Hy Lạp: Bất ổn từ “bình minh vàng”
Thế giới - Ngày đăng : 05:48, 28/09/2013
Dù không ai thiệt mạng nhưng vụ nổ mới nhất bên ngoài trụ sở cơ quan thuế ở thủ đô Athens cho thấy, tình hình an ninh tại quốc gia bên bờ Địa Trung Hải ngày càng có chiều hướng phức tạp. Các phần tử cực đoan đang chuyển hướng tấn công vào các cơ quan ngoại giao cũng như trụ sở chính quyền.
Biểu tình bạo lực tại Hy Lạp là thách thức lớn với Chính phủ của Thủ tướng A.Samaras. |
Làn sóng biểu tình được châm ngòi sau khi cảnh sát Hy Lạp bắt giữ thủ phạm gây ra cái chết của nhạc sĩ kiêm nhà hoạt động chống phát xít Pavlos Fyssas, khi hắn khai nhận là thành viên của đảng cực hữu "Bình minh Vàng". Cơn thịnh nộ của những người biểu tình tiếp tục được thổi bùng lên sau khi có thông tin cho rằng một số nhân viên cảnh sát đã bao che và tiếp tay cho chính đảng được xem như một tổ chức phát xít mới này. Bất chấp lời phủ nhận của "Bình minh Vàng" và lời khẳng định của chính quyền rằng sẽ mạnh tay với các phần tử phạm tội, song người biểu tình vẫn tỏ ra không tin tưởng với thông báo làm trong sạch bộ máy cảnh sát của chính phủ. Những người xuống đường từ thủ đô Athens đến nhiều thành phố lớn khác của Hy Lạp như Thessaloniki, Patras, Xanthi, Larissa và trên đảo Chania mong muốn không chỉ những kẻ dính líu đến vụ giết người mà cả tổ chức cực hữu này phải bị kết án.
Không thể phủ nhận cái chết của nhạc sĩ kiêm nhà hoạt động chống phát xít 34 tuổi là nguyên nhân dẫn đến những cuộc biểu tình bạo lực đường phố kéo dài hơn một tuần qua tại Hy Lạp. Song nếu nhìn vào nội tình đất nước Hy Lạp thời gian qua cho thấy, đây chỉ là "giọt nước tràn ly". Để đổi lấy những khoản viện trợ của bộ ba chủ nợ quốc tế gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh Châu Âu (EU) và Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB), Chính phủ của Thủ tướng Antonis Samaras phải đẩy mạnh thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", với hy vọng tránh vỡ nợ và đưa nền kinh tế phát triển đúng hướng. Thế nhưng, mặt trái của chính sách khắc khổ này lại kéo theo một loạt hệ lụy khó tránh khỏi như tình trạng thất nghiệp tăng cao, trợ cấp an sinh xã hội bị cắt giảm, người dân luôn cảm thấy bất an với cuộc sống quá khó khăn… Đây là những nguyên nhân sâu xa khiến mọi biến cố tại xứ sở Thần thoại có thể lập tức dẫn đến những cuộc biểu tình rầm rộ.
Làn sóng biểu tình chống phát xít diễn ra giữa lúc Chính phủ của Thủ tướng Antonis Samaras phải đối mặt với không ít thách thức trong nỗ lực kiểm soát làn sóng bãi công diễn ra nhiều tháng qua nhằm phản đối chính sách khắc khổ để đổi lấy cứu trợ của Athens. Tình trạng bất ổn xảy đến vào thời điểm hết sức nhạy cảm khi đoàn thanh sát viên và kiểm toán của bộ ba chủ nợ quốc tế bắt đầu đợt kiểm tra nhằm đánh giá những tiến bộ của Hy Lạp trong thực hiện các cam kết ổn định lĩnh vực tài chính 3 năm qua. Đợt kiểm tra này dự kiến kết thúc vào cuối tháng 10 tới và sẽ đưa ra quyết định liệu có tiếp tục giải ngân khoản vay tiếp theo trị giá 1 tỷ euro (1,4 tỷ USD) nằm trong gói cứu trợ dành cho Hy Lạp hay không.
Kể từ năm 2010 đến nay Hy Lạp đã nhận tổng cộng 240 tỷ euro (325 tỷ USD) từ hai gói cứu trợ của EU và IMF. Để nhận được các khoản cứu trợ trên, Chính phủ Hy Lạp cũng phải "trả giá" bằng việc cắt giảm 4.000 việc làm trong khu vực công và thuyên chuyển 25.000 lao động khác trong khu vực công từ nay đến cuối năm 2013. Hiện tỷ lệ thất nghiệp lên tới mức kỷ lục 28% và số người nghèo không ngừng gia tăng trong 6 năm qua. Thế nhưng, Chính phủ Hy Lạp vẫn tiếp tục đối mặt với khoản thiếu hụt ngân sách khoảng 10 tỷ euro khi thời hạn chót của hai gói cứu trợ trên kết thúc vào năm 2014 nên buộc phải cầu cứu đến một khoản cứu trợ thứ ba.
Theo dự kiến của IMF, Hy Lạp sẽ cần khoảng 4,4 tỷ euro vào năm 2014 và thêm 6,5 tỷ euro vào năm 2015 để phục hồi nền kinh tế hiện nay. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Athens phải tiếp tục thực hiện triệt để các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" như cắt giảm lương hưu, tiền lương và việc làm... Và những cuộc biểu tình đường phố rất có thể sẽ tái diễn là điều khó tránh khỏi.