Biểu dương người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu trong bảo vệ biên giới, hải đảo
Chính trị - Ngày đăng : 08:18, 23/09/2013
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tham dự và phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Tiên Minh – TTXVN) |
Hội nghị do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH), Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân và UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp tổ chức.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, cho biết: Hội nghị lần thứ 20 năm nay, với chủ đề “Biểu dương người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu trong sự nghiệp bảo vệ biên giới, hải đảo” là lời tri ân, là sự tôn vinh của Tổ quốc, của nhân dân đối với những người con đã không tiếc máu xương vì sự toàn vẹn của chủ quyền biên giới, hải đảo quê hương; đồng thời cũng là lời động viên người có công, thân nhân liệt sĩ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Cả nước hiện có khoảng hơn 8,8 triệu người có công, chiếm khoảng 10% dân số. Trong đó, có hơn một triệu liệt sĩ; hơn 50 nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng; gần 800 nghìn thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 185 nghìn thương binh B; 1.253 Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động trong kháng chiến, hơn 100 nghìn người có công giúp đỡ cách mạng, hơn 200 nghìn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; khoảng hơn 4,1 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc. Cả nước hiện có gần 1,4 triệu người có công hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của nhà nước.
Song song việc thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của nhà nước, phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ phát triển ngày càng sâu rộng, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Bằng những việc làm thiết thực, năm năm qua, cả nước xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền hơn 800 tỷ đồng; xây mới gần 11 nghìn nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 16 nghìn nhà tình nghĩa khác, tổng trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Việc triển khai thực hiện các đề án tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ trong nước và nước ngoài; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin… đã mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm to lớn và tình cảm sâu nặng của Đảng, nhân dân ta đối với các anh hùng liệt sĩ.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xúc động nói: “Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta cùng nhớ tới anh linh của hơn một triệu liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Chúng ta cũng nhớ tới hơn 800 nghìn thương binh đang chịu những vết thương của chiến tranh, vẫn sống xứng đáng với tinh thần vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Phó Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực vượt khó và những đóng góp có ý nghĩa to lớn của các đồng chí thương binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, thân nhân liệt sĩ; đồng thời khẳng định: Hầu hết các đồng chí thương binh, cựu chiến binh, cựu TNXP, thân nhân liệt sĩ, người có công là những công dân mẫu mực ở địa bàn nơi cư trú, là chỗ dựa vững chắc trong gia đình và sinh hoạt cộng đồng tại địa phương. Đó là những tấm gương tiêu biểu, những câu chuyện rất xúc động, rất đáng khâm phục về sự phấn đấu bền bỉ, sáng tạo và ý chí, nghị lực vươn lên. Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, 98% gia đình người có công có mức sống trung bình trở lên. Nhiều doanh nghiệp thương binh tiêu biểu đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động là con em của đồng đội, của các gia đình chính sách, không chỉ bảo đảm đời sống người lao động mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước. Đây là nguồn động viên, khích lệ đồng đội; góp phần chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng.
Thông qua thực hiện trách nhiệm của các cơ quan chính quyền địa phương và T.Ư, với sự tham gia hỗ trợ của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, chúng ta cùng đẩy mạnh phong trào: “Đền ơn đáp nghĩa” để thực hiện các chính sách về người có công, đặc biệt là 7 chính sách: Ghi nhận người có công; hỗ trợ tài chính cho người có công; hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển kinh tế đối với gia đình người có công; chăm lo học tập, sức khỏe của con người có công; nhà cho người có công; chăm sóc sức khỏe cho thương binh, nạn nhân chất độc da cam, người bị tù đày; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính những liệt sĩ chưa rõ tên.
Phó Thủ tướng khẳng định: “Chúng ta phấn đấu đến năm 2015 thực hiện được mục tiêu “Tất cả gia đình người có công không nghèo; tất cả gia đình người có công không còn nhà tạm bợ”.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Thuận Hữu nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta luôn xác định, việc chăm sóc người có sông với nước là một nhiệm vụ quan trọng, không chỉ là vấn đề đạo lý, truyền thống mà còn là vấn đề xã hội có ý nghĩa nhân văn cao quý. Qua ý kiến phát biểu của các đại biểu, chúng ta càng cảm phục lòng yêu nước, tinh thần vượt khó của những người có công với nước dự hội nghị này. Đó là những nhân tố mới, điển hình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thật sự là những tấm gương mẫu mực để chúng ta noi theo.
Đồng chí Thuận Hữu khẳng định: Mặc dù nguồn lực của đất nước còn nhiều hạn chế, Đảng và nhà nước ta vẫn quan tâm sâu sắc, có chính sách phù hợp trong việc nâng cao đời sống các mặt của người có công với cách mạng. Tuy nhiên, qua báo cáo của Bộ LĐ-TB và XH và các ý kiến phát biểu tại hội nghị, chúng ta nhận thấy, công tác người có công những năm qua vẫn còn một số vấn đề cần được tiếp tục giải quyết. Đó là, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng phù hợp điều kiện KT-XH của đất nước; đẩy mạnh công tác giải quyết tồn đọng và xác nhận người có công qua các thời kỳ; khuyến khích cộng đồng xã hội đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Đồng thời, tiếp tục động viên sự nỗ lực, vượt khó của gia đình và bản thân đối tượng chính sách trong việc tự chăm lo, cải thiện cuộc sống của chính mình. Cạnh đó, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công; đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
* Nhân dịp này, thay mặt Đảng ủy, Ban Biên tập và tập thể những người làm báo Nhân Dân, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà một số gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Khánh Hoà.
Đồng chí Thuận Hữu cho biết, thời gian qua, Báo Nhân Dân tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ban ngành, cơ quan, đơn vị có những việc làm thiết thực, như cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Tập đoàn Dệt may Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp dệt may Việt Nam vì đồng bào biển, đảo của Tổ quốc”. Giai đoạn đầu (2009-2011), chương trình đã huy động hơn 50 tỷ đồng đưa vào Quỹ hỗ trợ vùng biển, đảo. Mới đây, dịp kỷ niệm 66 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Báo Nhân Dân phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Hướng về biển đảo quê hương”. Báo Nhân Dân đã trao tặng 40 suất quà, mỗi suất trị giá năm triệu đồng, đến các gia đình cựu chiến binh và gia đình cán bộ, chiến sĩ Hải quân đang làm nhiệm vụ ở các vùng biển, đảo của Tổ quốc có hoàn cảnh khó khăn; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao tặng Quân chủng Hải quân 50 tỷ đồng do cán bộ, công nhân, viên chức toàn ngành đóng góp để xây dựng các công trình phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cán bộ, chiến sĩ Hải quân đang làm nhiệm vụ ở các cùng biển, đảo…