24 năm không làm xong sổ đỏ: Cơ quan quản lý đùn đẩy, dân khổ

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:41, 28/09/2013

(HNM) - Giữa một quận nội thành, 11 hộ dân được cơ quan chủ quản quyết định giao nhà từ năm 1989 nhưng đến nay, 24 năm đã qua họ vẫn chưa thể hoàn thiện thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.



Những chủ sử dụng đất giờ đây hầu hết tóc đã bạc, chân đã chậm nhưng hằng ngày vẫn miệt mài đi "gõ cửa" các cơ quan chức năng để mong lúc nhắm mắt, xuôi tay được cầm cuốn sổ đỏ mà yên tâm giao lại cửa nhà cho con cháu…

Khu tập thể đã 24 năm chưa có sổ đỏ.


Khu tập thể bị bỏ rơi!

“Đã trải qua năm đời bộ trưởng, tên bộ cũng đã thay đổi nhiều lần, trước là Bộ Điện than, Bộ Năng lượng và nay là Bộ Công thương, giờ chúng tôi lên văn phòng Bộ hỏi, không ai biết chúng tôi là ai, cũng chẳng biết khu nhà chúng tôi nằm ở đâu. Người ta bảo đã nhiều lần Bộ tách rồi nhập, trên giấy tờ không thấy ai bàn giao khu tập thể này cả. Vì vậy cho đến hôm nay, sau 24 năm, nhà chúng tôi vẫn chưa được cấp sổ đỏ dù đã đi nhiều cơ quan, nộp hồ sơ nhiều lần…” - Bà Đặng Vĩnh Tâm - Bí thư chi bộ Xã Đàn, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, chia sẻ với phóng viên.

Đó cũng là nỗi niềm chung của 10 hộ dân khác thuộc tổ 54, khu tập thể Xã Đàn 2, phường Nam Đồng khi phản ánh đến báo. Tìm hiểu vụ việc chúng tôi được biết, 11 hộ dân này đều là cán bộ, công nhân viên của Bộ Điện Than (cũ), trong đó hộ bà Tâm và một hộ nữa được Ban Kiến thiết nhân dân khu phố Đống Đa quyết định giao nhà từ năm 1979 và 9 hộ còn lại được Bộ giao nhà năm 1989. Mỗi gia đình được cấp một căn nhà tạm cấp 4, diện tích nhà ở là 14m2 và 4,5m2 bếp. Tất cả các hộ dân đều sinh sống ổn định từ đó đến nay, không tranh chấp với ai, nhập hộ khẩu thường trú và thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ công dân tại tổ dân phố 54, phường Nam Đồng. Cũng cần nói thêm rằng khu tập thể này phù hợp với quy hoạch là khu dân cư của quận Đống Đa, không nằm trong khuôn viên dự án nào cần phải thu hồi, giải phóng mặt bằng.

Thực hiện chủ trương của thành phố về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, từ năm 1995, 11 hộ dân đã nhiều lần kê khai theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, song đến nay vẫn chưa hộ nào được cấp sổ đỏ vì lý do “cơ quan chủ quản không bàn giao cho địa phương”. Sau nhiều lần người dân tìm đến nhờ xác nhận, ngày 23-3-2009, Văn phòng Bộ Công thương đã có văn bản gửi UBND quận Đống Đa, phường Nam Đồng, nêu rõ: “Trước đây các hộ dân tại khu tập thể Xã Đàn 2 đã được cơ quan Bộ Điện than phân nhà để ở. Nhưng thực tế nhiều năm qua các thời kỳ chia tách, sáp nhập các Bộ Điện than, Bộ Năng lượng và nay là Bộ Công thương, cơ quan đã không còn quản lý quỹ nhà đất đó nữa. Dãy nhà cấp 4 đã quá xuống cấp, các hộ đã tự cải tạo, sửa chữa, xây dựng lại để ở. Hiện nay Bộ Công thương không nhận bàn giao từ các bộ trên nên không lưu trữ hồ sơ, giấy tờ về toàn bộ diện tích nhà đất đã phân cho các hộ tại khu tập thể Xã Đàn 2, phường Nam Đồng. Nay các hộ có nhu cầu được cấp GCN quyền sử dụng đất ở, kính đề nghị UBND quận Đống Đa và UBND phường Nam Đồng xem xét hồ sơ giấy tờ nhà đất của các hộ trên và cấp GCN quyền sử dụng đất cho các hộ”.

Theo hướng dẫn của UBND phường Nam Đồng, năm 2010, các hộ dân lại một lần nữa thực hiện đăng ký kê khai xin cấp sổ đỏ. Đến ngày 4-5-2011, Phòng Tài nguyên - Môi trường Đống Đa đã có văn bản gửi UBND phường Nam Đồng về việc trả hồ sơ những trường hợp chưa đủ điều kiện để xét cấp sổ đỏ theo quy định, trong đó có hộ dân tại khu tập thể Bộ Điện than với lý do “Hồ sơ này nằm trong danh sách thống kê nhà cơ quan tự quản chưa thực hiện thủ tục bàn giao, đề nghị thực hiện đúng theo Quyết định 98/2009/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội”.

Càng kéo dài, người dân càng thiệt!

Khoản 2, Điều 5, Quyết định số 98/2009/QĐ-UBND về việc tiếp nhận nhà ở thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan tự quản bàn giao trên địa bàn, có quy định như sau: Các trường hợp là nhà ở cấp 4 tại các khu tập thể (kể cả trường hợp cơ quan tự hóa giá hoặc đã được phá đi xây dựng lại), nay không còn cơ quan quản lý (do sáp nhập, giải thể), UBND phường, xã, thị trấn xác minh và đề nghị UBND quận, huyện, thị xã ra quyết định tiếp nhận và tổ chức cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo quy định tại Nghị định số 61/CP ngày 5-7-1994 của Chính phủ và các quy định, chính sách có liên quan.

Đối chiếu quy định đó, nhận thấy mình hoàn toàn đủ điều kiện được cấp sổ đỏ, 11 hộ dân tiếp tục “gõ cửa” khắp nơi, lần này thì theo kiểu “mạnh ai nấy chạy”. Ngày 25-10-2011, UBND phường Nam Đồng đã xác nhận vào đơn đề nghị xin cấp GCN quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (Đơn đề nghị cấp GCN) của ông Nguyễn Văn Lùng - một trong 11 hộ dân: Hiện tại nhà đất của ông Nguyễn Văn Lùng sử dụng ổn định, không tranh chấp khiếu kiện. Theo phản ánh của ông Lùng, sau đó ông được hướng dẫn nộp hồ sơ tại Xí nghiệp Kinh doanh phát triển (KDPT) nhà Đống Đa. Ông đã nộp hồ sơ cho một cán bộ xí nghiệp nhưng không có giấy biên nhận. Theo hướng dẫn của cán bộ này, ông lại phải lên Văn phòng Bộ Công thương xin công văn chuyển 9 hộ dân về Sở Xây dựng. “Thương tình”, công văn ngày 2-11-2011 của Văn phòng Bộ Công thương có nội dung tương tự văn bản năm 2009 đã trích ở trên, duy chỉ phần “kính gửi” là thay đổi, được gửi đến Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Quản lý & Phát triển nhà Hà Nội, Xí nghiệp KDPT nhà Đống Đa. Nộp xong, ông lại được hướng dẫn phải chờ.

Đến tận ngày 10-6-2013, sau thời gian dài điều trị bệnh tuổi già, quá lâu không thấy được gọi, ông Lùng lại đến Xí nghiệp KDPT Nhà Đống Đa để hỏi. Lần này người ta chỉ ông vào bộ phận tiếp nhận HSHC và được cán bộ hướng dẫn… làm lại từ đầu.

9h ngày 30-7-2013, ông Lùng được ông Cù Quang Anh - Trưởng phòng tiếp dân - Sở Xây dựng và một số cán bộ Thanh tra Sở tiếp, đối thoại để làm rõ nội dung đơn thư. Ông Lùng trình bày nguyện vọng đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 10, Nghị định 60/CP ngày 5-7-1994 vì gia đình ông đã được cơ quan phân nhà từ năm 1989. Kết luận buổi làm việc, đại diện Sở Xây dựng khẳng định: “Nhà của ông Lùng thuộc sở hữu nhà nước, để làm thủ tục cấp GCN quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất thì phải mua nhà theo Nghị định 61/CP. Tuy nhiên đơn đề nghị mua nhà của ông Lùng ghi thời điểm 18-6-2013 nên việc mua nhà của ông sẽ được xem xét bán theo Nghị định 34/NĐ-CP ngày 22-4-2013”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Nghị định 34/NĐ-CP về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước có hiệu lực từ ngày 6-6-2013 có nhiều thay đổi. Điểm khác biệt lớn nhất của nghị định này là giá bán nhà bao gồm tiền nhà và tiền sử dụng đất, trong đó tiền sử dụng đất được tính theo bảng giá đất ở do thành phố ban hành hằng năm, có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký hợp đồng mua bán. Vì thế, người mua nhà thuộc sở hữu nhà nước theo quy định mới sẽ chịu mức giá cao hơn từ 8 đến 10 lần so với quy định tại Nghị định 61/CP. Thông tin này khiến ông Lùng, bà Tâm và nhiều người dân khu tập thể Bộ Điện than cũ choáng váng. Thiết nghĩ, trong việc thiệt thòi của 11 hộ dân khu tập thể Bộ Điện than cũ không thể không kể đến thái độ làm việc tắc trách, đùn đẩy của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà trên địa bàn. Đề nghị UBND quận Đống Đa, Thanh tra Sở Xây dựng, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Quản lý phát triển nhà Hà Nội kiểm tra, xem xét vụ việc trên nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.

Văn Ngọc Thủy