Hơn 2 năm thực hiện Chương trình 08-CTr/TU: Chuyển biến chưa đáp ứng yêu cầu
Chính trị - Ngày đăng : 06:12, 24/09/2013
Kết quả cho thấy, qua hơn 2 năm triển khai đã có sự chuyển biến rõ nét trong công tác cải cách hành chính (CCHC) và công tác cán bộ. Song, kết quả đó chưa đủ để yên tâm bởi tình trạng nhận thức chưa đúng mức về CCHC còn phổ biến và chất lượng cán bộ ở một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu.
Những thay đổi bước đầu
Để triển khai Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh CCHC, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) giai đoạn 2011-2015", các đơn vị đã ban hành kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, quán triệt tới các cán bộ, đảng viên. Qua đó, mỗi tập thể, cá nhân nâng cao tinh thần trách nhiệm. Tại các đơn vị, tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn tăng và đạt khá cao; nhiều đơn vị không thấy có kiến nghị, phản ánh của người dân về việc giải quyết TTHC theo cơ chế "một cửa".
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại UBND phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy). Ảnh: Phong Thu |
Mê Linh là một đơn vị có xuất phát điểm công tác CCHC không tốt, song thời gian qua, Huyện ủy, Ban chỉ đạo, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có những đổi mới trong cách làm và đạt được những kết quả quan trọng, giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc. Huyện đã ban hành Đề án "Tăng cường công tác cấp đổi sổ hộ khẩu, CMND trên địa bàn toàn huyện Mê Linh giai đoạn 2011-2012", trong đó, tập trung rút ngắn thời gian và đổi mới quy trình thực hiện cho nhân dân. Nhờ đó, trong 2 năm 2011-2012, cơ quan chức năng đã đổi được 40.200 sổ hộ khẩu, tăng 200% so với 2 năm 2009-2010 (trong đó, tổ thường trực đã tiếp nhận, cấp, đổi lại 14.324 sổ; tổ lưu động tiếp nhận sao chép, đổi 25.876 sổ); cấp được 152.852 CMND, vượt 28% so mục tiêu đề án (trong đó, tổ lưu động đã cấp 97.624 CMND, tổ thường trực đã cấp 55.200 CMND; tổ cấp tại nhà, tại bệnh viện được 28 CMND). Tương tự, huyện Sóc Sơn triển khai các tổ công tác cấp CMND tại các thôn, xóm, nhà và giường bệnh. Trong 2 năm đã cấp được 37.334 CMND, vượt chỉ tiêu 27%. Đáng chú ý, các đơn vị đều coi công tác cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, quan tâm tới quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC và chăm lo chế độ. Tiêu biểu, dù trong điều kiện khó khăn, nhưng hằng năm, huyện Sóc Sơn đều dành 2 tỷ đồng để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Hai năm qua, huyện Sóc Sơn đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại được 126 cán bộ quản lý, từng bước khắc phục những vấn đề tồn tại đối với đội ngũ cán bộ ở một số xã. Huyện Ba Vì đã phối hợp với Sở Nội vụ Hà Nội và Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị tổ chức mở lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng cho 43 công chức địa chính - xây dựng xã, thị trấn. Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch chỉ tiêu đào tạo sau đại học đến năm 2020 với 87 chỉ tiêu…
Chưa chỉ rõ thiếu sót
Bên cạnh những kết quả đạt được, hạn chế tồn tại phổ biến ở các đơn vị là công tác tuyển dụng CBCCVC chưa thu hút được đội ngũ trí thức có năng lực; việc hiện đại hóa nền hành chính chưa đạt yêu cầu; việc liên thông giải quyết TTHC chưa có quy trình dẫn tới nhiều TTHC bị chậm muộn. Đặc biệt, một số cán bộ chấp hành "Năm kỷ cương hành chính - 2013" chưa nghiêm túc đã bị công dân phản ánh. Nguyên nhân chủ quan được hầu hết các đơn vị tự chỉ ra một cách chung chung như nhận thức của một bộ phận cán bộ chủ chốt, CBCCVC về công tác CCHC còn chưa sâu sắc, chưa thấy được tầm quan trọng của công tác CCHC. Một số lãnh đạo các đơn vị chưa thực sự quan tâm và chỉ đạo sát sao công tác CCHC, việc chỉ đạo còn mang tính hình thức, bị động... Khi đoàn kiểm tra hỏi thì hầu hết các đơn vị không chỉ rõ được cơ sở nào, cá nhân nào chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác CCHC. Chỉ có lãnh đạo huyện Sóc Sơn thừa nhận, còn 8 xã yếu kém mang tính... bền vững. Tất cả những gì bức xúc, tồn tại đều nằm ở những xã này. Ở khối sở, ngành, Giám đốc Sở VH,TT&DL Tô Văn Động thẳng thắn: "Sở chậm chuyển biến trong cải cách. Có biểu hiện "dễ làm, khó bỏ" nên hiệu quả công việc không cao. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương không nghiêm. Các phòng, ban không phối hợp với nhau nên công việc chậm trễ...".
Trong đợt kiểm tra vừa qua, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 08/CTr-TU của Thành ủy đã chỉ đạo các đơn vị phải kiên trì coi CCHC là nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, nếu các đơn vị không chỉ rõ tập thể, cá nhân có thiếu sót, khuyết điểm để chấn chỉnh, xử lý thì e rằng những nguyên nhân chủ quan vẫn tiếp tục tồn tại, làm chậm tiến trình CCHC, nâng cao chất lượng CBCCVC, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu của Chương trình 08.