Hỗ trợ việc làm cho quân nhân xuất ngũ: Chủ động định hướng “đầu ra”

Chính trị - Ngày đăng : 06:28, 28/09/2013

(HNM) - Mỗi năm trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 4.000 thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) và cũng từng đó người xuất ngũ về địa phương. Thực hiện chế độ, nhất là giải quyết việc làm để mỗi thanh niên yên tâm lên đường làm nhiệm vụ và có cơ hội cống hiến sau khi xuất ngũ về địa phương là công việc các cấp, ngành đã và đang quan tâm.

Một trong những thanh niên sau khi hoàn thành NVQS trở về địa phương tham gia nhiệt tình vào các hoạt động xã hội là anh Trần Anh Thắng, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. 18 tháng trong quân đội, Thắng đã không ngừng cố gắng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và vinh dự được kết nạp vào Đảng. Hoàn thành nghĩa vụ về địa phương, Trần Anh Thắng hăng hái tham gia các hoạt động đoàn thể và được phân công làm Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự phường Trần Hưng Đạo. Bằng nhiệt tình của tuổi trẻ và bản lĩnh vững vàng của người lính, anh nhanh chóng tạo được lòng tin đối với lãnh đạo địa phương và bà con trên địa bàn phường. Gặp Thắng trong ngày đầu về Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô học lớp đào tạo Chỉ huy trưởng hệ trung cấp, anh chia sẻ: "Thời gian quân ngũ tôi học hỏi được rất nhiều điều, nhất là tinh thần kỷ luật và ý chí vượt khó khăn. Nay được cử đi học lớp đào tạo cán bộ quân sự cơ sở sẽ là cơ hội tốt để tôi tiếp tục học hỏi, lĩnh hội kiến thức ở trường về áp dụng vào thực tế địa phương mình sao cho hiệu quả". Cách đây 3 năm, Trần Văn Tiến ở phường Phú Lương (Hà Đông) hoàn thành NVQS, được cán bộ Ban Chỉ huy quân sự quận tư vấn, Tiến đã dùng thẻ học nghề mà quân đội phát sau khi xuất ngũ để đăng ký vào học khoa Quản trị mạng tại Trường nghề số 18 (Bộ Quốc phòng). Sau 3 năm học, hiện nay Tiến đã tốt nghiệp và đã được một công ty máy tính nhận vào làm việc.

Thắng và Tiến là hai trong nhiều quân nhân sau khi xuất ngũ đã được tạo điều kiện có việc làm ổn định. Có một thực tế là phần lớn quân nhân xuất ngũ chưa qua đào tạo nghề. Vì vậy, những năm qua Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp phối hợp với các ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp thiết thực để tạo việc làm cho quân nhân xuất ngũ. Thượng tá Bùi Văn Tuấn, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận Hà Đông cho biết: Trước mỗi đợt xuất ngũ, Ban Chỉ huy quân sự quận đều phối hợp với các cơ sở dạy nghề gặp gỡ, tư vấn hướng nghiệp nhằm giúp quân nhân chuẩn bị xuất ngũ hiểu rõ chủ trương, chính sách của Bộ Quốc phòng; chế độ ưu đãi của các cơ sở đào tạo nghề cũng như kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp để học tập, lập nghiệp sau khi xuất ngũ. Đối với những thanh niên có quá trình rèn luyện, phấn đấu tốt trong quân đội, cơ quan quân sự tham mưu cho địa phương đưa vào quy hoạch, cử đi đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn cán bộ; những trường hợp còn lại tổ chức tư vấn học nghề… Cùng với Hà Đông, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã quan tâm giải quyết việc làm cho quân nhân sau xuất ngũ.

Qua rà soát, hằng năm toàn thành phố có khoảng 15% quân nhân xuất ngũ được quy hoạch làm cán bộ nguồn ở các địa phương; khoảng 40% được cử đi học, bổ sung vào lực lượng dự bị động viên; khoảng 30% đăng ký đi học nghề; số còn lại làm công nhân tại các doanh nghiệp và làm nghề tự do. Đại tá Nguyễn Mạnh Toàn, Trưởng phòng Quân lực, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết: Dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng theo đánh giá, tỷ lệ quân nhân sau khi xuất ngũ có việc làm ngay, thu nhập ổn định còn thấp, nhiều người chưa thực sự mặn mà với việc học nghề theo thẻ mà quân đội phát sau khi ra quân. Nguyên nhân một phần là do công tác tuyên truyền, định hướng của các ngành chức năng còn hạn chế; sự phối hợp giữa cơ quan quân sự địa phương với các cơ sở dạy nghề còn thiếu đồng bộ. Cùng với đó, do điều kiện kinh tế, nhiều thanh niên sau khi hoàn thành NVQS thường chọn ngay một nghề tự do để có thu nhập nên thiếu tính ổn định. Do vậy, bên cạnh sự năng động của mỗi thanh niên rất cần sự vào cuộc tích cực, chủ động hơn của các cấp, ngành và chính quyền địa phương trong việc định hướng "đầu ra", từ đó có biện pháp cụ thể hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm ổn định cho quân nhân xuất ngũ. Đây chính là hành động thiết thực giúp tân binh thêm yên tâm về tương lai của mình trước khi lên đường thực hiện nghĩa vụ đối với Tổ quốc.

Hiền Phương