Chữ tín đặt lên hàng đầu!

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:31, 25/09/2013

(HNM) - Tuần Trung thu vừa qua, trong lúc nhiều quầy bánh có thương hiệu bán rất chậm thì ở một vài cơ sở sản xuất, có hiện tượng xếp hàng dài từ nửa đêm, tranh cãi, xô xát để mua hàng. Nhà hàng phải bán hạn chế, mỗi lượt xếp hàng chỉ được mua hai hộp như thời hàng hóa khan hiếm.



Nghe tin này, nhiều người nửa tin nửa ngờ, cho là hiện tượng không bình thường. Nhưng nghĩ kỹ, việc chen lấn nhau mua hàng ở một vài điểm hay việc nhiều người tự làm lấy hàng để tiêu dùng trong nhà phản ánh một giai đoạn mới trong thương mại đã bắt đầu, giai đoạn không thể tiếp tục lừa đảo, chụp giật, mà kinh doanh phải lấy chữ tín làm đầu, phải đặt quyền lợi người tiêu dùng lên trên hết.

Nếu những người sản xuất, kinh doanh nhìn thấy người Hà Nội tự làm bánh nướng, bánh dẻo, tự đi về các vùng xa mua hoa quả bày cỗ Trung thu thế nào thì chắc không khỏi suy nghĩ. Người ta nói đến khôi phục tục lệ dân gian lâu đời, kể ra cũng đúng một phần nhưng phải tự làm bánh Trung thu là cực chẳng đã. Tuy nhiên, thà bận rộn, thà không "bắt mắt" một chút nhưng tự làm lấy bánh sẽ giúp người làm, gia đình, bè bạn của họ tránh được hiểm họa bánh mất vệ sinh, kém chất lượng, có chất bảo quản độc hại… chưa kể, bị "chém đẹp" vì phải mua bánh với giá cao ngất ngưởng.

Thực ra, không chờ đến bánh Trung thu, từ lâu người tiêu dùng đã nghi ngại rất nhiều mặt hàng, từ lương thực, thực phẩm tới mọi hàng hóa khác vì tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng gian lận thương mại, hàng tồn dư chất độc hại tràn lan. Cùng với sự nghi ngại của người tiêu dùng, sản lượng tiêu thụ các mặt hàng trên ngày càng sụt giảm. Hàng hóa tiêu thụ chậm buộc người bán phải nâng giá cho khỏi lỗ và càng nâng giá, hàng càng bán chậm. Hàng bán chậm cũng buộc người buôn bán phải ép giá người sản xuất. Đến lượt người sản xuất, muốn tránh thua lỗ, phải làm hàng giả, hàng kém chất lượng nhiều hơn. Cái vòng luẩn quẩn của cạnh tranh theo kiểu hoang dã, mạnh ai nấy làm, bất chấp chữ tín cứ vây chặt lấy nhà sản xuất và người phân phối khiến cả hai cùng thiệt nhưng không thể tự tìm ra lối thoát.

Đã lâu lắm rồi nhiều người không yên tâm uống chè Thái Nguyên mua ở chợ, ăn hoa quả mà không gọt vỏ. Cũng lâu lắm rồi, người ta không dám ăn rau, ăn thịt mà không rửa kỹ, ngâm kỹ. Những người có điều kiện hơn thì đổ xô vào siêu thị, nhưng xem ra siêu thị không hơn gì. Dần dà, trừ những gì không ăn không được, không mua không được, người ta bắt đầu hạn chế mua mà tự trồng lấy rau, chăn nuôi gia cầm, có khi cả lợn, bò lấy thịt để dùng khi cần.

Từ vài hộ lẻ tẻ, việc "tự sản tự tiêu" đang dần thành phong trào: Người ta đọc sách báo, tìm hỏi kinh nghiệm của nhau để tận dụng mọi diện tích trồng rau mầm, rau thủy canh và chăn nuôi gà sạch, cá sạch… nhiều người còn làm bánh sạch, bún sạch nữa. Tất nhiên, "phong trào" ấy không thể lái cả xã hội hàng hóa trở về thời tự túc tự cấp nhưng nó báo hiệu thời tự do cạnh tranh bất chấp quyền lợi người tiêu dùng sắp đến lúc cáo chung. Cuộc sống đòi hỏi hình thành văn minh thương mại, cả người bán, người mua đều trọng chữ tín, lấy đó là điều kiện hàng đầu. Vậy thì việc hình thành "phong trào" tự làm lấy bánh Trung thu nên buồn hay vui, điều đó những nhà sản xuất và kinh doanh nên tự tìm câu trả lời.

Vũ Duy Thông