Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp
Đối ngoại - Ngày đăng : 10:25, 26/09/2013
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Pháp; cùng Thủ tướng Pháp ký Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt -Pháp lên đối tác chiến lược; chào xã giao Tổng thống Pháp Phờ-răng-xoa Ô-lăng-đơ (Francois Hollande) và chứng kiến lễ ký một loạt các văn kiện hợp tác và thỏa thuận kinh tế quan trọng giữa hai bên; hội kiến và dự chiêu đãi của Chủ tịch Thượng viện Giăng – Pi-e Ben-lờ (Jean – Pierre Bel); Đối thoại với các doanh nghiệp hàng đầu của Pháp tại trụ sở Liên minh giới chủ Pháp; tiếp lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp và Hội hữu nghị Pháp – Việt; đặt vòng hoa tại tượng đài Hồ Chí Minh tại thành phố Mông-thơi (ngoại ô Pa-ri); khai trương Trụ sở mới của Đại sứ quán Việt Nam và gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Pháp. Trong khuôn khổ chuyến thăm, các Bộ trưởng và lãnh đạo các Bộ ngành của Việt Nam đã có nhiều hoạt động tiếp xúc trực tiếp với các đối tác Pháp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dâng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên Montreau, thành phố Montreuil |
Các cuộc hội đàm, tiếp xúc cấp cao đã diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và với nhiều kết quả quan trọng. Hai bên đã thông báo cho nhau tình hình mỗi nước, thảo luận và thống nhất những phương hướng và biện pháp lớn thúc đẩy hợp tác hai nước, đồng thời trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.
Lãnh đạo Pháp đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là những nỗ lực khắc phục khủng hoảng kinh tế trong thời gian qua; đánh giá Việt Nam có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đặc biệt có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển vượt bậc của quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và lâu dài giữa hai nước trong thời gian qua; cảm ơn Chính phủ và nhân dân Pháp đã dành cho Việt Nam nguồn ODA quan trọng, đưa Pháp trở thành nước đứng đầu châu Âu về hợp tác phát triển với Việt Nam. Phía Pháp thông báo thời gian tới sẽ ưu tiên ODA cho lĩnh vực bảo vệ môi trường cho Việt Nam, một trong năm nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Lãnh đạo cấp cao và giới doanh nghiệp Pháp hoan nghênh và đánh giá cao việc hai nước ký Tuyên bố chung chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, coi đây là sự kiện hết sức quan trọng, đánh dấu bước ngoặt nâng hợp tác hai nước lên một tầm cao mới, trên cả bình diện song phương và đa phương, đồng thời là một đóng góp quan trọng đối với việc tăng cường hợp tác giữa châu Á và châu Âu nói chung và giữa Cộng đồng ASEAN và Liên minh châu Âu nói riêng. 6 lĩnh vực hợp tác chiến lược ưu tiên được hai bên xác định là (I) chính trị - ngoại giao, (II) an ninh – quốc phòng, (III) kinh tế - thương mại – đầu tư, (IV) hợp tác phát triển, (V) văn hóa, giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học và tư pháp, (VI) bảo vệ môi trường. Hai bên nhất trí phối hợp xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động nhằm hiện thực hóa Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp.
Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, qua các kênh đảng, Nhà nước, Chính phủ, quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương và nhân dân hai nước.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trong việc tham gia vào các tổ chức quốc tế. Pháp cam kết ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016; ghi nhận và hứa xem xét ủng hộ Việt Nam ứng cử vào ECOSOC nhiệm kỳ 2016-2018 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Pháp cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với EU, nhất là về kinh tế và thương mại; ủng hộ EU sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng làm cầu nối để Pháp tăng cường quan hệ với ASEAN.
Về vấn đề Biển Đông, Pháp chia sẻ, ủng hộ lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (1982), thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký 10 văn kiện, thỏa thuận hợp tác cụ thể là: Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược giữa CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Pháp; Nghị định thư tài chính cho dự án trang thiết bị Bệnh viện đa khoa Cần Thơ (13,5 triệu euro); Ý định thư cho dự án trang thiết bị Bệnh viện đa khoa Cần Thơ (19,5 triệu euro); Thỏa thuận về trao đổi thông tin giám sát ngân hàng giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Cơ quan giám sát an toàn Pháp; Biên bản ghi nhớ giữa Cục xúc tiến thương mại và Cơ quan vì sự phát triển quốc tế của doanh nghiệp vừa và nhỏ Pháp – Ubifrance; Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Tập đoàn Vinci trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải theo hình thức hợp tác đối tác công – tư (PPP); Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Giao thông Vận tải với Tập đoàn Philipp Holzmann về việc thu xếp tài chính phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải tại Việt Nam; Ý định thư về việc mua máy bay Airbus A320 giữa Vietjet Air và Tập đoàn Airbus; Biên bản ghi nhớ về dự án Nhà máy điện và trạm cuối khí đốt Sơn Mỹ giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam và Tập đoàn khí đốt Pháp (GDF Suez) và Biên bản ghi nhớ về triển khai các giải pháp sinh trắc trong giao dịch ngân hàng giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tập đoàn Morpho (Pháp).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Lãnh đạo cấp cao Pháp và nhân dân đã dành cho đoàn Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, nồng hậu và thắm tình hữu nghị.
Sáng 26/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã rời Paris, lên đường tham dự Khóa họp 68 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Hoa Kỳ.