Phát triển mô hình trường ĐH, CĐ ngoài công lập: Vẫn chờ cơ chế
Giáo dục - Ngày đăng : 06:02, 27/09/2013
Chập chờn trong tư duy
Nhìn lại chặng đường 20 năm hình thành và phát triển, ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ngoài công lập (NCL) thẳng thắn cho rằng: Ngay từ khi đề ra chủ trương xây dựng các trường NCL, chúng ta đã đặt ra hai sứ mạng lớn: Một là huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước hình thành các cơ sở đào tạo, đồng hành với các trường công lập, phát triển mạnh mẽ nền ĐH Việt Nam. Hai là, bằng cơ chế tự chủ cao và phải tự lực cánh sinh, xây dựng mô hình quản lý năng động hơn, hiệu quả hơn so với cơ chế quản lý có phần gò bó, trì trệ ở các trường công lập. Nhưng đến nay, các trường NCL đều làm chưa tốt hai sứ mạng đó. Theo ông Trần Hồng Quân; không phải là chưa đủ thời gian, mà là do còn chập chờn trong tư duy, vô cảm trong chỉ đạo.
Những khó khăn, bất cập của hệ thống trường ngoài công lập có trách nhiệm của cơ quan quản lý và mỗi trường. Ảnh: Trần Hải |
Chủ tịch Hiệp hội dẫn giải: Mặc dù nhiều chính sách hay, rất đúng đã được ban hành nhưng không được thực hiện trên thực tế, như: cấp đất sạch cho các tổ chức NCL, cho vay ưu đãi, miễn giảm thuế. Có nơi thẳng thừng đánh thuế doanh thu các trường NCL như đối với doanh nghiệp. Có nơi thì miễn thuế nhưng cũng bỏ luôn việc kiểm soát doanh thu và lợi nhuận bảo đảm quyền lợi người học. Nhiều lãnh đạo các trường cũng nhấn mạnh sự bất bình đẳng giữa trường công và trường NCL càng khiến cho các trường NCL gặp nhiều khó khăn hơn trong tuyển sinh, trong việc xây dựng và phát triển.
Lãnh đạo Hiệp hội thừa nhận trong tổng kết lần này còn "nợ" một số vấn đề, trong đó có việc chưa tổng kết đánh giá các mô hình sở hữu. Nguyên nhân là do các trường được coi như các doanh nghiệp, đều vì lợi nhuận. Ngoài ra, hiện nay tồn tại một mâu thuẫn lớn cần giải quyết là làm sao hạn chế nhà đầu tư có lợi quá lớn, nhưng vẫn hấp dẫn đầu tư. Chủ tịch Trần Hồng Quân cho rằng, chủ trương siết chặt lại quy mô của Bộ GD-ĐT càng làm cho mâu thuẫn này khó giải quyết, bởi nhà đầu tư không còn thấy hấp dẫn.
Lãnh đạo Hiệp hội cũng phân tích, chủ trương siết quy mô là sai lầm bởi ta đã đồng dạng giáo dục với kinh tế ở việc chuyển đổi cấu trúc từ chiều rộng sang chiều sâu. Kinh tế thì phải làm thế, vì năng lực đầu tư của ta hạn hẹp và nợ quốc gia lớn. Nhưng nếu giáo dục chỉ có nguồn lực từ Nhà nước thì sẽ khó mà phát triển, trong khi với các hình thức xã hội hóa thì sẽ khác.
Ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT cũng cho rằng cần phải đưa lại trong văn bản ở các cấp cao nhất chỉ tiêu 40% sinh viên là thuộc các trường NCL (hiện chỉ 12,7%), và phải coi phát triển trường NCL là giải pháp quan trọng, là đòn bẩy để cả hệ thống giáo dục ĐH phát triển. Việc hạn chế số lượng để bảo đảm chất lượng là trái với quy luật chung.
Còn chờ cơ chế
Ngoài kỳ vọng vào các chính sách, văn bản được ban hành trong tương lai gần, ông Trần Hồng Quân đưa ra 3 kiến nghị bức thiết cho sự phát triển của các trường NCL. Trước hết, đó là phải thực hiện các chính sách đã ban hành về ưu đãi đất đai, tín dụng và thuế với các trường NCL. Thứ hai là thực hiện Luật Giáo dục ĐH, giao quyền tuyển sinh cho các trường không kèm theo điều kiện, đương nhiên có sự giám sát của Bộ GD-ĐT. Thứ ba là cho các tổ chức ngoài nhà nước thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng độc lập. Hiệp hội cho biết đã chuẩn bị tương đối chín muồi, dù Bộ GD-ĐT đưa ra thời hạn là năm 2016 thành lập trung tâm kiểm định độc lập đầu tiên.
Phát biểu tại hội nghị, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thì cho rằng, những khó khăn, bất cập của hệ thống trường NCL có trách nhiệm của cơ quan quản lý, trực tiếp là Bộ GD-ĐT. Nhưng bên cạnh đó cũng là trách nhiệm của từng trường. Bà Nguyễn Thị Bình đề nghị chương trình đổi mới cần được quan tâm hơn nữa, đặc biệt là việc đào tạo sư phạm, coi đó là vấn đề cơ bản để phục vụ đổi mới giáo dục đào tạo.
Về phía Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã đề cập tới một số giải pháp mà Bộ đang xây dựng, thực hiện để bảo đảm công bằng giữa trường công lập và NCL. Theo đó, Bộ đang phối hợp xây dựng khung trình độ phù hợp với khung trình độ ASEAN, dự kiến đầu quý I-2014 sẽ hoàn thành. Tất cả các trường có thể căn cứ vào khung này để đào tạo để đáp ứng thị trường lao động. Đó là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội cho các trường tự khẳng định thương hiệu, thu hút đầu vào.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng có một số vấn đề lớn cần tập trung giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho hệ thống trường NCL. Đó là việc hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho toàn hệ thống. Sắp tới, Bộ sẽ soạn thảo nghị định về phân tầng, xếp hạng các trường ĐH, không phân biệt công - tư. Hiện Bộ đã cho thành lập một trung tâm kiểm định độc lập tại ĐH Quốc gia Hà Nội và đang hoạt động thí điểm. Ngoài ra, Bộ đang cùng các trường soạn thảo thông tư hướng dẫn chuyển đổi trường dân lập sang tư thục...