Thủ tướng Đức đắc cử nhiệm kỳ thứ 3: Chiến thắng chưa có tiền lệ

Thế giới - Ngày đăng : 06:12, 24/09/2013

(HNM) - Không nằm ngoài dự đoán, Thủ tướng Đức Angela Merkel và liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) vừa giành thắng lợi lần thứ 3 trong cuộc bầu cử Quốc hội tiến hành ngày 22-9.

Chiến thắng ấn tượng của bà A.Merkel là kết quả tốt nhất của phe bảo thủ kể từ ngày thống nhất nước Đức vào năm 1990, đồng thời đưa người phụ nữ quyền lực này trở thành vị Thủ tướng thứ 3 kể từ sau chiến tranh thế giới II của Đức liên tiếp đắc cử 3 nhiệm kỳ.

Thủ tướng Đức A.Merkel chia sẻ niềm vui với người ủng hộ.



Theo thông báo chính thức từ Cơ quan bầu cử Liên bang Đức sau khi hoàn tất việc kiểm phiếu tại toàn bộ 299 khu vực bầu cử, CDU/CSU đã giành được số phiếu cao nhất với tỷ lệ 41,5%, tiếp sau là đảng Dân chủ Xã hội (SPD) được 25,7%, đảng Cánh tả 8,6% và đảng Xanh 8,4%. Kết quả này một lần nữa khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của các cử tri Đức đối với bà A.Merkel giữa lúc những khó khăn về tài chính suốt 4 năm qua đã hạ bệ hàng loạt nhà lãnh đạo cùng thời với bà trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Dù đôi khi đã xuất hiện những chỉ trích cho rằng "quán quân" về siết chặt chi tiêu này có quan điểm quá cứng rắn, song phần lớn người dân Đức vẫn đánh giá cao cách điều hành đất nước của Thủ tướng A.Merkel. Các cử tri vẫn cho rằng bà đã vững vàng chèo lái nền kinh tế hàng đầu tại Lục địa già vượt qua những khó khăn khôn cùng của Eurozone và thế giới. Trong khi đó, nhiều cuộc điều tra thăm dò dư luận có cùng kết quả thể hiện độ tín nhiệm cao đối với chính phủ liên hiệp dưới sự lãnh đạo của nữ chính khách được mệnh danh là "người đàn bà thép" của Đức. Không ít ý kiến cho rằng, trong suốt 8 năm cầm quyền, Thủ tướng A.Merkel đã góp nhiều công sức đưa nước Đức vươn lên giữ vị thế quan trọng nhất Châu Âu và có tiếng nói lớn trên trường quốc tế.

Thực tế là suốt 4 năm qua, Chính phủ của Thủ tướng A.Merkel đã chứng minh vai trò không thể thiếu của Berlin trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ khu vực. Chính sách "viện trợ đi kèm thắt lưng buộc bụng" của bà A.Merkel, dù đã vấp phải những chỉ trích nhưng các gói cứu trợ của bộ ba chủ nợ gồm EU, Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) do Đức khởi xướng đã góp phần làm dịu khủng hoảng và đưa Eurozone từng bước đi qua những thử thách. Với sự trở lại của bà A.Merkel, đã xuất hiện những lo ngại từ phía một số "con nợ" lớn như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Síp rằng thời gian tới họ sẽ phải "thắt lưng buộc bụng" nhiều hơn và đau đớn hơn nữa. Tuy nhiên, hầu hết thành viên EU đều khẳng định, chiến thắng của nhà lãnh đạo 59 tuổi có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định của Liên minh Châu Âu (EU).

Như vậy, sẽ không có "tuần trăng mật" cho Thủ tướng A.Merkel mặc dù thắng lợi của bà là chưa có tiền lệ đối với một nữ lãnh đạo. Ngoài việc gánh vác vai trò trụ cột trong các quyết sách xử lý "bão" nợ công, Chính phủ mới của Đức sẽ phải đối mặt với những thách thức như sự bất bình đẳng trong xã hội, quy định mức lương tối thiểu, những vấn đề phát sinh từ cỗ xe kinh tế Đức trong quá trình tăng tốc vừa qua.

Tuy nhiên, thử thách trước mắt cần phải giải quyết hiện nay của bà A.Merkel là phải nhanh chóng triển khai các cuộc đàm phán để thành lập liên minh cầm quyền do CDU/CSU không hội đủ đa số phiếu để tự đứng ra thành lập chính phủ. Khó khăn nằm ở chỗ, trái ngược với chiến thắng vang dội của CDU/CSU, đảng Dân chủ Tự do (FDP) - đối tác truyền thống trong liên minh cầm quyền của bà A.Merkel - chỉ giành được vỏn vẹn 4,8% số phiếu, không vượt qua ngưỡng 5% theo luật định để có đại diện trong Quốc hội. Khả năng thành lập đại liên minh với SPD chỉ còn là "khe cửa hẹp" khi thủ lĩnh của đảng này Peer Steinbrueck tỏ ra không mấy hào hứng với cuộc "hôn nhân" cùng CDU/CSU. Trong khi đó, các cuộc đàm phán với đảng Xanh hoặc đảng Cánh tả sẽ hứa hẹn nhiều khó khăn khi lập trường của các bên tồn tại nhiều khác biệt.

Vì vậy, để Quốc hội nhiệm kỳ mới có thể họp phiên đầu tiên vào ngày 22-10 tới, ê kíp của bà A.Merkel chắc chắn sẽ phải vất vả trong các cuộc đàm phán với mục tiêu là lập ra một liên minh cầm quyền mà không gây ảnh hưởng tới những chính sách được CDU/CSU đưa ra trong cương lĩnh tranh cử.

Quỳnh Chi