Quản lý giá sữa: “Quả bóng” trách nhiệm chưa có điểm dừng!

Kinh tế - Ngày đăng : 05:58, 24/09/2013

(HNM) - Nhập khẩu sữa với mức giá vài chục nghìn đồng và bán lẻ vài trăm nghìn đồng, chi phí quảng cáo, tiếp thị cao bất hợp lý, tự ý



Việc khởi động một cuộc thanh tra giá sữa với sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan có liên quan nhằm làm sáng tỏ nghi vấn có hay không việc thao túng giá sữa trên thị trường là kỳ vọng của đông đảo người tiêu dùng thay vì phải chứng kiến "quả bóng" trách nhiệm bị đẩy từ nơi này sang nơi khác.

Giá sữa nhập khẩu với giá bán lẻ chênh lệch quá lớn. Ảnh: Như Ý


"Cắt cổ" người tiêu dùng

Thống kê của Tổng cục Hải quan về giá một số mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em trong tháng 7-2013 cho thấy, có sự chênh lệch lớn giữa giá sữa nhập khẩu (NK) với giá bán lẻ. Cụ thể, giá một hộp sữa NK chỉ dao động ở mức 4-5 USD/hộp (tương đương 85.000 đồng-107.000 đồng/hộp). Nhưng trên thực tế, một số sản phẩm của Hãng sữa Abbott như Similac Advance, Similac Go&Grow có giá bán lẻ phổ biến 540.000-560.000 đồng/hộp, chênh lệch 420-440.000 đồng/hộp so với giá NK. Sữa Dumex Gold bước 3 (loại 800 g/hộp) giá NK có thuế 117.000 đồng, giá bán lẻ 412.000 đồng, chênh lệch 295.000 đồng. Sữa Nan Pro số 1, (loại 800 g/hộp) giá NK có thuế 89.600 đồng, giá bán lẻ 423.000 đồng, chênh lệch 333.400 đồng. Sữa Enfagrow A+ số 3 (loại 900 g/hộp) giá NK có thuế 175.700 đồng, giá bán lẻ 445.000 đồng, chênh lệch 269.300 đồng… Thực tế này cho thấy, người tiêu dùng tại Việt Nam đang phải mua sữa NK với giá quá cao so với giá trị thực tế của sản phẩm mà họ đang sử dụng.

Sau khi giá NK một số mặt hàng sữa bột được cơ quan chức năng công bố, mức chênh lệch quá lớn giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ sữa bột trên thị trường đã khiến không ít người tiêu dùng bức xúc. Chị Đặng Thu Trang, nhân viên kế toán tại một DN ở quận Hoàn Kiếm, cho biết việc các DN kinh doanh phải có lãi là hoàn toàn bình thường bởi mỗi sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng phải tiêu tốn khá nhiều chi phí của DN. Song việc một hộp sữa có giá NK vài chục nghìn đồng lại được bán lẻ với giá vài trăm nghìn, cao gấp 4-5 lần là một nghi vấn. Các cơ quan chức năng cần xem xét chi tiết này để có phương án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giá, không quá khó để thẩm định giá bán lẻ của DN đưa ra có hợp lý hay không, bởi các cơ quan chức năng có thể dựa vào nguồn tin của Tổng cục Hải quan, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để so sánh, phân tích giá bán lẻ mặt hàng sữa bột. Sau khi điều tra giá gốc, các chi phí bán hàng, quảng cáo, tiếp thị, cơ quan chức năng sẽ phân tích được cụ thể giá bán lẻ có cao bất hợp lý hay không, từ đó đưa ra những biện pháp điều chỉnh phù hợp.

Doanh nghiệp thao túng giá - Sẽ lại vô sự?

Trong khi những nghi vấn của giá sữa bị thao túng chưa được làm rõ thì việc kiểm soát giá sữa cũng đang rơi vào bế tắc. Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Luật Giá do Quốc hội ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc danh mục hàng hóa bình ổn giá, buộc phải kê khai và đăng ký giá theo quy định. Song sau khi Bộ Y tế ban hành quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng, từ tháng 4-2013 đến nay, không có đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa nào gửi thông báo, kê khai, đăng ký điều chỉnh mức giá bán đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá). 17/18 doanh nghiệp (DN) đang sản xuất, kinh doanh, phân phối hầu hết các loại sản phẩm trước đây gọi là sữa đang có mặt trên thị trường hiện nay đã gửi báo cáo về Bộ Tài chính và cho rằng, căn cứ theo quy chuẩn của Bộ Y tế thì hiện nay, không còn sản phẩm nào có tên là sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tên sử dụng trên nhãn, mác những sản phẩm trước đây là sữa bột giờ được gọi là sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng công thức... Trong khi đó, hàng triệu trẻ em tại Việt Nam hàng ngày vẫn phải sử dụng những sản phẩm có bản chất là sữa bột này dù tên gọi có thay đổi hay không.

Dư luận kỳ vọng các cơ quan quản lý nhà nước sẽ sớm khởi động một cuộc thanh tra giá sữa toàn diện với quy mô lớn nhằm siết chặt công tác quản lý nhà nước về giá với mặt hàng thiết yếu này. Trên thực tế, cuộc điều tra hành vi làm giá và vi phạm các quy tắc chống độc quyền về giá sữa bột do Trung Quốc thực hiện đầu tháng 7 vừa qua đã cho thấy những tác động tích cực khi nhà nước áp dụng biện pháp mạnh tay với hành vi thao túng giá sữa. Ngay sau khi Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc mở cuộc điều tra các nhà sản xuất sữa nước ngoài cố tình đẩy giá sữa lên cao để kiếm lợi, các DN kinh doanh sữa tại thị trường Trung Quốc đã lập tức tuyên bố giảm mạnh giá bán lẻ sữa. Công ty Nestle (Thụy Sĩ) và Danone (Pháp) tuyên bố hạ giá 6-20% đối với sản phẩm sữa công thức dành cho trẻ em. Hãng sữa Abbott (Mỹ) cũng giảm giá sữa công thức từ 4% đến 12%. Hãng Royal Friesland Campina (Hà Lan) với thương hiệu quen thuộc Friso cũng giảm giá sữa 5% từ ngày 8-7.

Tại Việt Nam, mặc dù các cuộc thanh tra giá sữa đã từng được thực hiện, song chưa có DN kinh doanh sữa bột nào bị xử lý vì hành vi thao túng giá sữa. Dư luận kỳ vọng, với sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng, giá sữa trên thị trường sẽ được trả về đúng giá trị vốn có, giúp người tiêu dùng không phải mua với giá cao bất hợp lý như hiện nay.

Tăng thu hơn 5,2 tỷ đồng thuế nhập khẩu sữa

Tổng cục Hải quan cho biết, sau khi cơ quan này bổ sung mặt hàng sữa vào danh mục quản lý rủi ro hàng hóa nhập khẩu cấp cục, từ tháng 1 đến tháng 7-2013, cơ quan hải quan đã bác bỏ trị giá khai báo thấp, bất hợp lý của DN để xác định lại trị giá tính thuế trên cơ sở dữ liệu giá có sẵn theo đúng quy định với một số tờ khai nhập khẩu sữa. Số thuế đã điều chỉnh tăng so với khai báo thuế có giá thấp của DN là hơn 5,2 tỷ đồng.

Hương Ly