Bài 2: Thiếu nhiều chính sách hỗ trợ

Kinh tế - Ngày đăng : 06:13, 26/09/2013

(HNM) - Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp nên chăn nuôi chiếm vị trí vô cùng quan trọng. Nhiều địa phương đã coi chăn nuôi là ngành kinh tế chủ lực để nâng cao đời sống người dân. Do đó, việc sản xuất ra vắc xin để phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu là yêu cầu cấp thiết.

Sản xuất được vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm là điều kiện quan trọng để chủ động kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: Đức Nghiêm


Theo các chuyên gia, sản xuất vắc xin trong nước đang có những bước tiến mạnh mẽ nhưng còn khó khăn do không sản xuất được các chủng loại quan trọng và phần lớn vẫn phải nhập khẩu. Do không chủ động được nguồn trong nước dẫn đến chi phí cho việc mua vắc xin bằng ngoại tệ thường cao do biến động tỷ giá. Để chủ động nguồn vắc xin và sử dụng kịp thời hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm (GSGC), Nhà nước cần có cơ chế, chính sách thích hợp, đầu tư thỏa đáng cho công tác nghiên cứu điều chế vắc xin phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.

Theo Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Thu Thủy, ngoài những chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì các cơ sở sản xuất vắc xin của Việt Nam cần tiếp tục được đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất hiện đại… Còn theo ông Nguyễn Hữu Vũ - Tổng Giám đốc Công ty HANVET, hiện công ty đang sản xuất và lưu hành trên 200 sản phẩm thuốc thú y, nhưng kỹ thuật áp dụng cho nghiên cứu và sản xuất chủ yếu vẫn là cổ điển, chưa tiếp cận và áp dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại nên chưa sản xuất được các loại vắc xin quan trọng. Để công ty có thể nâng cao chất lượng và sản xuất vắc xin thế hệ mới, cạnh tranh được với các sản phẩm nước ngoài, từng bước hạ giá thành sản phẩm, hướng tới thị trường trong nước và xuất khẩu, ngoài sự nỗ lực hợp tác của công ty, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp về các đề tài nghiên cứu, đào tạo kỹ thuật, mua dây chuyền công nghệ hiện đại mới cho hiệu quả.

Theo Hội Thú y Việt Nam, việc thực hiện các đề tài nghiên cứu về vắc xin đều thực hiện từ nguồn kinh phí ngân sách trong khi chưa có cơ chế chính sách rõ ràng đã và đang dẫn tới vướng mắc trong chuyển giao công nghệ, thiếu sự hợp tác giữa các nhà chuyên môn. Vắc xin tuy là một loại hàng hóa đặc biệt nhưng việc tư nhân hóa sản xuất đã được hầu hết các nước trên thế giới thực hiện từ lâu. Nhà nước chỉ cần có cơ quan giám sát và kiểm soát chất lượng với cơ chế hoạt động thích hợp. Ngoài ra, Nhà nước cần quan tâm xây dựng cơ sở vật chất cho các đơn vị thú y tỉnh, thành phố, huyện, xã nhằm đủ điều kiện bảo quản nguồn vắc xin. Trên thực tế, các trung tâm này hiện nay chỉ biết tin vào công ty nhập khẩu còn đánh giá về chất lượng vắcxin như thế nào vẫn phải do cơ quan nhà nước tiến hành.

Ông Nguyễn Văn Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Thú y cộng đồng cho biết, hiện Nhà nước đang có chương trình sản xuất vắc xin trọng điểm với kinh phí 1.000 tỷ đồng dành cho cả sản xuất vắcxin thú y và y tế. Các đơn vị sản xuất vắc xin trong nước (bao gồm cả cơ sở nhà nước và tư nhân) đang được hưởng chính sách ưu đãi này, như Công ty Thuốc thú y RTD, với kinh phí trên 10 tỷ đồng đang nghiên cứu sản xuất vắcxin lở mồm long móng; Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội đang nghiên cứu sản xuất vắc xin tai xanh; Công ty HANVET cũng đang có các công trình nghiên cứu về sản xuất các loại vắc xin quan trọng… Hy vọng thời gian tới, các đề tài nghiên cứu của các doanh nghiệp sẽ có kết quả cao và các trung tâm chăn nuôi trong nước sẽ không phải nhập khẩu vắc xin với giá cao ngất ngưởng cũng như không lệ thuộc vào nước ngoài mỗi khi có dịch bệnh xảy ra. "Nếu Nhà nước không mạnh tay hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất vắcxin về kinh phí để thực hiện các đề tài nghiên cứu và các doanh nghiệp không tự đổi mới, hợp tác khoa học - công nghệ với quốc tế thì việc sản xuất vắc xin ở trong nước vẫn "dậm chân tại chỗ" và bài toán nhập khẩu vẫn sẽ là khả thi nhất để bảo đảm an toàn cho công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm" - ông Cảm cho biết.

Ngọc Quỳnh