Nhiều điểm “nghẽn” cần tháo gỡ

Xã hội - Ngày đăng : 06:36, 23/09/2013

(HNM) - Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn còn không ít khó khăn, nhiều lao động sau khi đào tạo đã không tìm được việc làm.

Hơn 136 tỷ đồng đào tạo nghề cho LĐNT

Năm 2012, 300 LĐNT ở xã Tản Hồng, huyện Ba Vì đã được học nghề trồng nấm ăn và nấm dược liệu theo chương trình đào tạo nghề của Quyết định 1956. Trở lại địa phương sau một năm người dân được tiếp cận với nghề mới, Chủ tịch UBND xã Tản Hồng Phương Văn Liểu cho hay, nhờ được đào tạo, nhiều hộ gia đình trong xã đã có việc làm và thu nhập ổn định. Hộ anh Trần Mạnh Hùng và Lê Thị Thơm ở cụm 3, thôn La Thượng đã thành lập trại trồng nấm thu hút hàng chục lao động. Theo tính toán, 3 tạ rơm nguyên liệu trồng nấm sẽ thu lãi 1-2 triệu đồng. Thậm chí, có hộ chỉ trong khoảng 5 tháng, sản xuất trên diện tích 1.000m2 đã lãi 100 triệu đồng. Từ khi có nghề trồng nấm, rơm rạ sau thu hoạch đã được người dân thu gom hết, không còn tình trạng đốt rơm gây ô nhiễm môi trường.

Hướng dẫn nghề mây tre đan cho lao động trẻ tại xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Thái Hiền


Thống kê trong 3 năm (2010-2012) triển khai thực hiện Quyết định 1956, Hà Nội đã bố trí 136.805 tỷ đồng cho công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Toàn TP đã mở 1.093 lớp cho 33.939 lao động, tập trung vào 2 nhóm nghề: nông nghiệp (chiếm 32,4%) và nghề phi nông nghiệp (chiếm 67,6%). Công tác dạy nghề bước đầu đã gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp nhằm giúp người lao động dễ dàng tìm việc. Nhờ đó, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt tới 86%, thu nhập bình quân đạt 2-3 triệu đồng/ người/tháng.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Triển khai thực hiện Quyết định 1956, Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo từ TP đến các xã, ban hành kế hoạch, quyết định mức phê duyệt chi phí đào tạo cho 49 nghề và quyết định bố trí, phân bổ vốn đào tạo nghề cho LĐNT. TP cũng đã chỉ đạo ngành chức năng điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT. Qua khảo sát 867.794 hộ với 2.129.469 LĐNT trên địa bàn 18 huyện, quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây cho thấy có 131.185 người có nhu cầu học nghề. Thống kê nhu cầu bổ sung lao động qua đào tạo giai đoạn 2011-2015 của 8.320 công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cho thấy đang cần 311.106 lao động, trong đó, nhu cầu ngành nông nghiệp chiếm 3%, ngành công nghiệp xây dựng chiếm 78,5%, dịch vụ chiếm 14,5%, tiểu thủ công nghiệp chiếm 4%.

Triển khai được 3 năm, nhưng tại nhiều địa phương, công tác đào tạo nghề chưa phù hợp với nhu cầu thực tế dẫn đến sau học nghề vẫn không tìm được việc làm phù hợp. Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Lê Văn Sang nhận định, lao động sau đào tạo gắn bó được với nghề rất ít. Làng nghề khó khăn, nhiều lao động phải bỏ quê đi khắp nơi tìm việc. Còn tại xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Mạnh trăn trở, ở địa phương ven đô như Di Trạch, rất nhiều lao động có nhu cầu học nghề lái xe ô tô nhưng lại không mở lớp dạy nghề này, trong khi đó, các lớp nghề trồng hoa cây cảnh, cây ăn quả người học… "chỉ để biết" chứ không áp dụng được vào việc phát triển kinh tế gia đình bởi diện tích đất nông nghiệp ở địa phương không còn nhiều do bị thu hồi phục vụ phát triển công nghiệp - đô thị…

Nguyên nhân khiến công tác dạy nghề chưa sát với nhu cầu thực tế đã được chỉ ra như: Hoạt động của BCĐ 1956 của một số huyện chưa thường xuyên, sự phối hợp giữa các cấp, phòng ban, tổ chức chính trị xã hội chưa chặt chẽ. Trong đó, một số huyện chưa nâng cao năng lực quản lý nhà nước về dạy nghề nên chưa bố trí cán bộ chuyên trách quản lý về đào tạo nghề tại phòng LĐ-TB&XH. Hiện vẫn còn 9/18 huyện chưa bố trí cán bộ chuyên trách về dạy nghề. Bên cạnh đó, hầu hết các trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện chưa bổ sung đủ giáo viên hữu cơ… Đó là chưa kể đến 3 huyện Quốc Oai, Mỹ Đức, Phúc Thọ chưa thành lập được trung tâm dạy nghề. Nhiều lao động sau khi học nghề xong lại không có vốn để phát triển nghề. Theo thống kê, đến nay, số lao động nông thôn sau khi học nghề được vay vốn để tạo việc làm thấp, hiện mới đạt 4,9%.

Theo kế hoạch, năm 2013, TP Hà Nội tiếp tục đào tạo nghề cho hơn 39 nghìn LĐNT, gồm 19.325 người học nghề nông nghiệp và 19.700 người học nghề phi nông nghiệp. Ngoài ra, sẽ đào tạo nghề trung cấp và cao đẳng cho 500 LĐNT là người dân tộc thiểu số và LĐNT là các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp. Trong đó, 80% LĐNT sau học nghề có việc. Để công tác dạy nghề phát huy hiệu quả, công tác dạy nghề cần có sự khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu của người học để dạy nghề nông dân đang cần.

Nguyễn Mai