Đã thanh tra 40% số điểm tiêm chủng trên toàn quốc
Sức khỏe - Ngày đăng : 18:06, 27/09/2013
Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng ngày 27-9. Ảnh:ĐT |
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: tiêm chủng mở rộng (TCMR) mang lại lợi ích lớn, tuy nhiên cũng đã và đang tồn tại không ít khó khăn, bất cập, trong đó, vấn đề về tai biến do vắc xin đang trở thành một thách thức lớn đối với chương trình TCMR của ngành y tế. Trong thời gian tới, việc bảo đảm vắc xin an toàn, quy trình tiêm chủng bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và tìm hiểu cơ địa trẻ em là cần thiết, từ đó có thể giảm tối đa số ca tai biến ở trẻ sơ sinh do vắc xin.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ tiêm chủng, thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, với phương châm đặt mục tiêu an toàn trong tiêm chủng lên hàng đầu, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, triển khai toàn diện từ Trung ương đến địa phương. Đây là kế hoạch tổng thể bao gồm các hoạt động về thanh tra, kiểm tra toàn diện các điểm tiêm chủng trên toàn quốc; bảo đảm chất lượng vắc xin; tập huấn về tiêm chủng an toàn, khám sàng lọc, xử trí và đánh giá phản ứng sau tiêm chủng; truyền thông, tổ chức buổi tiêm chủng hợp lý và an toàn.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: “Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng” được triển khai từ tháng 8 – 12/2013 với mục tiêu tăng cường công tác an toàn tiêm chủng đảm bảo chất lượng tiêm chủng và đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em. Theo đó, tổng số các điểm tiêm chủng đã được thanh tra, kiểm tra là 6.655/16.609 điểm (chiếm 40%); trong đó, các điểm đủ điều kiện tại các khu vực là: khu vực miền Bắc có 3.814/4.295 điểm (chiếm 89%); miền Trung có 166/1.842 điểm (chiếm 9%); khu vực Tây Nguyên có 305/578 điểm và khu vực miền Nam có 1.337/1.616 điểm (chiếm 83%). Đồng thời, Sở Y tế và Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phối hợp với các Viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur đã tổ chức triển khai tập huấn cho hơn 20.000 cán bộ tiêm chủng và cán bộ khám sàng lọc, theo dõi, xác định chẩn đoán nguyên nhân và xử trí phản ứng sau tiêm.
Ông Nguyễn Văn Bình cũng chỉ rõ những tồn tại ở các điểm tiêm chủng qua đợt kiểm tra mới đây. Cụ thể, một số địa phương sắp xếp, bố trí điểm tiêm chủng chưa hợp lý; vẫn còn những cán bộ đã tập huấn trên 3 năm chưa được tập huấn lại, có những đơn vị tập huấn nhưng chưa cấp chứng chỉ; một số tỉnh thường tổ chức tiêm chủng vào ngày 25 hàng tháng nên số lượng trẻ được tiêm trong một buổi đông, khó kiểm soát; công tác giám sát của tuyến trên chưa thường xuyên, chủ yếu chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật...
Để hạn chế những sự cố tiêm chủng, Trưởng ban quản lý Dự án tiêm chủng mở rộng, GS.TS Nguyễn Trần Hiển khuyến cáo các bậc cha mẹ cần hợp tác với nhân viên y tế bằng cách thông báo đầy đủ tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng của trẻ trước và sau tiêm để kịp thời phát hiện các tình huống chống chỉ định hoặc tạm thời chưa tiêm. Sau khi tiêm cũng cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ sốt cao, khóc thét, bỏ bú… nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế.
Tại hội nghị trực tuyến, đại diện điểm cầu Cần Thơ đã đưa ra các kiến nghị như: Chương trình tiêm chủng mở rộng cấp thêm tài liệu truyền thông về tiêm chủng cho cơ sở; cấp thêm logtag (dụng cụ theo dõi nhiệt độ liên tục) trang bị cho các tủ lạnh chuyên dụng tuyến quận, huyện nhằm tăng cường công tác giám sát bảo quản vắc xin; mở lớp tập huấn cho các thành viên hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế của tỉnh, thành phố; trích một phần kinh phí của Chương trình tiêm chủng mở rộng thành lập Quỹ hỗ trợ các trường hợp tai biến sau tiêm.
Đại diện điểm cầu Ninh Bình cũng đã đưa ra các đề xuất như: Cấp bổ sung trang thiết bị dây truyền lạnh cho tuyến huyện, xã, định kỳ bảo dưỡng, sửa chữa dây chuyền lạnh cho các tuyến; cấp bổ sung kinh phí, sớm ban hành và cung cấp các tài liệu để tổ chức tập huấn cho cán bộ tiêm chủng, cán bộ khám sàng lọc, theo dõi, xác định chẩn đoán nguyên nhân, xử trí phản ứng sau tiêm chủng; tăng cường truyền thông cho cộng đồng về tác dụng, lợi ích và những nguy cơ gặp phải sau tiêm chủng; có hình thức cung cấp thông tin phản hồi kịp thời, chính xác về các trường hợp tai biến, tử vong sau tiêm chủng cho cộng đồng./.