Hapro - Đơn vị nòng cốt
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:10, 25/09/2013
Vì vậy, ở nước ta, việc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là việc làm cần thiết để kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước phát triển. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) là một trong những đơn vị nòng cốt của cuộc vận động (CVĐ) này.
Là doanh nghiệp trực thuộc TP Hà Nội, Hapro hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, với 3 lĩnh vực hoạt động chính là thương mại nội địa, kinh doanh xuất nhập khẩu và đầu tư phát triển hệ thống thương mại. Doanh thu trung bình hằng năm đạt hơn 8.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 300 triệu USD. Hưởng ứng CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", lãnh đạo Hapro đã chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện có hiệu quả CVĐ, tăng tỷ lệ bán các sản phẩm hàng hóa "nội" lên 80-85% trong cơ cấu hàng hóa kinh doanh tại hệ thống bán lẻ của toàn tổng công ty. Kể từ khi thực hiện CVĐ đến nay, Hapro phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương đã tổ chức gần 300 chuyến hàng lưu động về các khu vực nông thôn, vùng xa của thành phố, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, giá hợp lý, góp phần bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát… Riêng trong dịp Tết Quý Tỵ 2013, Hapro đã tổ chức hơn 200 chuyến hàng về nông thôn, bán hàng lưu động… góp phần thúc đẩy các hoạt động thu mua, tiêu thụ hàng hóa và mở rộng thị trường bán lẻ….
Năm nay, ngoài việc thực hiện có hiệu quả CVĐ, Hapro tập trung nâng cao tỷ trọng hàng Việt có uy tín vào tiêu thụ trong hệ thống bán lẻ của tổng công ty; làm việc với các nhà sản xuất, các nhà cung cấp để có cơ chế khuyến mãi phù hợp nhân các dịp lễ, tết. Hapro còn phối hợp với các huyện, xã, khu công nghiệp tập trung để nghiên cứu thị trường, tăng số lượng các chuyến hàng lưu động, các phiên chợ hàng Việt để người dân nơi đây được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của thành phố, vừa chống được các hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn vào các địa chỉ này.
Nhằm thực hiện có hiệu quả CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", lãnh đạo Hapro còn chỉ đạo các đơn vị thành viên góp phần bỏ thói quen "sính hàng ngoại". Xí nghiệp Gốm Chu Đậu là điển hình của "chiến dịch" này. Người tiêu dùng Việt Nam vẫn tâm lý ưa chuộng hàng gốm sứ xuất xứ từ Trung Quốc, bởi nhiều lý do như giá cả, mẫu mã, chất lượng và danh tiếng. Nhưng ít người biết, nếu xét về lịch sử ra đời và phát triển của gốm Việt Nam thì chúng ta có quyền tự hào gốm Chu Đậu không thua kém bất kỳ dòng gốm nào trên thế giới cả về thương hiệu, chất lượng và kiểu dáng. Từ những thế mạnh này, Xí nghiệp Gốm Chu Đậu không ngừng cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm trên cơ sở các mẫu gốm cổ nhằm đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng. Đồng thời, đổi mới công nghệ trong các khâu chế tạo sản phẩm, áp dụng phương pháp nung sản phẩm hiện đại bằng lò ga hóa lỏng tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; thường xuyên mở các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên (CBCNV); áp dụng các quy định của Nhà nước về chính sách đãi ngộ: lương, bảo hiểm... để người lao động luôn yên tâm và tập trung năng lực, ý chí vào công việc, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tạo uy tín cho thương hiệu gốm Chu Đậu trên thị trường trong nước và quốc tế.
Để làm thay đổi nhận thức, thói quen của người tiêu dùng Việt Nam về hàng nội và hàng ngoại hiện nay là một việc không dễ trong "một sớm một chiều", không chỉ có kêu gọi hay trông chờ vào "tinh thần dân tộc" của người tiêu dùng, mà đòi hỏi phải có sự kiên trì từng bước, sự tham gia đồng bộ của các doanh nghiệp và toàn xã hội mới có thể thành công. Nhằm góp phần thúc đẩy CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trở thành hiện thực, CBCNV Tổng Công ty Hapro đang nỗ lực để thương hiệu Hapro ngày càng trở nên quen thuộc, đẳng cấp, hấp dẫn đối với người tiêu dùng trong nước và vươn lên ngang tầm quốc tế.