Cần cơ chế đền bù hợp lý hơn khi thu hồi đất
Đời sống - Ngày đăng : 06:21, 28/09/2013
Đa phần đề xuất cho rằng Ban soạn thảo là Bộ Tài nguyên - Môi trường cần xây dựng cơ chế đền bù hợp lý hơn khi thu hồi đất. Đây đúng là vấn đề cấp bách vì theo thống kê, có đến gần 80% đơn, thư khiếu kiện tồn đọng, phức tạp kéo dài của người dân liên quan đến đất đai, trong đó phần lớn là không đồng tình với số tiền đền bù đã nhận được.
Trong khi đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lại không đề xuất giải pháp đột phá nào để tháo gỡ bất cập nêu trên. Chưa kể, quy định đền bù giá đất "phù hợp với thị trường" trong dự thảo mới chưa đầy đủ như Luật Đất đai năm 2003 và quá chung chung. Nguyên tắc hiện hành, "phù hợp với giá thị trường" không phải là thông số rõ cả về định tính và định lượng. Chưa kể, quan điểm của người dân và cơ quan quản lý về giá thị trường cũng vênh nhau. Điều này dễ dẫn đến việc giải thích và áp dụng tùy tiện của chính quyền địa phương, gây khó khăn cho chính quá trình đền bù giải phóng mặt bằng, thiệt hại cho cả nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi. Vì thế, nên chăng, ngoài quy định đền bù đất theo giá thị trường, việc thẩm định giá trên thị trường nên xã hội hóa để các cơ quan chức năng độc lập thực hiện. Như vậy mới phù hợp thông lệ quốc tế, tránh việc Nhà nước vừa đề ra giá đất, vừa là cơ quan thu hồi đất mà bấy lâu nay dư luận vẫn cho rằng như vậy là "vừa đá bóng vừa thổi còi".
Để việc triển khai dự án luật khả thi, việc xác định giá đất đền bù cũng nên áp dụng theo nguyên tắc đồng thuận của cộng đồng tối thiểu bằng 2/3 đồng thuận của cư dân trong cộng đồng đó. Vì trên thực tế, rất khó có dự án nào nhận được 100% ủng hộ của người dân về giá đền bù. Đây là nguyên nhân chính khiến công tác giải phóng mặt bằng bị chậm tiến độ, trong một số trường hợp cơ chế thỏa thuận bị tê liệt hoàn toàn. Cách làm này một số địa phương đề xuất từ năm 2004 và theo nhiều chuyên gia là khá tiến bộ, có thể phù hợp với Việt Nam nhưng đã nhiều năm qua, vẫn chưa được quan tâm xem xét áp dụng.