Hà Nội: Quyết liệt tăng thu ngân sách, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản

Kinh tế - Ngày đăng : 13:10, 26/09/2013

(HNMO) – Sáng 26/9, Thường trực Thành ủy-HĐND-UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III/2013 về tình hình thu chi ngân sách 9 tháng đầu năm...

.

Chủ trì hội nghị có Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Chủ tịch HĐND Ngô Thị Doãn Thanh.

Bí thư Phạm Quang Nghị phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.



Báo động việc thu ngân sách đạt thấp, chi chưa cao

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho biết: Năm 2013, bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, các nền kinh tế lớn và khu vực chậm phục hồi tăng trưởng; kinh tế trong nước tiếp tục đứng trước nhiều thách thức, SXKD gặp nhiều khó khăn, đơn hành giảm sút, hàng hóa là nguyên vật liệu và bất động sản tiếp tục trầm lắng và sức mua giảm. Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng tăng thấp, quý I tăng trưởng tín dụng dưới 5%, 9 tháng tăng trưởng mới chỉ đạt 3,5%; chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP tuy có tăng trưởng so với cùng kỳ song cũng chỉ ở mức 8,1-8,5%; đồng thời việc thực hiện một số chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó có miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, nên đã tác động nhiều đến công tác thu chi ngân sách của TP.

Theo đó, tổng thu NSNN trên địa bàn 8 tháng đầu năm thực hiện gần 80.000 tỷ đồng, đạt 49,5% dự toán, bằng 93,7 so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thu nội địa (không kể dầu thô) đạt 65.578 tỷ đồng (thu từ SXKD 48.448 tỷ đồng, từ tiền sử dụng đất 2.470 tỷ đồng…). Tổng chi ngân sách địa phương trong 8 tháng là 28.768 tỷ đồng, bằng 50% dự toán; trong đó chi đầu tư phát triển là 11.119 tỷ đồng (chi đầu tư XDCB 9.859 tỷ đồng, chi bổ sung vốn các quỹ của TP 1.250 tỷ đồng)…

Ước cả năm 2013, tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 120.672 tỷ đồng, đạt 74,7% dự toán HĐND TP giao (nếu tính cả số thu 16.105 tỷ đồng dự kiến đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xử lý thu cho TP Hà Nội, thu năm 2013 ước đạt 136,777 tỷ đồng, đạt 84,7% so với dự toán; trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 11.227 tỷ đồng, thu từ dầu thô khoảng 10.850 tỷ đồng, thu nội địa ước đạt 98.595 tỷ đồng.

Nhìn chung, mặc dù, Thành ủy, HĐND và UBND TP đã tập trung chỉ đạo; các cấp, các ngành, ngành Thuế đã nỗ lực, song thu ngân sách năm 2013 dự kiến đạt thấp so với dự toán được giao, trong đó số thu do cấp TP quản lý thu hụt lớn hơn so với số thu cấp quận, huyện, thị xã quản lý. Hệ lụy kéo theo là việc cân đối chi của ngân sách TP là hết sức khó khăn.

Nguyên nhân của tình trạng trên được UBND TP phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá do một số yếu tố. Một là, mặc dù tốc độ kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng nhưng kinh tế năm 2013 có nhiều khó khăn (8 tháng đầu năm 2013 có 10.226 DN đăng ký thành lập với số vốn 62.664 tỷ đồng, giảm 1% về số DN; đồng thời có 6.538 DN ngừng hoạt động; số nợ các khoản thu tăng so với năm 2012). Mặt khác, cơ cấu thu ngân sách TP Hà Nội có thu từ khu vực DNNN TƯ chiếm 42,4% tổng thu nội địa nhưng phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế của các tập đoàn lớn, 8 tháng thu từ các DNNN TƯ chỉ đạt 37,2% dự toán. Ngoài ra, tình hình trên còn chịu sự ảnh hưởng lớn của các ngân hàng, trong đó có khoản thu chênh lệch thu chi ngân hàng (dự toán năm 2013 là 12.000 tỷ đồng, nhưng thực hiện trong 8 tháng chỉ có 1.600 tỷ đồng).

Bên cạnh đó là việc TP thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn một số khoản thu theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 13/2012/NQ-CP, triển khai một số luật thuế có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, làm giảm thu ngân sách năm 2013 khoảng 7.924 tỷ đồng, trong đó giảm thu là 3.734 tỷ đồng và chuyển thu sang năm 2014 là 4.190 tỷ đồng.

Mặt khác, dự toán thu năm 2013, Chính phủ giao cao so với khả năng thực tế, dự toán thu nội địa (không kể tiền sử dụng đất và chênh lệch thu chi ngân hàng nhà nước), tăng 30,2% so với thực hiện năm 2012…

Xử lý nợ đọng XDCB: “Thuốc kháng sinh” đã nhờn?

Đáng chú ý, tại hội nghị, các đại biểu đề cập đến nhiều vấn đề xử lý nợ XDCB tại các quận, huyện, thị xã. Theo đó, tính đến 31/8/2013, toàn TP còn 11/29 đơn vị còn nợ XDCB, với tổng số tiền là 709,8 tỷ đồng (cao hơn thời điểm 31/12/2011) của 1.038 dự án (cấp huyện là 543 tỷ đồng của 608 dự án; cấp xã là 168,8 tỷ đồng của 430 dự án); trong đó, huyện nợ trên 100 tỷ đồng là Mê Linh 136,023 tỷ đồng (182 dự án), Phúc Thọ 107,270 tỷ đồng (271 dự án)… Một số huyện xử lý nợ tích cực là Thanh Oai, Ba Vì, Phú Xuyên, Sơn Tây…

Với tình hình nợ XDCB (chủ yếu là dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách xã theo phân cấp) được mổ xẻ nguyên nhân là do tình hình thu đấu giá đất gặp khó khăn, số thu đạt thấp, nhiều nơi tổ chức đấu giá đất không thành công nên ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn đầu tư XDCB và kế hoạch vốn dự kiến xử lý nợ XDCB của ngân sách huyện và xã.

Tham luận tại hội nghị, ông Lê Văn Hoạt – Phó Chủ tịch HĐND TP đánh giá: Về vấn đề nợ XDCB đang có chiều hướng gia tăng, thống kê từ TP và các quận, huyện chưa phản ánh hết tình hình nợ đọng XDCB (số liệu của cơ quan kiểm toán nhiều hơn). Các chỉ đạo của TP để xử lý vấn đề nợ đọng tuy đã tích cực triển khai nhưng đang như liều thuốc kháng sinh bị nhờn, cần phải tìm thuốc đặc trị.

Ý kiến từ bà Ngô Thị Doãn Thanh cũng cho rằng: Cần rà soát lại nợ XDCB để có con số chính sách từ quận, huyện, thị xã, TP…; trả nợ trên nguyên tắc nợ của cấp nào cấp đấy phải trả. Năm 2014, với tình hình khó khăn, TP không có khả năng trả nợ cho các quận, huyện.

Phấn đấu tăng thu, đảm bảo chi

Trước tình hình trên, trong các tháng cuối năm, để khắc phục tình hình hụt thu ngân sách, UBND TP Hà Nội dự kiến sẽ thực hiện một số biện pháp như: sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng, tiết kiệm 10% chi thường xuyên, sử dụng 50% dự phòng ngân sách cấp TP năm 2013…; phát hành trái phiểu Thủ đô để đảm bảo nguồn vốn đầu tư XDCB. Với các quận, huyện, thị xã, đối với số tiền thu sử dụng đất, trường hợp giảm so với dự toán có thể thực hiện cắt giảm hoặc giãn tiến độ thực hiện công trình, dự án được bố trí từ nguồn thu này.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhận định: Việc đảm bảo thu, chi ngân sách trong năm 2013 là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách của TP, nhất là trong bối cảnh SXKD gặp nhiều khó khăn. Với Thủ đô Hà Nội những yêu cầu đáp ứng cho TP là rất lớn, nhưng còn phải đảm bảo chuyển cho TƯ. Thu ngân sách của TP chiếm khoảng 20% thu của quốc gia, nên vấn đề tăng giảm có tác động lớn. TP đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp tăng thu ngân sách, tuy nhiên việc quản lý chi chưa tốt. Trong thời gian qua, TP cũng đã tích cực tháo gỡ khó khăn cho DN, nuôi dưỡng nguồn thu, đảm bảo an sinh xã hội.

Bí thư cũng nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay, TP đã hầu như không mua sắm xe công, trừ một số xe cứu thương…; không bố trí ngân sách xây trụ sở, sửa sang. Hai nhiệm kỳ qua, TP đã lùi thời điểm xây trụ sở cơ quan liên quan, giảm các lễ kỷ niệm, mít tinh; đi công tác trong và ngoài nước.

Theo Bí thư, việc điều hành ngân sách, UBND cần quyết liệt tăng thu ngân sách, chống thất thu, chống các hành vi chuyển giá. Các cơ quan thuế, quản lý thị trường tăng cường với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về Luật thuế mới, nghĩa vụ nộp thuế; Quản lý chi chặt chẽ; Tập trung ngân sách cho các nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cũng bày tỏ: 15 năm trước, Hà Nội đều thu vượt ngân sách, năm nay dự báo khó đạt kế hoạch. Theo UBND TP, phấn đấu năm 2013 thu ngân sách chỉ đạt 75% kế hoạch, sẽ là khó khăn cho cả Hà Nội và TƯ. Việc hụt thu ngân sách địa phương kéo theo hụt chi ngân sách 11.800 tỷ đồng. Bà Thanh cho rằng Hà Nội vẫn cần tích cực thu hơn nữa những khoản thu lệ phí, đất… Cần sự vào cuộc hơn nữa của hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ thu theo kế hoạch được giao. Cần dự báo sát số thu để có phương án chi.

Về cân đối ngân sách trong những tháng còn lại, bà Thanh đề nghị UBND TP, các quận, huyện phải rà soát các khoản chi chưa thực hiện, cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cần thiết; thu hồi những khoản chi chưa phân bổ. Với đề xuất của TP đề xuất phát hành trái phiếu công trình, trái phiếu Thủ đô khoảng 5.000 tỷ đồng cần cân nhắc hơn vì gây nên nợ công lớn.

Về định hướng dự toán ngân sách 2014, bà Thanh cho biết, Thường trực HĐND TP sẽ họp thống nhất để đưa ra trong kỳ họp HĐND TP lần thứ 5. TP cần tăng cường hơn nữa vấn đề kỷ cương trong điều hành ngân sách như: nợ đọng XDCB tăng, thu ngân sách không đạt, nhưng nhiệm vụ chi cũng chưa hoàn thành. Việc điều hành 100 tỷ đồng hỗ trợ cho DN gia tăng SXKD cần sử dụng hiệu quả hơn.

Lan Hương