĐ - tổ chức đại diện duy nhất bảo vệ quyền lợi cho NLĐ tỏ ra bất lực trước các vụ việc mất ATVSLĐ.
Ông Kiều Hùng cho biết thêm: Hiện chưa có quy định nào ghi nhận cán bộ CĐ là thành viên chính thức của đoàn điều tra TNLĐ. Khi TNLĐ xảy ra, cán bộ CĐ đến ghi nhận, bảo vệ doanh nghiệp đóng cửa không cho vào thì đành chịu hoặc khi công an đến hiện trường, thu giữ hết các tài liệu, chứng cứ về vụ việc, CĐ cũng chỉ biết chờ đợi. Ông Nguyễn Hữu Hòa, Phó Trưởng phòng Thanh tra ATVSLĐ, Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị, nhiều nội dung quan trọng về ATVSLĐ chưa được quy định trong Bộ luật Lao động hiện hành, vì vậy cần có một luật riêng về lĩnh vực này. Trong đó, luật cần quy định rõ việc tổ chức quản lý công tác ATVSLĐ; quản lý các cơ sở, cá nhân sản xuất, chế tạo các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; quỹ bồi thường, trợ cấp TNLĐ; văn hóa phòng ngừa…
Được biết, hiện nay dự thảo Luật ATVSLĐ đã được xây dựng và đang lấy ý kiến cơ quan chức năng để trình Quốc hội. Nhiều chuyên gia lưu ý là dự thảo luật cần mở rộng phạm vi điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện công tác thanh tra, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải cách tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra về ATVSLĐ. Điều cần thiết nữa là cần phải quy định CĐ cơ sở là thành viên tổ điều tra TNLĐ và có quyền giám sát việc thực hiện chi trả chế độ cho NLĐ vào luật.