Xóa “bao cấp” trường công, phát triển mạnh trường ngoài công lập
Giáo dục - Ngày đăng : 20:37, 26/09/2013
Đi lên từ “tay không”
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26-9, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập (NCL)-VIPUA đã tổ chức Hội nghị đánh giá 20 năm hoạt động. Hội nghị đã chỉ ra những đóng góp của các trường CĐ-ĐH NCL cho nền giáo dục ĐH nước nhà cũng như phân tích những khó khăn, thách thức lớn mà các trường đang gặp phải.
Nhiều trường NCL có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại |
Theo GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch VIPUA, các trường ĐH-CĐ NCL là một trong những “sản phẩm” của chủ trương xã hội hóa (XHH) giáo dục đúng đắn, đầy triển vọng nhằm tạo ra những bước đột phá. “Từ cuối những năm 1980, đã có khoảng 15 trường NCL được mở ra. Lộ trình phát triển của lớp trường đầu tiên này là từ “tay không” bởi vào thời điểm đó chỉ có hai lựa chọn, hoặc không cho mở, hoặc mở bằng tay không. Và đến nay phần lớn các trường này đều đào tạo tốt, có cơ sở vật chất khang trang. Lớp trường NCL thứ hai thành lập sau này khi xã hội đã có điều kiện hơn. Nhiều trường chỉ sau 1-2 năm mở đã có cơ ngơi khang trang như ĐH Thành Tây, Đại Nam, Tân Tạo, Quốc tế miền Đông…” - GS Trần Hồng Quân nhận định
Sau 20 năm, hiện cả nước đã có đã có 83 trường CĐ-ĐH NCL, trong đó có hơn 30 trường đã hoạt động hiệu quả, góp phần tạo nên diện mạo mới của nền giáo dục nước nhà, tạo thêm nhiều cơ hội được học tập và tạo việc làm cho hàng chục vạn người. Theo GS. Trần Hồng Quân, bản thân các trường NCL đã thực hiện tốt 2 sứ mạng quan trọng là huy động lực lượng xã hội làm giáo dục và xây dựng mô hình ĐH năng động, sáng tạo, hiệu quả.
Hiện nay, số SV học tại các trường NCL theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga là 17%. Bộ nhận định, chất lượng đào tạo của một số trường NCL không thua kém gì các trường công lập. Điển hình như ĐH Thăng Long, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội... Điểm chuẩn của trường tương đương các trường công lập. Thứ trưởng Ga cũng cho rằng một số trường NCL có sức cạnh tranh lớn. Không phải lý do học phí mà SV vào học mà là do định hướng nghề nghiệp rõ ràng, tạo tiền đề cho tương lai tốt… tạo nên sức hút lâu dài, bền vững.
Vẫn còn… lay lắt
GS Trần Hồng Quân nêu ra thực trạng, trong những năm gần đây, SV vào các trường NCL ngày càng giảm xuống, hiện chỉ còn 12,7%. Tốc độ phát triển của các trường cũng chỉ bằng 1/3 các trường công lập. Ông cũng dự đoán, sang năm, tỷ lệ trên không phải là 12,7% mà còn thấp hơn nữa. Thực tế hiện nay đang hết sức khó khăn cho các trường NCL
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, có 3 khó khăn lớn nhất mà các trường NCL đang gặp phải hiện nay và cần bàn thảo để đưa ra hướng giải quyết trong hội nghị tổng kết 20 năm mà Bộ sẽ tổ chức trong thời gian tới. Thứ nhất là hoàn thiện thêm hệ thống cơ chế chính sách đối với các trường NCL. Thực tế, chính sách hiện nay đối với các trường NCL không đồng bộ, hệ thống văn bản liên quan chưa thật đầy đủ. Do đó, khó tạo được niềm tin cho nhà đầu tư cho giáo dục NCL.
Mùa tuyển sinh luôn là nỗi "ám ảnh" với nhiều trường NCL. Ảnh minh họa |
Thứ hai là tạo cơ chế cạnh tranh, sân chơi bình đẳng cho các trường trong toàn hệ thống. Bộ đang soạn thảo trình chính phủ hệ thống phân từng xếp hạng các trường không phân biệt công lập, NCL, miễn là đạt tiêu chí chất lượng, Hiện nay Bộ đã quyết định cho thành lập trung tâm kiểm định chất lượng độc lập đầu tiên.
Khó khăn thứ ba liên quan đến việc tuyển sinh. Hiện có nhiều trường tạo được uy tín, cạnh tranh tốt với các trường công lập như ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), ĐH Thăng Long, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội… Tuy nhiên, với nhiều trường mỗi mùa tuyển sinh luôn là nỗi “ám ảnh”. “Bộ sẽ lắng nghe ý kiến từ các trường một cách cầu thị để xử lý vấn đề này, giúp các trường tuyển sinh tốt hơn” 0 Thứ trưởng Ga nhấn mạnh.
Một khó khăn nữa của các trường NCL đó là cơ sở vật chất thiếu thốn, nhiều trường còn phải đi thuê trụ sở, chắp vá. Nội bộ một số trường, đặc biệt mới chuyển sang tư thục mất đoàn kết, kiện cáo nhau…ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
XHH ngay cả các trường công lập
GS Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng, Chủ tịch HĐQT ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã nêu ra những quan điểm thẳng thắn tại Hội thảo nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các trường NLC nói riêng cũng như phát triển hệ thống giáo dục ĐH nói chung.
Xóa bao cấp trường công và phát triển song hành trường NCL |
“Hiện nay chúng bao cấp cho tất cả SV trường công lập đến 70% học phí. Chưa kể nhà nước bỏ tiền ra để xây trường. Nếu cứ giữ bao cấp, chúng ta sẽ tiến lên bằng cách nào?” – GS Trần Phương nêu câu hỏi và theo ông, một giải pháp quan trọng nhất là tất cả các trường công lập đều phải yêu cầu phụ huynh học sinh đóng chi phí đào tạo cho con em, trừ một số ngành đặc biệt. Với những SV nghèo thì đã có chính sách cho vay. Học bổng cũng nên chỉ được cấp cho những SV có vai trò quan trọng về nghiên cứu cho đất nước, hoặc những ngành quan trọng.
GS. Phương cũng khẳng định không phải vì dân không có tiền cho con đi học. Ông ví dụ ngay tại trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, năm trước học phí của trường là 9 triệu/năm/SV thì có 5000 sinh viên vào học. Năm nay, do trượt giá, trường tăng học phí lên thành 9,6 triệu đồng/năm/SV nhưng vẫn có hơn 6000 sinh viên đến học.
Ngoài việc xóa bao cấp trường công, phải song hành phát triển mạnh các trường NCL. “Nhật Bản là nước kinh tế phát triển nhưng thống kê có đến 75-80% SV học ở ở các trường CĐ-ĐH NCL. Tỷ lệ này ở Hàn Quốc là 67%. Ở Malaysia có 600 trường ĐH NCL nhưng chỉ có 100 trường ĐH công lập” - GS Trần Phương nêu ví dụ để khẳng định con đường phát triển hệ thống trường NCL là cơ bản để phát triển giáo dục ĐH nước ta hiện nay.
Nhiều đại biểu cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng để đột phá giáo dục ĐH ở nước ta hiện nay không có cách nào khác là thực hiện thật tốt XHH giáo dục.