Người tích cực đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:14, 24/09/2013
Nhiều năm làm chủ nhiệm HTX, ông Vượng luôn trăn trở làm sao để nông dân quê mình đỡ vất vả hơn trong các khâu cấy, gặt, cày, bừa. Qua nghiên cứu, học tập, thấy đồng đất địa phương phù hợp với việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nên ông đã mạnh dạn thử nghiệm. Được sự quan tâm hỗ trợ vốn của Nhà nước hơn 700 triệu đồng, ông đã đề xuất HTX đầu tư 1 tỷ đồng mua sắm phương tiện, máy móc phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp trong xã. Từ số tiền trên, ông đã tiếp nhận mô hình gồm máy cày làm đất, máy phun thuốc cơ động, giàn xạ và máy gặt đập liên hợp. Ông đề xuất Ban chủ nhiệm HTX thành lập đội máy chuyên gồm 11 người vận hành máy móc, thiết bị, triển khai phục vụ làm 255ha đất của địa phương, giúp bà con giảm công làm đất, triển khai gieo cấy lúa đúng thời vụ trong năm. Đối với dịch vụ gieo sạ, sau khi tiếp thu các mô hình khảo nghiệm thành công trên địa bàn huyện, ông đã triển khai giàn sạ loại 4 đến 6 chống với 40 bộ. Việc gieo sạ được nông dân hưởng ứng nhiệt tình, so với việc cấy thủ công và các công việc từ gieo mạ, chăm sóc đến cấy đã tiết kiệm cho xã viên được 80-100 nghìn đồng/sào. Đến thời điểm thu hoạch lúa, hợp tác xã lại áp dụng dịch vụ gặt đập liên hoàn, xã viên đã được hưởng lợi từ dịch vụ này của hợp tác xã là so với việc gặt truyền thống 40-50 nghìn đồng/sào/vụ, việc này còn tiết kiệm cho xã viên thời gian thu hoạch một sào chỉ từ 7 đến 10 phút. Không chỉ vậy, trong quá trình sản xuất, việc đưa dịch vụ phun thuốc sâu bằng 5 máy phun giúp nông dân bảo đảm sức khỏe, đồng thời còn đem lại hiệu quả rõ rệt so với phương pháp thủ công trước đây do máy phun đều, nhanh, hạ giá thành trên đầu diện tích. Qua mô hình ông Vượng đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng đã góp phần giảm được chi phí từ 180 nghìn đến 205 nghìn đồng/sào/vụ, một năm cả xã được hưởng lợi 1,5 tỷ đồng. Hơn nữa, năng suất lúa, cây màu tăng, đứng trong tốp đầu của huyện.
Dám nghĩ, dám làm, ông Nguyễn Văn Vượng đã góp phần thúc đẩy đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng trên địa bàn huyện, giảm chi phí, nâng cao năng suất cây trồng. Mô hình đang được huyện Ba Vì giới thiệu nhân rộng ở những vùng có điều kiện tương tự.