Tiềm ẩn căng thẳng mới

Thế giới - Ngày đăng : 06:35, 26/09/2013

(HNM) - Sau hơn 80 năm tồn tại, hoạt động của Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) tại Ai Cập đang đứng trước nhiều thử thách. Ngày 24-9, chính phủ lâm thời nước này đã trì hoãn việc giải thể MB cho tới khi kết thúc toàn bộ trình tự tố tụng đối với các thành viên của phong trào này.

Ai Cập đang đứng trước nguy cơ bất ổn mới.



Một ngày trước đó, tòa án Cairo về các vấn đề khẩn cấp đã ra lệnh cấm mọi hoạt động của MB, đồng thời yêu cầu đóng băng tài sản của tổ chức này. Lệnh cấm của tòa án cũng sẽ được áp dụng đối với bất cứ thực thể nào là phân nhánh hoặc trực thuộc MB. Đây là động thái mới nhất của chính quyền lâm thời Ai Cập nhằm làm suy yếu phong trào của những người Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Liên minh quốc gia ủng hộ sự hợp pháp do MB đứng đầu và gồm 33 chính đảng, tổ chức tham gia, liên tục tiến hành nhiều chiến dịch biểu tình, tuần hành và các hoạt động phản đối chính quyền tại nhiều địa phương của Ai Cập. Theo đánh giá của giới quan sát, hầu hết các hoạt động phản kháng của MB và Liên minh quốc gia ủng hộ sự hợp pháp đều đã thất bại khá nặng nề trước sự ứng phó của các lực lượng an ninh. Kể từ sau làn sóng biểu tình rầm rộ làm rung chuyển Ai Cập nhằm ủng hộ ông M.Morsi, lực lượng an ninh Ai Cập đã tiến hành bắt giữ hơn 15 nghìn thành viên hàng đầu của MB, trong đó có thủ lĩnh tối cao Mohamed Badie, trong khi nhiều trụ sở của tổ chức này trên khắp cả nước bị đốt phá.

Ngay sau phán quyết của tòa án Cairo, MB đã quyết định chuyển trung tâm truyền thông của mình tới London (Anh). Hiện MB đã có một văn phòng ở London đặt dưới sự chỉ đạo của ông Ibrahim Mounir, cựu thành viên Văn phòng Hướng dẫn của MB và là cựu Tổng Thư ký của Tổ chức MB quốc tế. Văn phòng này hiện phụ trách việc điều hành mọi hoạt động của tổ chức và là địa chỉ tiếp xúc với các nước phương Tây. Đồng thời, phong trào tuyên bố, phán quyết của tòa án Cairo là mang động cơ chính trị, khẳng định tổ chức này sẽ tiếp tục hiện diện tại Ai Cập như một phần không thể tách rời của xã hội Ai Cập. Ngay trong tối 23-9, MB đã quyết định đệ đơn kháng cáo quyết định của tòa án Cairo. Thủ lĩnh MB Mohamed Ali Bishr cho rằng tòa án này không đủ năng lực xét xử.

Ra đời năm 1928, MB được xem là một trong những phong trào Hồi giáo lâu đời nhất, có ảnh hưởng nhất trong thế giới Arab, với nhiều triệu thành viên và là tổ chức chính trị đối lập lớn mạnh nhất tại nhiều quốc gia Arab. Trong lịch sử hơn 80 năm tồn tại, tổ chức này nhiều lần bị đàn áp, tẩy chay khỏi đời sống chính trị do tư tưởng cực đoan. Tại Ai Cập, dưới chế độ của cựu Tổng thống Hosni Mubarak, giới lãnh đạo của MB cũng thường xuyên đối mặt với tù tội và bị giam giữ, nhưng tổ chức này vẫn phát triển khá mạnh. Với chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử đầu tiên "hậu Mùa xuân Arab", Tổ chức Anh em Hồi giáo nắm giữ vai trò lãnh đạo Ai Cập với việc ông M.Morsi, một thành viên của phong trào đắc cử tổng thống. Tuy nhiên, cuộc chính biến ngày 3-7 đã hạ bệ vị tổng thống dân cử đầu tiên tại xứ Kim tự tháp, đẩy quốc gia Bắc Phi chìm trong cuộc khủng hoảng vì các cuộc biểu tình quy mô lớn do MB phát động. Đây cũng là nguyên nhân khiến tòa án Ai Cập ra phán quyết cấm mọi hoạt động của MB.

Giới quan sát quốc tế lo ngại rằng, việc mạnh tay với MB rất có thể lại cuốn Ai Cập vào một vòng xoáy bất ổn mới khi tổ chức này đang nuôi tham vọng về một vai trò chính trị lớn hơn ở thế giới Arab và họ không dễ từ bỏ quyền lực. Sự phản kháng quyết liệt của MB và những người ủng hộ thời gian qua đã cho thấy điều đó. Do vậy, câu hỏi đang được đặt ra là liệu quyết định gạt bỏ vai trò chính trị của MB có giải quyết được tận gốc căng thẳng hiện nay ở Ai Cập hay ngược lại sẽ là nhân tố nảy sinh thêm những mâu thuẫn, bất ổn mới?

Trung Hiếu